Sau khi thâu tóm siêu thị bán buôn Metro VN, tỷ phú Thái đầu tư 650 tỷ đồng phát triển hệ thống bán lẻ B' Mart đã mua lại đầu năm 2013.
Tham vọng thâu tóm
Tập đoàn của tỷ phú Chearavanont là Berli Jucker Plc (BJC) đã chi gần 900 triệu USD mua đứt Metro Việt vừa tuyên bố sẽ chi thêm khoảng 1 tỷ Bath (tương đương 650 tỷ đồng) từ nay đến năm 2018 nhằm mở rộng hơn 205 siêu thị bán lẻ của B’ Mart tại Việt Nam, báo Bangkok Post (Thái Lan) dẫn phát biểu của đại diện BJC cho biết.
Trước đó, hồi đầu năm 2013, hệ thống cửa hàng bán lẻ hợp tác giữa tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đối tác của Nhật là Family Mart đã bán đứt cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont.
Không lâu sau đó siêu thị lớn thứ 3 tại Nhật vốn ăn nên làm ra tại Trung Quốc và Việt Nam đã bị thay tên đổi họ thành B’s mart cho giống với chữ cái viết hoa đầu của Tập đoàn BJC.
Bên cạnh đó, B’ Mart cũng thay đổi cách thức cung ứng khi có đến 60% hàng hóa Thái đã có mặt tại các hệ thống của thay vì hàng Việt hoặc hàng Nhật như trước kia.
Trao đổi với báo giới TP HCM, phía B’ Mart cho rằng họ không có chủ ý đẩy hàng Việt khỏi siêu thị, việc thay đổi là nhắm đến thị hiếu người tiêu dùng bởi rất đông người dân TP HCM muốn mua hàng Thái Lan vì giá cả phải chăng và chất lượng tốt.
Sau khi thâu tóm siêu thị bán buôn Metro VN, tỷ phú Thái đầu tư 650 tỷ đồng phát triển hệ thống bán lẻ B' Mart đã mua lại đầu năm 2013 - Ảnh: Forbes |
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi - Chủ tịch Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd và nhiều công ty khác sinh năm 1944, là người gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Tỷ phú Chearavanont được biết đến nhiều sau thương vụ mua đứt hệ thống bán buôn lớn nhất của Đức – Metro tại Việt Nam.
Tờ Dân trí thông tin, vừa qua, ông Charoen Sirivadhanabhakdi cũng bị báo giới phương Tây tình nghi có sự hậu thuẫn của Chính Phủ và các tập đoàn tài chính Trung Quốc cho các khoản đầu tư tại Thái Lan, Trung Quốc.
Hiện, BJC của tỷ phú Thái đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế Việt Nam: bán lẻ, siêu thị bán buôn, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và khách sạn.
Không chỉ ở Việt Nam, năm 2012, BJC cũng đã rót 1 tỷ Bath (656 tỷ đồng) cùng với Tập đoàn Mongko mở siêu thị phân phối hàng Thái vào thị trường Lào, Campuchia.
Dấu chấm hết cho hàng Việt?
Thống kê cho thấy, hàng hóa của Metro hiện đa số có nguồn gốc từ Việt Nam và đầy đủ chủng loại. Tuy nhiên với thực tế đang diễn ra tại B'mart thông tin tỷ phú người Thái mua lại Metro đã khiến dư luận, các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam và giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc hàng hóa Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, đặt dấu chấm hết cho hàng hóa Việt.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, Thái Lan có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lâu và rất bài bản.
"Họ tổ chức hằng năm 4 hội chợ triển lãm quy mô, đến cách đưa hàng hóa vào du lịch, đến tổ chức các đại lý, cửa hàng khắp trong nam ngoài bắc. Người Thái đang chiếm lĩnh rất nhiều lĩnh vực khác như thức ăn chăn nuôi, nuôi tôm…
Chúng ta phải có chính sách phù hợp để cân bằng thị trường và tạo cơ hội cho hàng Việt cạnh tranh. Kiến nghị của chúng tôi là cần quy định các siêu thị, hãng phân phối bán lẻ phải bày bán theo tỷ lệ % sản phẩm cùng mặt hàng là giải pháp trước mắt”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Hàng Thái thống lĩnh thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam |
Giám đốc một công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh đang bán hàng cho Metro từng cho biết trên tờ TBKTSG rằng, ông đã được Metro thông báo về việc thay đổi nhà đầu tư. Vị giám đốc này cho biết không chỉ riêng ông mà không ít nhà cung cấp hàng hóa cho Metro cũng lo lắng trước việc hệ thống phân phối này đổi chủ.
Cùng lúc, hàng hóa Việt Nam vẫn đang bị đánh giá có chất lượng thấp và giá thành cao, chủng loại nghèo nàn ngay cả khi so sánh với hàng hóa giá rẻ được nhập từ Trung Quốc. Theo đó, đây cũng là nguyên nhân được dẫn ra để lý giải vì sao hàng Việt, doanh nghiệp Việt "thua đau" trên sân nhà.
Bằng chứng cho thấy, dù là nước xuất khẩu tre và các sản phẩm từ tre rất lớn, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng được sản xuất từ nguyên liệu này. Cùng với đó là một lượng lớn tăm, đũa từ Trung Quốc lên đến hàng nghìn tấn thẩm lậu vào nội địa mà không được kiểm soát.
Ngay như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho các chợ miền bắc và một số tỉnh miền trung có thời điểm hàng Trung Quốc chiếm tới 90%, tiểu thương tại chợ đã từng lên tiếng chê doanh nghiệp Việt Nam thua kém doanh nghiệp Trung Quốc khi không thể sản xuất cái kim, cuộn chỉ, sản xuất các sản phẩm hoa quả khô trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào... Đồng thời cũng không biết cách tiếp thị, phân phối, làm khó tiểu thương.
“Doanh nghiệp Trung Quốc có cách tiếp thị rất tốt, các vị nên học Trung Quốc vì họ tiếp thị từ giám đốc, cho đến lãnh đạo đến tận nơi, xem tận mắt, thuê hẳn chỗ kinh doanh tiếp thị hàng. Người mua chỉ cần mua 2- 3 đôi người ta cũng bán nhưng doanh nghiệp trong nước lại bắt chúng tôi nếu phải mua vài trăm đôi trong khi quầy hàng có hơn 2m2 nên chúng tôi không thể nhập hàng. Cái này là kém người ta”, bà Nguyễn Thị Dung- tổ trưởng tổ buôn bán giày dép tại chợ Đồng Xuân từng nói.
Thu Phương
Theo baodatviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét