Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Sáng chế không tin nổi của những “nông dân chân đất“



Ông Tuấn bên sáng chế bể nước nóng của mình.

Không chỉ giới khoa học trong nước mà nhiều nhà sáng chế ngoài nước cũng phải thán phục những người như ông Trần Quốc Hải (Tây Ninh) chế tạo xe bọc thép, ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) chế tạo tàu ngầm hay anh Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) chế tạo trực thăng… Và còn nhiều những sáng chế "không thể tin nổi" khác mà bạn đọc chưa biết.

    Từ thực tiễn, những người nông dân mộc mạc, chất phác này đã có những phát minh đem lại lợi ích thiết thực trong lao động, sản xuất và cuộc sống hàng ngày… Họ xứng đáng được là những nhà sáng chế chân đất.

    Kỳ 1: Lão nông Bắc Giang và những chiếc bể nước nóng “vặt lông gà”

    Ông Ngô Quốc Tuấn (60 tuổi, trú tại thôn Tân Thành, phường Đa Mai, TP.Bắc Giang). Vào mùa hè, bể nước nóng có nhiệt độ lên đến gần 1000C của ông có thể dùng để vặt lông gà. Còn vào mùa đông, kể cả trong tiết trời âm u, gia đình vẫn có đủ nước nóng để dùng mà không tốn một xu tiền điện.

    Sáng kiến độc đáo

    Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tuấn, ngôi nhà nằm ngay mặt đường Hoàng Hoa Thám, thôn Tân Thành, phường Đa Mai, khi ông đang bận rộn với công việc buổi sáng. Với đức tính chịu khó, ham học hỏi và mày mò trong công việc, ông đã gắn cuộc đời mình với nghề sửa chữa đồ điện. Nhiều năm nay, những người hàng xóm xung quanh thường đến nhờ ông sửa chữa đồ điện, từ máy bơm nước, quạt máy, nồi cơm điện… đến cả đồ điện tử hiện đại, ông đều có thể sửa được. Ông Tuấn tâm sự: “Ra quân, trở về quê, tôi mở tiệm sửa chữa đồ điện từ niềm đam mê và tự mày mò, học tập. Công việc cũng đem lại thu nhập ổn định cuộc sống cho gia đình và nuôi dạy 2 con khôn lớn trưởng thành”.
    Biết ý định của chúng tôi đến để tìm hiểu về sáng chế bể nước nóng, ông vui vẻ cho biết: “Đến nay đã là 20 năm tôi sử dụng bể nước nóng này rồi. Tính ra, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm cả triệu tiền điện, nhất là vào mùa đông khi nhu cầu sử dụng nước nóng rất cao”. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi đi thăm quan bể nước nóng do chính tay ông sáng chế.
    Theo quan sát của chúng tôi, trên nóc nhà tắm, ông Tuấn xây một bể vuông giống như một bể nuôi cá cảnh bằng những tấm kính đơn giản và những miếng xốp dễ tìm. Dưới đáy và 4 xung quanh đều là lớp kính đen dày 1cm để hấp thụ nhiệt. Phía trên bể nước là 2 lớp kính trắng 5 ly, đặt cách nhau 4-5cm để tạo thành lớp đệm không khí giữ nhiệt giống như ruột phích. Chiếc bể được thiết kế theo nguyên tắc, diện tích tấm kính trên bề mặt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng lớn thì nhiệt lượng thu được càng nhiều, do vậy diện tích bể gần 2m2 nhưng thành bể chỉ cao 20cm. Tuy kết cấu đơn giản nhưng chiếc bể rất hiệu quả trong việc hấp thụ và giữ nhiệt.
    Thời gian mùa đông, nhiệt độ ngoài trời có lúc chỉ trên dưới 100C, thời tiết âm u không có nắng, nhưng đến trưa nhiệt độ của nước trong bể đo được khoảng 300C, đến chiều tối nhiệt độ có thể đã ở mức 35-400C, mọi người trong gia đình tắm rửa thoải mái mà không lo bị lạnh. Ông Tuấn cho biết: “Trên thực tế, nhiều gia đình thường sử dụng bồn inox để giữ nước và dẫn vào hệ thống trong nhà chi phí lên tới cả chục triệu đồng. Nhưng khi sử dụng 10 lít nước thì hệ thống lại bơm vào 10 lít nước nên nhiệt độ không đảm bảo, trong khi đó, chiếc bể này chỉ tiêu tốn vài trăm nghìn đồng và cũng không mất nhiều diện tích lắp đặt nhưng nước thì lúc nào cũng nóng. Với dung tích của bể là hơn 300 lít, cả gia đình chúng tôi 4 người không bao giờ phải dùng đến bình nóng lạnh”.

    Không tốn một xu tiền điện
    Tính ưu việt từ bể nước nóng do ông Tuấn sáng chế xuất phát từ sự đơn giản, hiệu quả, tận dụng nguồn năng lượng mặt trời để có được nguồn nước nóng thông qua một bể nước tự chế, thuận tiện, không tốn điện năng, giá thành rẻ, an toàn, có thể lắp đặt ở bất cứ đâu. Để minh chứng cho hiệu quả của công trình, ông Tuấn bảo chúng tôi rửa tay bằng vòi nước dẫn từ bể xuống, dòng nước ấm khiến chúng tôi ngỡ đây là nước bình nóng lạnh chạy bằng điện trong khi ở ngoài trời đang lạnh, mưa lất phất, nhiệt độ chỉ trên dưới 100C.
    Ông Tuấn kể lại, không ít lần, ông đi đường gặp trời mưa, khi về đến nhà thì người ướt sũng, trời lạnh mà nước nóng trong phích hết cả. Muốn có nước ấm sử dụng phải nhóm bếp, đun nước mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng nước nóng trong mùa đông của cả gia đình ông cũng rất lớn. Vốn là người sửa chữa thiết bị điện, hằng ngày tiếp xúc với tụ điện, thấu kính..., ông hiểu được nguyên lý tạo ra từ trường, điện trường và nhiệt. Đặc biệt, ông nhận thấy, kính có thể hấp thụ và giữ nhiệt nếu biết lắp đặt đúng cách. Xuất phát từ ý tưởng đó, ông đến cửa hàng kính và mua một số tấm về lắp đặt thành một chiếc bể và sử dụng năng lượng mặt trời làm nóng nước.
    Chính từ nhu cầu thực tiễn, ông Tuấn đã sáng chế ra bể nước dùng năng lượng mặt trời. Dù ban đầu cũng không được như mong muốn, nhưng qua mỗi lần cải tiến, đến nay bể nước của ông đã gần đạt đến độ hoàn hảo. Chiếc bể có diện tích gần 2m2, cao 20cm, dung tích khoảng 300 lít.
    “Quan trọng nhất là bể có thể tiếp xúc với ánh sáng nhiều nhất, dung tích khoảng 200 lít là phù hợp. Có thể điều chỉnh lượng nước cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình, nước càng ít thì càng nhanh nóng. Ưu điểm của bể nước này là không tốn điện, chỉ cần trời quang mây, hửng nắng trong thời gian ngắn là nước đã nóng và nhất là khả năng giữ nhiệt của bể khá lâu (từ 2 - 3 ngày). Vào mùa hè, nước trong bể có thể lên đến gần 1000C. Nhiều khi tôi phải che bớt lại, sợ các tấm kính không chịu được nhiệt độ cao sẽ vỡ”, ông Tuấn khẳng định.
    Từ việc ứng dụng hiệu quả tại gia đình, ông Tuấn đã giúp nhiều gia đình trong thôn xây dựng bể nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Bà Trần Thị Hằng - một người hàng xóm của ông Tuấn - chia sẻ: “Được ông Tuấn hướng dẫn cách làm bể nước nóng, tôi thấy rất hiệu quả. Có nước nóng dùng thường xuyên mà không tốn một xu tiền điện”.
    Ông Tuấn cho biết, sẵn sàng chia sẻ sáng chế của mình cho mọi người mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nếu như các nhà hàng, khách sạn và cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm ứng dụng bể nước nóng của ông thì số tiền tiết kiệm từ việc sử dụng điện là không hề nhỏ.
    Trả lời báo chí, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Nhà nước luôn đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo, sáng chế của người dân. Tuy nhiên, để sản phẩm công nghệ đi vào thực tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố thị trường. Hiện tại, đã có nhiều sáng kiến của người dân, nâng lên thành sáng chế, được nhà nước hỗ trợ. Nhiều người đã trở thành triệu phú. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì sản phẩm sáng tạo KHCN của họ khó có mặt trên thị trường. Mặt khác, tại một số các chương trình về KHCN như chợ công nghệ và thiết bị, do Bộ KH&CN tổ chức, chúng tôi đều mời các nông dân có sáng kiến đem sản phẩm của họ đến giới thiệu. Điều này sẽ giúp người dân có điều kiện trao đổi, học hỏi, tiếp cận các sản phẩm KHCN, với thị trường… Thực tế, việc sáng tạo trong lĩnh vực khoa học của người dân còn mang tính nhỏ lẻ. Các sáng chế của người dân được báo chí thông tin chủ yếu là tự mày mò học hỏi, tìm kiếm. Nếu các sáng chế ấy được kết hợp chặt chẽ với cơ quan nghiên cứu khoa học thì sẽ phát huy tác dụng hơn nhiều.

    Theo laodong.com.vn

    Không có nhận xét nào: