Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Chồng giết vợ, bạn bè truy sát nhau: Ngày càng nhiều vụ án man rợ

Tháng 10 chỉ mới bắt đầu mà đã dồn dập các vụ án với những tình tiết man rợ.


Hiện trường nơi phát hiện xác người bị phân làm nhiều khúc trong bao nilon 
 Dư luận chưa kịp hết bàng hoàng vì vụ án Đặng Văn Tuấn (44 tuổi, ở quận 1, TP HCM) ra tay giết người tình rồi chia nhỏ xác để phi tang vì mâu thuẫn, thì ngày 5/10 cũng ở TP HCM, người dân lại tá hỏa khi phát hiện xác một người đàn ông khoảng 70 tuổi bị cắt làm 3 bỏ trong bao nilon vứt bên lề đường.
Cùng ngày, báo chí còn đưa tin phát hiện xác một cô gái đang phân hủy trong rừng Tà Cú tỉnh Bình Thuận và một học sinh lớp 9 nghi bị treo cổ chết trong rừng tràm ở Nghệ An. Tại Huế có vụ cãi lại chồng, vợ bị đánh gãy tứ chi phải nhập viện.
Trước đó, tại Cần Thơ thì có vụ dùng búa chém chết vợ sắp cưới vì cô này có ý định chia tay. Mới đây, công an TP HCM vừa tạm giữ hình sự nghi can Nguyễn Văn Anh (32 tuổi, quê Đồng Nai) vì hành vi Giết người. Theo điều tra, vì ghen tuông nghi vợ ngoại tình, Anh đã giết vợ, dìm đứa con 10 tháng tuổi vào chậu nước rồi tìm cách tự tử. Nhờ hàng xóm đưa đi cấp cứu kịp thời nên cháu bé may mắn qua khỏi.
Còn tại Kiên Giang thì xảy ra vụ án vợ chồng em đón đường đánh chết vợ chồng anh ruột vì tranh chấp đất đai của bố mẹ để lại 6 đứa con thơ của hai gia đình đang sống cùng nhau bỗng trở thành bơ vơ. Tại Hà Nội, nhóm bạn chơi với nhau vì nghi ngờ lấy tiền của nhau mà truy sát khiến một thanh niên chết đuối dưới hồ vào ngày 6/10.

Tháng 10 chỉ mới bắt đầu mà đã dồn dập vụ án với những tình tiết man rợ. Đáng chú ý là nếu như trước kia, các vụ án thường xảy ra khi các băng đảng, anh chị giang hồ thanh toán ân oán với nhau thì nay các vụ án có xu hướng diễn ra với những người dân thường có quan hệ tình cảm, quen biết và thậm chí là người trong gia đình.
Vì sao những người quen biết mà cứ mâu thuẫn là ra tay tàn độc với nhau dù biết rằng sẽ bị pháp luật trừng trị? Vì sao con người dễ dàng tự đẩy mình vào ngõ cụt với tâm lý liều mạng “chết là cùng” như thế? Có phải chúng ta đang thiếu đi kỹ năng tự giải quyết khủng hoảng cho chính mình và người thân? Hay là bởi giờ chúng ta sống ích kỷ, thiếu tình người, thiếu nhân văn? Đó là những câu hỏi cứ ám ảnh trong đầu tôi mỗi khi bắt gặp một tin giết người rùng rợn trên báo chí.
Tôi đã từng suy nghĩ đơn giản là tại báo mạng bùng nổ, người ta thích dùng thông tin về các vụ án rùng rợn để câu views nên độc giả trở nên quen với cái ác như món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, giả sử tất cả báo mạng từ nay bị cấm không đăng tải  thì án mạng kiểu này không vì thế mà biến mất. Bởi có lẽ cội nguồn sâu xa là từ việc giáo dục con người cũng như từ môi trường xã hội.
Tôi còn nhớ câu nói của GS.TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhân dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa 8 – một nghị quyết tầm cỡ về văn hóa nhưng một trong những nội dung quan trọng là xây dựng con người thì lại không đạt được: “Chúng ta đã không chú ý đến giáo dục nhân cách, giáo dục tâm hồn, giáo dục con người. Vì thế đây là một điều chệch hướng của giáo dục vì tách nó ra khỏi văn hóa thì chỉ còn là việc dạy chữ, dạy nghề, dạy chuyên môn”.
Khi giáo dục Việt Nam vẫn chưa rõ ràng cho mình một “triết lý giáo dục”, Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay làm sao hợp thức những con số tiền tỷ “trên trời” để đổi mới sách giáo khoa, các trường học thì vẫn tìm đủ mọi lý do để thu thêm tiền của phụ huynh thì đến bao giờ việc giáo dục nhân cách, giáo dục tâm hồn, giáo dục con người mới được xác định là trọng tâm? Cũng không thể đổ hết cho ngành giáo dục vì nó cũng chỉ là mắt xích của một xã hội nơi mà con người đang đứng trước những biến động về các giá trị.
Trong tôi cứ ám ảnh mãi cảnh 6 đứa trẻ nhỏ - con của những người trong cuộc bỗng trở nên bơ vơ trong vụ án vợ chồng người em đón đường đâm chết vợ chồng anh ruột vì mâu thuẫn đất đai, và cả đứa bé 10 tháng may mắn được hàng xóm cứu sống khỏi người cha dã man. Chúng sẽ lớn lên như thế nào?./.
Bi kịch khiến 6 đứa trẻ bơ vơ trong ngôi nhà nghèo khó. (ảnh: VNE)
Theo Trà Xanh/VOV.VN

Không có nhận xét nào: