Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Giấc mơ lạ - chuyện áp vong hé lộ phần mộ “Hùm thiêng Yên Thế”?!

Nơi an nghỉ của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám đến nay vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải.


Những giả thuyết, dấu tích của những vùng đất cụ Đề Thám từng đặt chân đến đều được con cháu cụ cùng các nhà ngoại cảm khai quật và tìm kiếm cả tháng trời nhưng đều trở nên vô vọng. Mới đây, PV báo nhận được thông tin từ ông Nguyễn Văn Tiếp (55 tuổi), người nhiều năm trông đền thờ cụ Đề Thám kể về giấc mơ lạ và màn áp vong báo ngôi mộ vô chủ gần đền thờ chính là nơi chôn cất người anh hùng áo vải khởi nghĩa năm xưa? PV đã mục sở thị địa danh trên để tìm hiểu thực hư câu chuyện.
Bí ẩn nằm dưới ngôi mộ người ăn mày?
Một ngày cuối tháng Năm, nhóm PV tìm về ngôi đền thờ cụ Đề Thám tại xóm Tân Lập (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Thay đổi đầu tiên chúng tôi dễ nhận thấy, phía trước ngôi đền không còn những mái nhà san sát, thay vào đó là một khoảng sân rộng và thoáng đãng. Tiếp chúng tôi tại đền thờHoàng Hoa Thám, ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết, một gia đình đã chuyển sang mảnh đất khác sinh sống, một gia đình khác đã đập bức tường cũ và xây một bức tường mới thụt vào, trả lại sự khang trang cho đền thờ cụ Hoàng.
   Giấc mơ lạ - chuyện áp vong hé lộ phần mộ “Hùm thiêng Yên Thế”?! - Ảnh 1

Ngôi mộ người ăn mày nghi là mộ cụ Đề Thám?

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã qua hơn một thế kỷ, nhưng phần mộ của cụ Đề Thám cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Lời sấm truyền “Ta chết chỉ có trời biết, đất biết và quạ biết” càng khiến người ta tin rằng ngôi mộ thực sự có hài cốt của cụ Hoàng không thể tìm ra. Nhưng mới đây tại xóm Tân Lập, xã Mai Trung, người dân phát hiện có nhiều chứng cứ trùng hợp, có cơ sở rằng ngôi mộ người ăn mày có thể là nơi an nghỉ của cụ Hoàng Hoa Thám nên họ mới lập đền thờ.

Ông Nguyễn Văn Tiếp cho biết: “Ngôi mộ được phát hiện từ năm 1991. Mộ nằm trên phần đất nhà ông Đường. Thực tế, trước đây ngôi mộ này được người dân trong vùng biết đến là ngôi mộ của một người ăn mày. Ngôi mộ đã tồn tại nhiều năm mà không một ai trong làng biết có từ bao giờ, ngay cả các cụ thượng thọ trong làng cũng lắc đầu. Ngôi mộ thực sự khiến người dân đặc biệt quan tâm khi một người con ông Đường xới đất trồng cây đã phát hiện thấy những di vật như tiền cổ, quần áo và một cái liễn. Trong đó có một bài thơ viết trên giấy cổ được đựng trong một chiếc liễn sành úp ngược xuống đất, miệng liễn được ốp bằng một chiếc đĩa, bên trong có hai tờ giấy, một tờ có một bài thơ ký tên Loan. Xung quanh liễn được ốp bằng lá trầu khô, một lớp vôi và cát. Nội dung bài thơ đó viết bằng chữ Hán, tạm dịch là: Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/ Hậu thế nghìn năm ai biết không?/ Yên Ngựa nghỉ vào đây lòng đất/ Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng? Ngày tháng và tên tác giả bài thơ đó được dịch là: Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/Loan.
Ông Ngô Văn Tiền (54 tuổi) cho biết, người ký tên Loan dưới bài thơ đó chính là cụ Lý Loan tức Lý trưởng, là người ủng hộ cụ Hoàng Hoa Thám trong cuộc khởi nghĩa chống quân Pháp đã viết lên bài thơ này. Theo các cụ ngày trước kể lại, khu vực này nguyên là một cánh rừng thông già, trong đó có một cây thông nghiêng như chiếc ghế ngồi. Ở cạnh cây thông nghiêng đó có một ngôi mộ không cao lắm, chỉ là một mô đất nhỏ. Các cụ nói rằng đó là mộ của người ăn mày, cũng chẳng ai quan tâm gì nên ngôi mộ tồn tại từ đó đến nay. Người ăn mày này cũng không phải người thường, đó là một người ăn mày cao lớn, râu dài. Ông không đi ăn xin mà chỉ mặc quần áo rách rưới, vá chằng vá đụp, thoắt ẩn thoắt hiện về cây thông nghiêng đó nghỉ ngơi. Sau này người ta phát hiện ông chết ở đó và được cụ Lý Loan chôn cất.
Hay chỉ là câu chuyện liêu trai
Cũng theo ông Ngô Văn Tiền, khi phát hiện ngôi mộ có bài thơ của cụ Lý Loan, người cháu bốn đời của cụ Lý Loan là Nguyễn Văn Sử (SN 1950) đã khẳng định bài thơ trong ngôi mộ người ăn mày trên chính là bút tích của cụ Lý Loan. Từ những chứng cứ đó dân làng tin rằng ngôi mộ chính là mộ cụ Hoàng Hoa Thám. Rất có thể khi cụ Đề Thám thất trận đã chạy về rừng thông này? Và để tránh sự truy lùng của quân Pháp, cụ Đề Thám đã đóng giả là người ăn mày để ẩn náu trong nhà cụ Lý Loan. Khi người ăn mày mất, mộ chôn cũng như những người bình thường khác để tránh việc giặc Pháp biết sẽ đào mộ. Để tỏ lòng tiếc thương và kính trọng người quá cố, khi chôn cất, cụ Lý Loan đã làm bài thơ trên và đặt vào mộ phần cụ Đề Thám!?
Mới đây, những người xóm Tân Lập và con cháu cụ Đề Thám tin rằng ngôi mộ cụ Hoàng bí ẩn hàng thế kỷ nay có thể sáng tỏ khi những giấc mơ lạ, chuyện nghĩa quân của cụ áp vong hiện về. Câu chuyện gần đây chúng tôi được bà Ngô Thị Thúy (54 tuổi), cán bộ thôn, cũng là người trông nom ngôi đền Hoàng Hoa Thám kể về một hiện tượng hi hữu xảy ra vào đầu năm nay. Ngày mùng hai tháng Giêng (âm lịch), cô con gái tên Nga (30 tuổi) của gia đình ở trước mặt ngôi đền đã lấy chồng xóm bên về thăm bố mẹ và sang đền thắp hương cụ Đề Thám. Sau khi thắp hương xong, bỗng nhiên cô Nga nổi đồng, hai mắt trợn ngược, tay lắc lư và quát lớn nói mình chính là quân của cụ Đề Thám, hiện về để báo cho dân làng biết họ đã phạm vào phần đất của cụ và cần phải di dời ngay. Bà Thúy nhớ lại: "Tôi cũng là người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện. Con Nga nó có bao giờ đi xem bói toán hay đồng cốt gì đâu, bỗng nhiên nó lại bị nhập vào người như vậy, cũng kỳ lạ lắm. Nó giơ tay chỉ đúng hướng nhà mình và nói phải đập ngay đi cho thoáng cửa đền cụ Đề Thám. Không chỉ có vậy, chân nó bước ngang, dang hai tay như người đang đo đất vậy. Nhìn nó khi ấy dân làng chúng tôi ai cũng tin rằng, những chỗ mà Nga chỉ đúng là phần đất "thiêng", không ai được phạm vào". Và quả nhiên, sau khi cô gái tên Nga bị nhập hồn, những phần đất "thiêng" đều được người dân tự nguyện trả lại.
Chỉ tay về khu đất trống, ông Nguyễn Văn Tiếp bảo, sau khi biết đó là phần đất của cụ Đề Thám, các gia đình đều tình nguyện phá bỏ tường rào. Chúng tôi cũng huy động bà con xóm làng hỗ trợ để chuyển gạch, cát sỏi đi chỗ khác. "Tôi cũng thấy lạ rằng, rất nhiều nhà ngoại cảm khi về đây đều nói muốn mua lại những miếng đất xung quanh mộ và đền thờ cụ Đề Thám nhưng đều không mua được. Có gia đình cũng muốn bán sau khi được giá nhưng không hiểu sao họ lại thôi, rồi tự nguyện phá bỏ nhà trả lại đất. Cách đây không lâu, có hai người dưới Hà Nội lên đây thắp hương và thăm mộ cụ Đề Thám. Ban đầu nghe họ nói rằng được cụ Đề Thám chỉ đường, chúng tôi rất hoang mang và tỏ ý không tin. Nhưng sau khi họ kể tỉ mỉ giấc mơ được cụ báo như thế nào, đền thờ nằm ở thôn xóm nào và hướng ngôi đền ra sao thì chúng tôi hoàn toàn tin". Ông Nguyễn Văn Tiếp cũng cho biết thêm, đã có rất nhiều nhà ngoại cảm nổi tiếng khắp nơi tìm về đây nhưng đều thất bại, không ai dám khẳng định ngôi mộ nằm đó là nơi yên nghỉ của cụ Hoàng Hoa Thám. Tuy nhiên, con cháu của cụ là ông Nguyễn Quốc Khánh cũng khẳng định đã đi rất nhiều nơi để tìm mộ cụ nhưng về đây là có linh cảm cụ Đề Thám nằm xuống ở đất này?
Chờ cơ quan chức năng cho phép tiến hành giám định
Hậu duệ của cụ Hoàng Hoa là ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, gia đình không hề tiếc tiền của để có thể tìm mộ cụ, chỉ mong các cơ quan hữu quan, cơ quan liên ngành văn hóa có chủ trương đồng nhất để mở cửa hy vọng cho gia đình. Với ngôi mộ ở xóm Tân Lập (Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang), gia đình sẵn sàng đầu tư kinh phí để lấy mẫu ADN tại ngôi mộ người ăn mày để xác minh trên cơ sở khoa học có phải là cụ Hoàng Hoa Thám hay không. Hiện, cốt nhục trực tiếp của cụ Hoàng Hoa Thám là cụ Hoàng Thị Thế và cụ Hoàng Văn Vi hiện vẫn còn phần mộ. Ngoài ra, công nghệ xét nghiệm ADN theo phả hệ ngược hiện nay có kết quả chính xác hài cốt ngôi mộ đó là ai.
Vũ Phương – Mai Hằng
Nguồn nguoiduatin.vn
 Tin khác:

Không có nhận xét nào: