Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Năng suất lao động VN bằng 1/15 lần Singapore




 - Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương, theo đánh giá của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Năng suất kém
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu) – thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.
So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan.
Một xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.
Kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc đang là mối lo ngại lớn trong toàn khu vực
Kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc đang là mối lo ngại lớn trong toàn khu vực
Theo một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh
nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.
Tại một cuộc hội thảo diễn ra tháng 8/2013, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức, báo cáo của Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai.
Do đó, người lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong việc sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, kỷ luật của lao động Việt Nam còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Kỹ năng yếu
Bên cạnh đó, trong báo cáo "Con đường đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015: Những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp" của ILO, cũng nói đến những thách thức của thị trường lao động được tạo ra bởi một nền kinh tế ASEAN với mức độ hội nhập gia tăng sau khi AEC ra đời vào năm 2015 cho thấy các doanh nghiệp rõ ràng chưa nhận thức đầy đủ về những thách thức của AEC cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội của nó.
Doanh nghiệp khá lạc quan rằng sự dịch chuyển ngày càng tăng của lao động, rào cản thương mại giảm và dòng vốn đầu tư tự do hơn sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh - đặc biệt khi kết hợp đầu tư trong giáo dục và đào tạo.
Hiện số dân di cư nội khối ASEAN đang tăng lên, từ khoảng 1,5 triệu người trong năm 1990 đến khoảng 6,5 triệu người hiện nay. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới
Ông Phan Danh Dũng - Phó Giám đốc Khách sạn Viễn Đông cho hay, phần lớn người lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề còn rất yếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ kém, không tự tin khi tiếp cận với khách hàng.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các cơ sở dạy nghề vẫn chưa thực sự phù hợp với cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động, chưa bổ sung những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường tuyển dụng.
Trước những lo ngại về chất lượng lao động cũng như sự thiếu hụt lao động ở Việt Nam nói riêng và các nước trong khối ASEAN nói chung, nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vào những năm tới, ILO khuyến nghị: Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực, củng cố các chính sách thị trường lao động hợp lý và ổn định.
  • Thái Linh
Theo baodatviet.vn


Không có nhận xét nào: