Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Nga thấp thỏm chờ tin dữ từ Mỹ và EU

EU-Mỹ dọa loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT ngay sau khi quốc gia này liên tiếp bị các hãng đánh giá tín nhiệm đánh tụt tín nhiệm.


Trong diễn biến mới nhất, phát biểu trên chương trình truyền hình Espreso.TV, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Ryszard Czarnecki tuyên bố trong trường hợp Nga tiếp tục hành động chống Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Kremlin.
Ông Czarnecki nói: "Đề xuất loại Nga khỏi hệ thống (thanh toán quốc tế) SWIFT được phía Nga đã nhận thức là rất đau đớn, vì điều này có thể gây những hậu quả vô cùng tiêu cực cho kinh tế Nga. Ông cho rằng "đưa ra vấn đề hạn chế sự chuyển đổi của đồng ruble Nga theo EP cũng giống như vũ khí hạt nhân. Nga cần biết đó là biện pháp trừng phạt tiếp theo của chúng ta, mà Nga có thể dự kiến từ châu Âu và Mỹ".
Nếu tuyên bố trên thành hiện thực thì nước Nga quả đã rơi vào cảnh "hoạ vô đơn chí" khi trước đó quốc gia này đã liên tiếp bị hạ mức tin nhiệm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Gần đây nhất, ngày 16/1, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s từ Baa2 xuống Baa3 và chỉ còn 1 bậc nữa là xuống mức rác. Tuyên bố của Moody’s cho biết, triển vọng tín nhiệm mà tổ chức này dành cho Nga là “tiêu cực”, đồng nghĩa với khả năng điểm tín nhiệm của Nga có thể bị giảm thêm trong thời gian tới.
Động thái này diễn ra đúng một tuần sau khi Fitch hạ xếp hạng của Nga xuống BBB-. Còn Standard & Poor's đã đánh tụt tín nhiệm nước này từ năm ngoái. 
Như vậy, đến thời điểm này, cả ba tổ chức tín nhiệm hàng đầu thế giới đã lần lượt cắt giảm điểm tín nhiệm của Nga về sát ngưỡng “rác” đi kèm triển vọng “tiêu cực”. Sự cắt giảm này diễn ra trong bối cảnh giá dầu giảm, đồng Rúp lao dốc, và lệnh trừng phạt siết chặt trở thành những rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế Nga.
"Mức xếp hạng rác sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nợ doanh nghiệp của Nga. Nhưng điều buồn cười là rất nhiều công ty quốc doanh Nga đang chịu trừng phạt và đã bị loại khỏi thị trường vốn quốc tế rồi, nên đằng nào họ cũng chẳng đi vay được", Ian Hague - nhà sáng lập công ty đầu tư Firebird Management cho biết trên Bloomberg.
Nga đang trên bờ vực suy thoái, sau khi dầu thô - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất nước này - mất giá hơn 50% kể từ tháng 6. Đồng Rúp đã mất 47% trong 6 tháng qua vì các lệnh hạn chế tiếp cận vốn và xuất khẩu bởi Mỹ và đồng minh, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm ngoái. 
"Cú sốc giá dầu có khả năng còn tiếp diễn, và việc Nga bị hạn chế vay vốn trên thị trường quốc tế đang ăn mòn kinh tế Nga, đồng thời gia tăng áp lực tài chính lên cả khu vực quốc doanh lẫn tư nhân. Giá dầu giảm mạnh và tỷ giá không thuận lợi sẽ kìm hãm tăng trưởng của Nga trong trung hạn", Moody’s nhận xét.
Nếu Nga bị hạ tín nhiệm xuống mức rác, nhà đầu tư sẽ ào ạt bán trái phiếu nước này. Fitch đã đặt triển vọng tiêu cực lên Nga, trong khi S&P hôm qua tuyên bố đang cân nhắc đưa xếp hạng Nga xuống 'rác' cuối tháng này.
"Nguy cơ này đang tới gần. Và các hãng đánh giá chỉ đang phản ánh thực tế rằng trái phiếu Nga đang giao dịch chẳng khác nào ở mức rác. Nga đang đi theo hướng sai lần và nếu không thay đổi lập trường chính trị về Ukraine, hoặc giá dầu không bật lên, nguy cơ này là khó tránh khỏi", Rudolph-Riad Younes - đồng sáng lập quỹ đầu tư R Squared Capital nhận xét.
Ngày 13/1, tại Nga, tỷ giá với đồng USD lần đầu tiên kể từ ngày 17/12/2014 đã tăng lên mức trên 65 ruble/USD, trong khi đồng euro tăng vượt mức 77 Rúp trong bối cảnh giá dầu tiếp tục sụt giảm. 
Tháng 10/2014, Nga đã phải chi số tiền kỷ lục để hỗ trợ đồng Rúp khỏi mất giá. Khi đó Ngân hàng Trung ương Nga đã bán 27,2 tỷ USD và 1,6 tỷ euro. Tháng 12/2014, Ngân hàng Trung ương Nga đã bán 11,9 tỷ USD.
Minh Thái (Tổng hợp)

Theo baodatviet.vn

Không có nhận xét nào: