- Nhiều gia đình tại Hà Nội nhận được hoá đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt, gấp đôi, ba lần những tháng trước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhiều lần khẳng định chưa có phương án tăng giá điện, nhất là trong dịp nắng nóng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng vọt. Thậm chí nhiều trường hợp gấp đôi, gấp ba lần so với tháng trước. Vì sao lại có tình trạng này?
Cầm hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 6, anh Nguyễn Văn Thắng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vô cùng bất ngờ khi tiền điện bỗng dưng tăng lên hơn 1,1 triệu đồng, gấp đôi so với tháng trước. Anh Thắng cho biết, gia đình anh gồm 4 người, mức tiêu thụ điện trong tháng 6 so với tháng trước không chênh lệch quá nhiều, vậy mà tiền điện lại tăng vọt.
Nhiều gia đình phải trả tiền điện tháng 6 gấp tới 3 lần những tháng trước.
Cùng chung nỗi băn khoăn này, bà Phạm Thị Hồng, ở quận Long Biên lo lắng khi tiền tháng này cũng tăng lên gần gấp đôi so với tháng trước: “Hóa đơn tiền điện tăng lên rất nhiều, với nhiều mức khác nhau, tôi chưa hiểu lý do vì sao. Tôi cũng mong cơ quan chức năng lý giải vì sao lại như vậy. Đây có phải là một hình thức tăng giá điện hay không? Tôi thấy so với hóa đơn tháng trước khác rất nhiều lắm.”
Giải thích về những băn khoăn không phải là không có cơ sở của người dân, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội cho biết, sản lượng điện tăng do từ tháng 5 đến đầu tháng 6, Hà Nội có những đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng
vọt.
Nhiều khu vực sản lượng điện sinh hoạt tiêu dùng của tháng 6/2014 tăng từ 40% đến trên 60% so với tháng 5/2014. Đơn vị này cũng khẳng định, sau khi có thông tin hóa đơn tiền điện của một số khách hàng tăng đột biến, đã rà soát lại và kiểm tra thấy công tơ hoạt động bình thường, có trường hợp sai số trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thấy thỏa mãn với cách giải thích như vậy. Một trong những vấn đề khiến người tiêu dùng băn khoăn là cách tính giá điện.
Đơn cử như gia đình anh Tô Bảo Thái ở quận Đống Đa, dùng hết 746 Kwh, trong hóa đơn thanh toán ghi tới 12 mức giá khác nhau, trong đó có 65 kwh đầu tiên được tính ở mức giá 1.418 đồng/kwh; còn lại được tính ở các mức 1.622 đồng/kwh, 2.044 đồng/kwh….
Trong khi đó, gia đình chị Hoàng Thu Nga, ở quận Thanh Xuân, dùng ít điện hơn, ở mức 548 kwh, cũng tính 12 mức giá khác nhau, nhưng chỉ được 35 kwh đầu tiên được tính với giá 1.418 đồng/kwh. Với cách tính như vậy, nhiều người lo ngại giá điện theo cách tính mới thực chất là tăng lên rất nhiều.
“Cách tính tiền điện bây giờ thay đổi, không như trước. Trước đây, 100 số đầu là 1.418 đồng/kwh, 50 số sau là 1.622 đồng/kwh… Bây giờ 35 số đầu là 1.418 đồng, rồi lại tính 18 số tiếp theo. Các mức sau nhỏ dần, làm tăng giá điện lên. Trong mùa hè các tháng thường chỉ chênh nhau khoảng 100 nghìn đồng. Bây giờ thu nhập thì thấp mà giá điện thì tăng cao. Tính giá điện như thế này thì ảnh hưởng đến chi tiêu.” - chị Hoàng Thu Nga nói.
Theo Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, trong quá trình vận hành cung cấp điện nếu có sự cố sai sót kỹ thuật, nghiệp vụ dẫn đến sai lệch về hoá đơn (sản lượng, tiền điện) khách hàng có thể tự kiểm tra và gửi đơn đề nghị kiểm tra chỉ số công tơ. Các công ty Điện lực sẽ tiến hành kiểm tra thực tế. Nếu có sai sót sẽ tiến hành lập lại hoá đơn đúng cho khách hàng, nếu sai do chất lượng công tơ thì sau khi kiểm định lại, đơn vị sẽ thực hiện truy thu hoặc thoái hoàn sản lượng, tiền điện cho khách hàng. Với giải thích này cũng không làm cho người tiêu dùng hài lòng.
Trước đó, Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải việc thay đổi cơ cấu biểu giá điện mới đã có tác động đến giá điện? Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng giải thích không mấy thuyết phục khi cho rằng, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chỉ gồm 6 bậc có mức giá tăng dần, thay vì 7 bậc như trước đây là nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Với những gì đang diễn ra thực tế, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, với cơ cấu biểu giá mới, người dân không còn cách nào khác là phải tiết kiện điện hơn nữa: “Thay đổi cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt thực ra bố trí lại một số bậc cao, chứ không thay đổi ở các bậc thấp, mục đích là sắp xếp lại để biểu giá điện hợp lý hơn. Biểu giá cũ nhiều lũy tiến, bậc nọ cách bậc kia, còn cách nhau chưa khoa học. Giờ sắp xếp lại chia ra giờ cao điểm và thấp điểm. Nếu sử dụng nhiều vào giờ cao điểm thì giá sẽ cao hơn giờ thấp điểm.”
Điện là một mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất. Trong bối cảnh cả nước còn thiếu điện và vẫn phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm là cần thiết. Song, người tiêu dùng mong muốn sự minh bạch trong cách tính giá điện, đồng thời cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng trục lợi, “móc túi” người tiêu dùng. Về lâu dài, ngành điện phải có giải pháp hữu hiệu để giảm tổn thất điện năng, cũng như có những phương án đầu tư nguồn điện để giảm dần nhập khẩu, hạ giá thành sản xuất để người tiêu dùng được hưởng giá điện hợp lý./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét