- Trong khi HN xin 15 tỷ đồng để xây 14 NVS dát vàng, thì Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN tại Thái Nguyên đã có khu NVS 9,4 tỷ đồng.
Theo phản ánh của người dân, dù Bảo tàng đã có nhiều NVSCC trong khuôn viên nhưng vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng một NVSCC trị giá cả chục tỷ đồng. Đáng nói, khu NVSCC này không được thường xuyên mở cửa để phục vụ du khách, người dân.
Đây là khu nhà vệ sinh được xây dựng nửa chìm nửa nổi, phần sử dụng được xây ngầm dưới đất. Phần công trình ngầm dưới đất 4m và trên mặt đất là 1,2m.
Được biết, công trình là một hạng mục thuộc dự án khu trưng bày ngoài trời và được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư 9,4 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích 500m2.
Giải thích trước sự việc này, bà Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Bảo tàng xác nhận giá trị đầu tư xây dựng công trình NVSCC là 9,4 tỷ đồng và cho rằng đó là “cái giá không đắt vì đầu tư để sử dụng trong 50 – 70 năm”.
Nhà vệ sinh công cộng được đầu tư gần chục tỷ đồng. (Ảnh Dân Việt)
|
Giải thích về việc nhà vệ sinh phải đóng cửa, bà Ngân cho biết: “Khu NVSCC có người trông coi, dọn dẹp. Buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 nhân viên nghỉ trưa nên tạm đóng cửa, không phục vụ khách chứ không có chuyện NVSCC đóng cửa
thường xuyên”.
Dù bảo tàng đã có NVSCC ngoài trời và các NVS trong tòa nhà trưng bày nhưng theo bà Ngân, việc xây dựng khu NVSCC hiện đại là cần thiết.
Vụ việc làm nhớ tới đề xuất xây 14 nhà vệ sinh tiền tỷ của Hà Nội. Cụ thể, dự án NVS dát vàng của HN được Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị HN đưa ra vào cuối tháng 10/2013. Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến khoảng 358 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, dự án đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều đại biểu Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ "đề án này là lãng phí vì nhiều nhà vệ sinh không sử dụng hết công suất, khóa cửa cả ngày; nhà vệ sinh có dát vàng cũng không đắt như vậy...". Nhiều ý kiến khác thì cho rằng nên để xã hội hóa và không thu phí.
Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành, quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả.
Ông Thảo cũng chỉ đạo việc xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Bởi vì, hiện tại 4 quận nội thành cũ của Hà Nội có 310 nhà vệ sinh công cộng do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội quản lý, riêng khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm (nơi tập trung đông khách du lịch) có 16 nhà vệ sinh đang hoạt động.
Vậy nhưng, sau khi dư luận đã bắt đầu yên lặng khi dự án này được dừng lại, bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Xây dựng lại tiếp tục đề xuất xây 14 nhà vệ sinh công cộng tiền tỉ.
Thái Thụy (Tổng hợp)
Theobaodatviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét