Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Kinh doanh khách sạn kiểu ông Thản

Phía trước một khách sạn trong hệ thống Mường Thanh. Khách sạn đầu tiên trong chuỗi này chính thức xuất hiện vào năm 1997. Từ đó đến nay, Mường Thanh đã lặng lẽ triển khai đầu tư, đưa tới con số 39 khách sạn bây giờ.

Khi tập đoàn Mường Thanh khởi công dự án khách sạn 4 sao mang tên Mường Thanh Hà Tĩnh hồi đầu năm 2014, dự án này nhận được không ít cái nhìn hoài nghi. Cho dù tọa lạc ngay ngã tư cảng Vũng Áng, cạnh đại công trường Formosa, một khách sạn với 198 phòng nghỉ hạng 4 sao có phải là một lựa chọn phù hợp?


Câu hỏi đó sớm nhận được câu trả lời từ thực tế, chỉ sau gần 4 tháng khai trương. Ở thời điểm giữa tháng 3/2015, số liệu kinh doanh tại Mường Thanh Hà Tĩnh khiến nhiều người ngạc nhiên.

Theo ông Trần Nguyên Chương, Tổng giám đốc Mường Thanh Hà Tĩnh, trong số 198 phòng khách sạn, đã có tới gần 150 phòng được thuê dài hạn bởi các nhà thầu quốc tế đang tham gia dự án tổ hợp gang thép Formosa. 

Số còn lại dành để phục vụ khách vãng lai, và vì Vũng Áng đang là một điểm nóng đầu tư, có nhiều ngày khách sạn này kín phòng.

Mường Thanh Hà Tĩnh khai trương ngày 21/11/2014, thì đến 5/12/2015, Mường Thanh khai trương tiếp khách sạn Mường Thanh Quảng Trị, nâng tổng số khách sạn trong hệ thống này lên con số 39. Nhưng khi trao đổi với VnEconomy, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Mường Thanh nói ông chưa hề có ý định dừng lại.

Cho dù sớm sở hữu khách sạn riêng ở Điện Biên từ hai mươi năm trước, ý tưởng đầu tư chuỗi khách sạn trên toàn quốc đến với ông Thản khá muộn.

Đầu năm 2013, một nhà đầu tư Nhật Bản là tập đoàn Toyoko Inn đã công bố kế hoạch đầu tư xây dựng 100 khách sạn 3-5 sao tại Việt Nam, bao gồm cả thuê lại và xây mới. Tuyên bố là vậy nhưng rồi nhà đầu tư này sớm bỏ đi, để kế hoạch này lại trên giấy.

Khi mọi người dường như đã quên cái tên Toyoko Inn, ông Lê Thanh Thản lại ghi nhớ câu chuyện này và tự nhủ, nếu một công ty nước ngoài có thể thực hiện tham vọng ấy, thì tại sao một công ty trong nước có tiềm lực tài chính lại không thể làm?

Nhà đầu tư có biệt danh “đại gia điếu cày” này từng có trải nghiệm về kinh doanh khách sạn: năm 1993, khi mà “cả Điện Biên chưa có cái khách sạn nào”, ông đã quyết định xây khách sạn tư nhân đầu tiên.

Với “thắng lợi” đầu tiên đến vào năm 1994, khi Điện Biên tiến hành lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên và dòng người đổ về phải giành nhau để đặt phòng, ông Thản nhận thấy kinh doanh khách sạn là một hướng đi giàu triển vọng trong tương lai, nếu như biết đón đầu cơ hội.

Khách sạn đầu tiên trong chuỗi khách sạn Mường Thanh ngày nay chính thức xuất hiện vào năm 1997. Từ đó đến nay, Mường Thanh đã lặng lẽ triển khai đầu tư, đưa tới con số 39 khách sạn bây giờ. Trên bước đường này, bước ngoặt đáng kể nhất chính là việc đầu tư khách sạn Mường Thanh Hà Nội, được khai trương vào tháng 9/2009.

Đây là khách sạn đầu tiên đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế trong chuỗi khách sạn Mường Thanh, đánh dấu sự chuyển hướng đầu tư chiến lược vào việc xây dựng và kinh doanh các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế 4-5 sao.

Năm 2011, Mường Thanh Hà Nội là một trong những khách sạn được đón tiếp các đoàn đại biểu tham dự Đại hội Đảng lần thứ 11 và nhận được bằng khen là khách sạn phục vụ xuất sắc nhất trong số các khách sạn 4-5 sao phục vụ Đại hội.

Cũng từ đây, Mường Thanh lần lượt ghi tên mình lên bản đồ công nghiệp du lịch toàn quốc. Những địa phương như Nghệ An hay Quảng Ninh giờ đây đã có tới 3 khách sạn mang tên Mường Thanh.

“Phủ sóng” bằng giá


Chiến lược “phủ sóng” được ông Thản và các đồng sự lặng lẽ thực hiện trong nhiều năm qua, đặc biệt trong hai năm gần đây.

Thành công trong việc tung ra thị trường hàng ngàn căn hộ giá rẻ, song nhà đầu tư giàu kinh nghiệm này nhận thấy, mảng nhà ở thương mại sẽ không bền vững. Trong khi đó, hệ thống khách sạn có thể đưa lại lợi nhuận dài hạn.

Với 39 khách sạn, Mường Thanh hiện có 3.000 nhân viên và tổng cộng hơn 5.000 phòng, một kỷ lục của ngành du lịch Việt Nam.

Nhưng tập đoàn này xác định, trong chiến lược phát triển được công bố chính thức, Mường Thanh xác định trong thời gian tới, sẽ “tiếp tục xây dựng và mở rộng thị trường, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn tiến từng bước vững chắc ra thị trường các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu trở thành hệ thống khách sạn thuần Việt cao cấp hàng đầu Việt Nam”.

Kế hoạch “xuất ngoại” cũng đã được khởi động với kế hoạch đầu tư khách sạn Mường Thanh tại Lào, sau khi đã mua lại một lô đất vàng tại Vientiane.

Với quy mô 35 tầng, Mường Thanh Vientiane sẽ là điểm nhấn đầu tư ra nước ngoài của Mường Thanh. Trong khi đó, sau khi khai trương tới 6 khách sạn trong năm 2014, tập đoàn này dự kiến sẽ khai trương thêm 10 khách sạn khác trong năm 2015.

Đáng chú ý là, với tiềm lực và kế hoạch đầu tư khá bài bản, ông Thản nhận được sự ủng hộ hết mình của các địa phương nơi ông có kế hoạch đầu tư.

Mường Thanh Hà Tĩnh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng giao đất sau khi thu hồi từ một nhà đầu tư khác đã được cấp đất trước đó nhưng không triển khai dự án theo đúng kế hoạch.

Trong khi đó, Mường Thanh Bắc Giang cũng đã được triển khai xây dựng trong sự ủng hộ hết mình của tỉnh này. Bắc Giang đã chấp thuận cho Mường Thanh đầu tư khách sạn tại khu quảng trường 3/2, là khu đất vàng của thành phố Bắc Giang, gắn kết với trung tâm hội nghị, trung tâm thể thao và trung tâm dịch vụ của tỉnh.

Trong khi phần lớn khách hàng có nhận xét rằng trang thiết bị nội thất tại các khách sạn Mường Thanh chưa thực sự tốt và chiếc áo “4 sao, 5 sao” dường như là quá rộng, một thực tế khác là các khách sạn này lại rất hút khách, mà theo ông Thản, do khác biệt chính là giá thuê.

Cùng một mức “sao”, cùng một địa bàn, giá của Mường Thanh chỉ bằng 50-60% của các khách sạn khác.

Một phòng tiêu chuẩn 4 sao ở Mường Thanh chỉ có giá trên dưới 1 triệu đồng/ngày đêm, trong khi ở các khách sạn khác cao gấp đôi.

Bài toán “giá thấp” đã được ông Thản áp dụng thành công trong chiến lược bán các căn hộ, giờ đây một lần nữa được áp dụng trong việc “bán” các phòng nghỉ.

Ông Thản có ba người con, trong đó người con gái lớn Lê Thị Hoàng Yến đã được ông gửi ra nước ngoài tu nghiệp 7 năm. Ngày trở về, Lê Thị Hoàng Yến được giao trọng trách điều hành hệ thống khách sạn. Chiến lược phát triển mà bà Yến và các đồng sự đang tiến hành là “quốc tế hóa” đội ngũ, nhằm đáp ứng các yêu cầu cao nhất của ngành công nghiệp khách sạn.

Trong những sự kiện khai trương khách sạn gần đây, bà Yến xuất hiện khá đĩnh đạc trong vai trò Tổng giám đốc, ghi dấu ấn với hình ảnh một CEO trẻ trung và hiện đại, trong khi ông Thản vẫn giữ vai trò Chủ tịch, tiếp tục là điểm tựa cho cô con gái, bằng trải nghiệm mấy chục năm lăn lộn thương trường của mình.
Theo Hoàng Minh Anh (Vneconomy)


Tin mới đăng:

Không có nhận xét nào: