Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Tránh "cạm bẫy" mua bán người



 Vì cả tin, thiếu hiểu biết, nhiều người đã bị kẻ xấu lừa bán. Để ngăn ngừa, cơ quan chức năng cần tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các ổ nhóm, đường dây tội phạm. Đồng thời, mỗi người dân nên trang bị kiến thức cần thiết để nhận diện những "mẹ mìn".
Tránh  'cạm bẫy', mua bán người, lừa đảo, Trung Quốc
Chị T, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) là nạn nhân bị mua bán trở về.
"Sập bẫy" kẻ buôn người
Một buổi chiều cuối tuần, tôi tìm đến phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) gặp Nguyễn Thị T (SN 1996). Trong căn nhà trọ chật hẹp, nóng bức, T đang ru con ngủ. Đặt con vào nôi, người mẹ trẻ dè dặt kể về ngã rẽ trong cuộc đời mình. Năm 2010, ở tuổi mới lớn, T phổng phao và xinh đẹp hơn bạn bè cùng trang lứa. Sa đà yêu đương quá sớm, T không đủ khôn ngoan để biết lòng dạ người yêu. T nói: "Sau vài lần hẹn hò, được anh ta rủ lên Lạng Sơn chơi, em đi theo mà không mảy may nghi ngờ. Đến biên giới, anh ta đưa em vào một khu chợ rồi bỏ đi. Em bị một phụ nữ giữ lại và nói họ đã mua với giá 25 triệu đồng". 

Những ngày sau đó, thiếu nữ 14 tuổi phải làm vợ người đàn ông Trung Quốc sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh, hằng ngày lao động khổ cực. Gần một năm trên đất khách, T được các cơ quan chức năng giải cứu và về nước. Giờ đây, T đã lấy chồng, sinh con, bắt đầu cuộc sống mới nơi quê nhà nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, cô vẫn thấy thảng thốt. 
 "Thủ đoạn của tội phạm mua bán người rất đa dạng, tinh vi. Có những tên giả vờ yêu đương, sau đó rủ bạn gái đi chơi, thăm thân nhân ở biên giới rồi bán lấy tiền tiêu xài. Cũng có "mẹ mìn" hứa tìm việc nhàn, lương cao hoặc môi giới lấy chồng nước ngoài giàu có để dụ dỗ nạn nhân. Kết cục là nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc làm vợ người nước ngoài" - Thượng tá Thân Văn Duy, Trưởng Phòng PC45, Công an tỉnh Bắc Giang.
Tương tự như T, Lương Thị H (SN 1999) ở xã Qúy Sơn (Lục Ngạn) vừa trở về quê sau 3 tháng lưu lạc ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). 16 tuổi, em có gương mặt hồn nhiên, xinh xắn. Nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng H lại lau nước mắt. Một lần đi chơi, cô gặp người phụ nữ cùng xã rủ sang Trung Quốc làm công nhân với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Chẳng cân nhắc kỹ, H hăm hở đi theo. Sang biên kia biên giới, bị cưỡng ép làm vợ một người đàn ông xa lạ, nhiều lần bỏ trốn nhưng bất thành. Nhờ người thân ở quê kiên trì tìm kiếm và sự nỗ lực của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), mới đây H được giải cứu. 
Thủ đoạn phạm tội 
Ngoài hai trường hợp trên, tôi đã tiếp cận với một số nạn nhân khác trong những vụ án mua bán người. Nói chung, đa phần họ là phụ nữ, trẻ em gái, có hoàn cảnh khó khăn, đều bị dụ dỗ bởi lời ngon ngọt của kẻ xấu. Thông tin về loại tội phạm này được các phương tiện thông tin đăng tải nhiều nhưng có những nạn nhân không biết, không cảnh giác. 
Theo cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 153 nạn nhân xác định bị mua bán và 290 người nghi bị mua bán. 6 tháng đầu năm nay, Công an tỉnh khởi tố 3 vụ với 6 đối tượng về hành vi này, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây nhất, ngày 18-6, Phòng Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45 - Công an tỉnh) bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Hiền (SN 1987) ở bản Làng Dưới, xã Xuân Lương (Yên Thế). Trước đó, Hiền quen chị Nguyễn Thị K ở thị trấn Nếnh (Việt Yên) qua mạng xã hội Zalo. Đối tượng nói dối đưa K sang Trung Quốc chơi và bán với giá 10 triệu đồng.  
Tội phạm mua bán người để lại hậu quả tiêu cực cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Vậy nhưng, trên thực tế, việc phòng ngừa gặp không ít khó khăn. Một số nạn nhân được giải cứu trở về không đủ chứng cứ để tố giác hành vi phạm tội. Thậm chí, có chị em biết rõ tên tuổi kẻ lừa bán nhưng mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai nên không tố cáo. 
Phòng ngừa từ cơ sở
Để ngăn chặn loại tội phạm này, công tác đấu tranh, triệt phá các đối tượng, ổ nhóm, đường dây mua bán người cần được ngành công an thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn. Các nạn nhân nên tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để đưa những đối tượng xấu ra ánh sáng. 
Một giải pháp quan trọng khác nữa là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Mong muốn giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm, UBND xã Đồng Cốc, xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn đã thành lập tiểu ban chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống mua bán người; tổ chức hội thảo về vấn đề này. Ông Từ Văn Lỉu, Chủ tịch UBND xã Đồng Cốc cho biết: “Chúng tôi mời các nạn nhân tham gia hội thảo và nói về câu chuyện của họ, từ đó giúp bà con nâng cao nhận thức. Vài năm trở lại đây, địa phương không có trường hợp bị mua bán. Chị em đã biết tự bảo vệ mình trước những mánh khóe, thủ đoạn của bọn tội phạm”. 
Tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang), cấp ủy và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán về vật chất và tinh thần. Nhiều phụ nữ được vay vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Công an xã làm tốt công tác quản lý an ninh trật tự, tình hình nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng. Bằng giải pháp đó, gần 10 năm qua, xã Nghĩa Hưng không có thêm trường hợp nào bị lừa bán.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh nêu ý kiến: Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần mở rộng tuyên truyền đến học sinh, nhóm người có nguy cơ bị mua bán ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống khó khăn và thiếu thông tin. Cha mẹ cần quan tâm giáo dục, trang bị cho trẻ vị thành niên những kiến thức cần thiết để tránh xa "cạm bẫy" của tội phạm mua bán người.
Trần Lan
Theo baobacgiang.com.vn

Không có nhận xét nào: