Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Kỳ 1: Những bí ẩn chưa từng biết tới trong núi rừng Yên Thế


 Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã diễn ra hơn một thế kỷ, người anh hùng Yên Thế đã anh dũng hy sinh. Thế nhưng, phần mộ của người anh hùng này thực sự ở nơi nào? Liệu có phải đã bị thực dân Pháp phanh thây như các tài liệu để lại từng ghi chép?
Mộ phần của ông hiện nằm ở đâu tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang); Hố Lẩy (Tân Hiệp, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) hay huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn)... bí ẩn này vẫn chưa thể giải đáp. Phải chăng, lời sấm truyền của vị tướng quân này về cái chết của ông thành hiện thực hay đó là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tri ân với một tiền thân của dân tộc.
Ngay từ khi thực dân Pháp giày xéo lên đất Việt, sự hèn nhát của triều đình nhà Nguyễn đã không thể làm nhụt chí dân tộc chống lại ngoại bang xâm lăng. Rất nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra dưới ngọn cờ của những người nông dân áo vải. trong số những cuộc khởi nghĩa đó, khởi nghĩa Yên Thế đến nay vẫn còn lại những bí ẩn chưa có lời giải, nhất là cái chết của người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa - Hùm thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám.

Kỳ 1:  Những bí ẩn chưa từng biết tới  trong núi rừng Yên Thế - Ảnh 1

Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.

Cuộc chiến làm bạt vía quân Pháp
Theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau ghi chép, Hoàng Hoa Thám lúc nhỏ có tên Trương Văn Nghĩa, quê gốc làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh khoảng cuối năm 1858. Cha là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Minh. Sinh thời, bố mẹ Hoàng Hoa Thám đều là những người rất trọng nghĩa khí, cả hai ông bà đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn chống triều đình. Cuộc khởi nghĩa thất bại, vợ chồng ông Thận cùng em trai trốn thoát, đổi sang họ Đoàn để tránh bị truy lùng. Nhưng sau đó, hào lý địa phương tố giác, ông Thận bị bắt giải về kinh, bà Minh bị giết, người em trai lúc ấy đang bế cháu là Đề Thám đi chơi nên chạy thoát sang Yên Thế, đổi tên mình là Quát, tên cháu là Thiêm và ngụ ở làng Trũng.

Kỳ 1:  Những bí ẩn chưa từng biết tới  trong núi rừng Yên Thế - Ảnh 2

Chân dung tướng quân Hoàng Hoa Thám (Ảnh tư liệu).


Khi người chú mất, Thiêm phải đi chăn trâu cho nhiều gia đình như Khán Tích, Cai Nghi. Theo Alfred Bouchet (một người lính đóng ở Nhã Nam, Bắc Giang trong suốt bốn năm, có chụp ảnh chung với Đề Thám), Thiêm, chăn trâu và làm công cho trưởng làng tên là Bá Phức (Thân Văn Phức), sức khỏe của Thiêm như sức của bốn người, ba trâu cộng lại.
Năm 1873, khi Thiêm 15 tuổi, người Pháp gây biến ở Bắc Kỳ lần thứ nhất, chàng trai có mặt trong cuộc khởi nghĩa Đại Trận. Rèn luyện trong hàng ngũ Đại Trận, tiếp đó là trong hàng ngũ những người dân địa phương rào làng, lập lũy chống lại những toán thổ phỉ triều Mãn Thanh từ Trung Hoa sang cướp phá, Thiêm trở thành một chiến binh, một thủ lĩnh quân sự thực thụ. Vào quãng năm 1876, khi 18 tuổi, Thiêm cưới bà Thị Tảo và sinh một con trai, tên là Cả Trọng (Hoàng Đức Trọng).
Trong gần 30 năm lãnh đạo, cụ Đề đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là các trận ở thung lũng Hố Chuối (tháng 12 năm 1890) và Đồng Hom (tháng 2 năm 1892). Phong trào nông dân Yên Thế gây ra những tổn thất nặng nề cho quân Pháp, khiến quân đội Pháp phải dồn hết lực tấn công để triệt phá. Trong ba năm (1893- 1895), quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Đồn Hố Chuối thực sự trở thành nơi chết chóc đối với quân Pháp. Minh chứng rõ nét nhất là sau 4 lần hành quân của các tướng Gô-đanh, Tan-nơ, May-ơ, Phơ-rây cùng trên 2.000 lính trang bị hiện đại đã tấn công đồn Hố Chuối, Hoàng Hoa Thám với lực lượng mỏng chỉ 150 người đã chống chọi quyết liệt, chôn thây hàng nghìn lính Pháp tại trận địa này. Hoàng Hoa Thám trở thành "một kẻ thù cứng cựa nhất kể từ khi chúng ta chiếm đóng" - báo cáo ngày 27/04/1909 của tướng Geil lên Bộ Chiến Tranh và Thuộc Địa, Pháp.
Các cuộc chiến đấu đã khiến quân Pháp buộc phải đưa ra hiệp ước hòa hoãn năm 1894, Pháp đã yêu cầu giảng hòa, cắt nhượng cho nghĩa quân bốn tổng thuộc Yên Thế. Hoàng Hoa Thám cũng muốn tranh thủ thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng, ông đồng ý hòa hoãn.
Thủ lĩnh Việt đầu tiên giao thiệp bằng card visit
Tuy nhiên, sau vài tháng - tháng 10/1885, Pháp đã bội ước, huy động lực lượng mở rộng các cuộc tấn công trên quy mô rộng và quyết liệt vào Yên Thế, đồng thời treo thưởng 30.000 franc (tiền của Pháp) cho kẻ nào bắt được Hoàng Hoa Thám. Thế nhưng, những cuộc tấn công mang tính quy mô lớn của thực dân Pháp đã không thắng nổi chiến thuật du kích tài tình dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám nên Pháp đã đề nghị hòa hoãn lần thứ hai vào năm 1897. Lần hòa hoãn này đã kéo dài hơn 10 năm (từ tháng 12 năm 1897 đến ngày 29 tháng 1 năm 1909), nghĩa quân Yên Thế đã có những bước phát triển mới: Địa bàn hoạt động được mở rộng từ trung du đến đồng bằng, kể cả vùng Hà Nội.
Tổ chức của nghĩa quân ngày được củng cố vững chắc hơn. Hoàng Hoa Thám tổ chức ra "đảng Nghĩa Hưng" và "Trung Chân ứng nghĩa đạo" làm nòng cốt. Mọi giao dịch của Hoàng Hoa Thám với Pháp đều được đối xử ngang bằng theo cấp cao nhất của Pháp tại Đông Dương. Một chi tiết khá thú vị rằng, Hoàng Hoa Thám có “card visit” riêng khi giao dịch với Pháp. Tướng quân Hoàng Hoa Thám có lẽ là người đầu tiên có “card visit” khi giao dịch với người Pháp. Hiện các bản “card visit” này vẫn được lưu giữ đặc biệt tại bảo tàng quân sự của nước Pháp.
Khi nghĩa quân đã được củng cố và các hoạt động của cuộc khởi nghĩa ngày càng mở rộng như cuộc khởi nghĩa ngày 27 tháng 6 năm 1908 của nhóm lính tập ở Hà Nội trong vụ Hà thành đầu độc làm chấn động khắp cả nước. Ngoài ra, Hoàng Hoa Thám xúc tiến việc xây dựng đồn Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến, đồng thời bí mật liên lạc với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sỹ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên... đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng.
Lực lượng suy yếu, ngày 29 tháng 1 năm 1909, Thống sứ Bắc Kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và lính khố xanh, 400 lính dõng là một lực lượng lớn nhất từ trước tới lúc đó do đại tá Batay và đại thần Lê Hoan chỉ huy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo, nhưng con ông là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Hoàng Thị Thế bị bắt. Lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối năm 1909 bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913, có những giả thiết khác nhau về cái chết của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám.
Liệu sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế tan rã vào cuối năm 1909, người anh hùng Đề Thám – hùm thiêng Yên Thế thoát khỏi sự truy bức của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, với giải thưởng treo đầu ông cực lớn có chịu chết một cách dễ dàng như vậy không? Đó vẫn là một nghi vấn. Bởi toàn gia của ông bị bắt và giết hại, chỉ sót lại mỗi một người con gái út. Nhưng tại sao trong tất cả những tư liệu đã được công khai hiện nay không có bất cứ một bức ảnh nào về cái chết của ông?
Hoàng Hoa Thám có phải bị sát hại?
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì cái chết của người anh hùng đứng đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế được ghi lại như sau: “Cuối tháng 12/1912, Lương Tam Kỳ, một tên trùm thổ phỉ đã đầu hàng Pháp, cùng bọn chỉ điểm người Hoa đến trá hàng Đề Thám. Chúng hứa với Đề Thám sẽ bày cho nghĩa quân cách chế tạo... bom tấn. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Lẩy, họ chuốc rượu say rồi giết Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của cụ. Đó là ngày 10 tháng 2 năm 1913. Năm đó, Đề Thám 55 tuổi. Cả gia đình cụ Đề Thám bị giặc Pháp bắt và giết. Người con cuối cùng của cụ là bà Hoàng Thị Thế, bị bắt về Pháp từ khi mới 6 - 7 tuổi, cuối đời bà về nước và đã qua đời".
Kỳ tới: Lời sấm truyền và cái chết chưa lý giải của Hoàng Hoa Thám
TRẦN PHƯƠNG – ĐỖ HUỆ




Nguồn doisongphapluat.com



Không có nhận xét nào: