Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Phi công coi trọng người đẹp hơn tính mạng hành khách


Phi công coi trọng người đẹp hơn tính mạng hành khách

(VOV) -Nhiều người lo ngại về tính kỷ luật trên các chuyến bay và sự thiếu coi trọng tính mạng hành khách. 
Lại thêm một lùm xùm nữa liên quan đến người đẹp Lý Nhã Kỳ. Nhưng lần này không phải là những chuyện liên quan đến váy áo tiền tỷ, kim cương, nhẫn quý hay phát ngôn… mà là việc cô ấy có những “shot” hình cực độc, được thực hiện trên độ cao hàng nghìn mét trên chuyến bay VN 595 từ Hồng Kông về TPHCM hôm 11/4. Tuy nhiên, cho tới gần đây, những bức ảnh chụp Lý Nhã Kỳ mặc quần áo ngủ (kiểu đồ thể thao) tạo dáng trong buồng lái máy bay được tung trên mạng khiến các quan chức hàng không giật mình. Đây không còn là những chuyện liên quan đến cá nhân cô Kỳ hay một số người mà ảnh hưởng tới tính mạng của hàng trăm con người, khối tài sản giá trị của đất nước cùng uy tín phục vụ của ngành hàng không.

Bức ảnh của Lý Nhã Kỳ khiến nhiều người lo ngại về kỷ luật bay (ảnh Internet)
Trên tờ Tiền phong, trả lời về hành động này một lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, riêng việc cho người không có nhiệm vụ vào buồng lái máy bay (không xin phép) đã là vi phạm. Trong trường hợp này, máy bay đang hoạt động, phi
công lại còn cho người lạ ngồi vào ghế điều khiển thì mức độ "uy hiếp an toàn bay còn nặng hơn".
Các cụ ta có câu: “Người khôn dồn ra mặt/Què quặt hiện ra chân tay”. Trong trường hợp này, tất cả trong số họ đều nằm trọn trong vế thứ nhất của câu nói. Họ đều là những nam thanh, nữ tú, được học hành, giao tiếp rộng rãi.
Trước hết là phi hành đoàn gồm cơ trưởng, cơ phó, tiếp viên trưởng. Họ đều là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi vào nghề và được đào tạo rất cơ bản về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. Theo một số thống kê, chi phí đào tạo một phi công rất lớn (khoảng 115.000 - 120.000 USD) và lâu nay chi phí này được nhà nước bao cấp. Thử hỏi, ở nước ta trong điều kiện nguồn tài chính hạn hẹp, chi cho giáo dục còn phải cân nhắc từng đồng thì có bao nhiêu ngành, nghề được đầu tư đào tạo và bao cấp như đào tạo phi công?
Với vụ việc này, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã xác định diễn viên Lý Nhã Kỳ không có lỗi và không bị xử phạt. Cô ấy là người của công chúng, được nhiều người hâm mộ là rất đáng quí và là niềm mơ ước của nhiều người trong giới showbiz. Thế nhưng, các cụ ta lại có câu “Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn”. Cô ấy đã từng là đại sứ Du lịch của đất nước, mang hình ảnh đất nước đi khắp nơi vậy mà lại sẵn sàng chụp ảnh ở bất kỳ nơi nào. Nếu du khách nào cũng “tự do chủ nghĩa” như cô Kỳ thì việc xả rác bừa bãi sẽ không bị phê phán và biển cấm chụp ảnh ở những khu vực quan trọng… cũng sẽ không có hiệu lực?! Nhiều người cho rằng, trong trường hợp này cũng cần phải phạt Lý Nhã Kỳ vì không phải tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm.
Vừa rồi, trên các mạng xã hội, nhiều cô tú, cậu tú bị “ném đá” vì các hành động chụp ảnh khi ngồi lên bia mộ hoặc di tích lịch sử. Gần đây nhất là trường hợp của nghệ sĩ hài Đức Hiệp đu người lên một tượng đài để chụp ảnh. Hành động này của Đức Hiệp đã bị công chúng chỉ trích rất nhiều và cho là rất phản cảm. Thế nhưng, hành động của những người này là hồ đồ, nhất thời và một phần do “lỗi ứng xử”, phông nền văn hóa mà không ảnh hưởng đến sự sống chết của ai. Còn trường hợp của cô Kỳ thì sao? Có lẽ lúc đầu cô ấy chỉ nghĩ đây là những shot hình độc, độc như những chiếc váy mà cô ấy sở hữu. Còn các anh phi công có lẽ thấy rằng chẳng mấy khi mình có cơ hội chụp hình với người đẹp nổi tiếng như vậy. Đây cũng là dịp hiếm để sau này có cơ hội thì khoe với bạn bè chăng? Nếu quả đúng như vậy thì thật ấu trĩ và nguy hiểm.
Tôi còn nhớ hồi học đại học, thày giáo dạy Triết học cổ đại phương Đông có nhắc đến câu “Tam nhân đồng hành tất ngã vi sư”. Điều này có nghĩa “Ba người cùng đi sẽ có một người làm thầy”, là người có cái đầu tỉnh táo, sáng suốt hơn cả. Đằng này, cả 3 người trên chuyến bay gồm Cơ trưởng, cơ phó và tiếp viên trưởng đều không có một cái đầu nào tỉnh táo? Những người trong phi hành đoàn đã vi phạm những kiến thức rất sơ đẳng về an toàn bay. Một so sánh hơi khập khiễng của một anh bạn tôi đưa ra. “Lần trước được đi tàu biển, chúng tôi mon men lên khoang lái để nhìn biển thế nào. Thế nhưng chưa đặt chân lên bục đã bị đuổi xuống”. Chuyến bay hôm ấy may mắn không có sự cố nào xảy ra. Có lẽ những người trên chuyến bay này phải nhắm mắt, rùng mình vì hành động “ưu ái người đẹp” của hai phi công.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, cơ trưởng chuyến bay sẽ bị phạt vì hai hành vi: Cho người lên khoang lái trái quy định và không thực hiện nhiệm vụ đúng quy trình. Cơ phó và tiếp viên của chuyến bay bị phạt hành chính vì không thực hiện nhiệm vụ đúng quy trình.
Theo quy định, của Điều 14 Khoản 4, Nghị định số 60/2010/NĐ-CP ngày 3/6/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, người chỉ huy tàu bay cho người vào buồng lái tàu bay không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Chưa kể áp dụng các hình thức phạt bổ sung.
“Anh hùng khó vượt qua được ải mỹ nhân” trong trường hợp này có lẽ là đã đúng?/.

    Không có nhận xét nào: