Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

UBTVQH nghe báo cáo lấy phiếu tín nhiệm


Nghe báo cáo lấy phiếu tín nhiệm

(ĐVO) - UBTVQH sẽ nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII...

Theo Văn phòng Quốc hội, phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16/5/2013 với những nội dung quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII.
Dự kiến, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Đồng thời, cho ý kiến phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2012.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 17 của UBTVQH khóa XIII
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 17 của UBTVQH khóa XIII
UBTVQH sẽ nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người
giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Về công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật doanh nghiệp.

Trong kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 20/5 tới, lần đầu tiên QH sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh thuộc bốn nhóm: Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; Chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH và các ủy viên Thường vụ QH khác; Thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (CP); chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 vị trí chủ chốt của Nhà nước là sự kiện chưa có tiền lệ - chưa có tiền lệ ở nước ta và cũng chưa có tiền lệ ở trên thế giới. Đánh giá một sự kiện như vậy không những không dễ, mà còn rất rủi ro.

TS Dũng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm, quyền lực của các đại biểu Quốc hội sẽ được nâng lên.

‘Tôi nghĩ tín nhiệm là cơ sở để nắm giữ các chức vụ chính trị. Không có tín nhiệm thì phải thôi chức vụ của mình. Cách ít bị tổn hại danh dự hơn khi không còn tín nhiệm là xin từ chức. Để Quốc hội bãi miễn thì không chỉ mất chức, mà danh dự cũng chẳng còn’, ông Dũng nói.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, để việc đánh giá được khách quan, cần phải soi chiếu trên nhiều tiêu chuẩn.

‘Như vậy, để đánh giá chính xác thì cần có tranh luận, điều trần, chất vấn. Ngoài ra, các thông tin trên báo chí, trong công luận cũng là nguồn tham khảo bổ ích’, ông Dũng nói.

Xuân Tùng (Tổng hợp từ TPO, VNN)

Theo Báo đất Việt điện tử  -  baodatviet.vn

Không có nhận xét nào: