Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Sáu bài học từ thiên tài


Loạt chương trình The Genius Behind của chúng tôi đã đưa các bạn đi vào bên trong bộ não của những người đã làm cái không thể thành có thể.
Cho dù là thiết kế ra chiếc xe nhanh nhất từ trước đến nay, giúp người khiếm thị có thể nhìn thấy được hay tạo ra lịch sử không gian, thành công nằm ở việc nâng cao trình độ kiến thức. Chúng ta có thể học được gì từ những bộ óc thiên tài này? Dựa trên những người và những dự án được thể hiện trong loạt chương trình này, chúng tôi đã nhận ra được sáu bài học:

Bài học thứ nhất: thách thức mới cần cách tư duy mới

Vừa là xe, vừa là máy bay chiến đấu, vừa là tàu không gian, Bloodhound SSC muốn trở thành phương tiện di chuyển trên bộ nhanh nhất từ trước đến nay. Một trong những thách thức chính là thiết kế các bánh xe. Làm thế nào để tạo ra những bánh xe nhanh nhất lịch sử, làm cho nó hoạt động ổn định và đáng tin cậy ở tốc độ siêu thanh? Và làm thế nào thực hiện tất cả những việc này với nguồn lực hạn chế?

Sau nhiều cân nhắc và suy nghĩ những ý tưởng có thể đẩy lùi biên giới của công nghệ chất liệu, ông Mark Chapman, kỹ sư trưởng của dự án Bloodhound, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã quyết định lui lại một bước và thay đổi cách họ giải quyết vấn đề. “Có rất ít khoảng trống để chúng tôi thật sự phát triển cái gì đó mới mẻ,” ông nói, “Điều khác biệt là cái cách chúng tôi áp dụng công nghệ.”
Họ áp dụng một phương pháp giải toán đặc biệt là làm rất nhiều thí nghiệm nhỏ và sau đó xem xét tất cả các số liệu thống kê kết dính với nhau. “Bất chợt, sau khi chúng tôi vò đầu bứt tai trong khoảng hai, ba hay bốn tháng, chúng tôi cũng tạo ra được một mẫu bánh xe đủ lực và không bị rời ra,” ông cho biết.

Bài học thứ hai: suy nghĩ theo chứng cứ

Cũng như các đồng nghiệp khác, nhà địa vật lý Steven Jacobsen ở Đại học Northwestern tin rằng nước trên Mặt đất có nguồn gốc từ các sao chổi. Nhưng bằng cách nghiên cứu đá, vốn cho phép các nhà khoa học tìm hiểu về quá khứ, ông đã phát hiện ra rằng nước nằm ở bên trong một loại vật chất có tên là ringwoodite nằm ở lớp thứ hai của Trái Đất. Điều này cho thấy đại dương đã từ bên trong quả đất từ từ thoát ra bên ngoài.
“Tôi rất khó thuyết phục người khác tin vào điều này,” ông thừa nhận. Tuy nhiên hai bằng chứng quan trọng được phát hiện trong năm nay dường như đã hỗ trợ cho quan điểm của ông. Thời gian sẽ trả lời liệu các giả thiết mới có chính xác và có lẽ câu chuyện sẽ có biến chuyển đột ngột. “Nhưng hãy nghĩ về việc bạn có thể là người đầu tiên lần đầu nhìn thấy những việc bất thường,” ông Jacobsen nói, “Nó rất hồi hộp.”

Bài học thứ ba: 99% thật sự là mồ hôi

Bà Sheila Nirenberg ở Đại học Cornell đang nghĩ cách sáng chế ra một thiết bị mới giúp cho người khiếm thị. Mấu chốt của vấn đề là bẻ gãy nguyên tắc chuyển thông tin từ mắt đến não. “Khi tôi nhận ra được điều này, tôi đã không ăn không ngủ mà chỉ muốn làm việc,” bà nói.
“Đôi khi tôi kiệt sức và mỏi mòn,” bà nói, “Nhưng khi đó tôi nhận được email từ một ai đó đang khủng hoảng hay ai đó đang bị thoái hóa điểm vàng ở mắt khiến họ không thể nhìn thấy mặt con cái.” Điều đó khiến tôi giống như “Làm sao mình có thể than vãn được? Nó khiến tôi có thêm năng lượng tiếp tục công việc của mình.”

Bài học thứ tư: câu trả lời không phải lúc nào cũng như mình muốn

Bà Sylvia Earle đã mất hàng chục năm để chiêm ngưỡng đại dương qua lăng kính mới. Cỗ máy trong mơ của bà là một chiếc tàu ngầm có thể đưa các nhà khoa học tới nơi tận cùng của đáy đại dương. Loại vật liệu nào có thể chịu được sức ép khi nằm dưới lớp nước biển sâu đến nhiều ngàn mét? “Nó có thể là thép. Nó có thể là titanium. Nó có thể là loại gốm sứ nào đó hay một loại nhôm nào đó,” bà Earle nói, “Nhưng thủy tinh là vật liệu cuối cùng của chúng tôi.” Theo ước tính của bà, thủy tinh có độ dày từ 10 đến 15cm có thể là vật liệu an toàn dùng để thám hiểm đáy đại dương mà bà mơ ước.
Thủy tinh là loại vật liệu cổ xưa nhất mà con người biết đến và cũng là một trong những vật liệu mà con người hiểu ít nhất, ông Tony Lawson, giám đốc kỹ thuật cho dự án của bà Earle tại Trung tâm Nghiên cứu Thám hiểm Đại dương và Đáy biển, nói. “Thủy tinh có cấu trúc phân tử cực kỳ lộn xộn giống như một loại chất lỏng chứ không phải theo thứ tự trật tự như đan lưới ở các loại vật chất rắn. Do đó, khi thủy tinh bị dồn nén từ tất cả các phía như là khi ở dưới đáy đại dương – các phân tử sẽ nêm chặt lại và tạo thành một cấu trúc bền chắc hơn.”

Bài học thứ năm: cần một chút may mắn

Sự sáng tạo đôi khi cũng cần một chút may mắn
Đây được xem là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất trong lịch sử khám phá không gian. Hai mươi năm chuẩn bị đã kết thúc hồi đầu năm 2014 khi tàu đổ bộ Philae gặp sao chổi 67P ở khoảng cách 480 triệu cây số từ Trái Đất.
Thách thức lớn nhất, theo ông Stephan Ulamec, giám đốc chương trình tàu Philae, là làm thế nào để thiết kế một phương tiện đổ bộ trên một bề mặt mà họ không biết gì. “Chúng tôi không biết gì về kích thước, không biết gì về chu kỳ ngày đêm, không biết gì về trọng lực cũng như bề mặt sao Chổi có hình dáng thế nào,” ông nói.
Họ cần phải tạo ra những tham số để đáp ứng được đủ mọi điều kiện bề mặt của sao Chổi nhưng đặt cược vào giả thiết bề mặt của nó tương đối bằng phẳng với đủ mặt phẳng cho xe có thể đổ bộ. Ngay cả khi đó, không phải mọi thứ đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Móc neo của Philae không khai hỏa như dự định và nó nảy khỏi bề mặt sao Chổi trước khi đáp xuống bề mặt phủ băng của nó và truyền dữ liệu về Trái Đất.

Bài học thứ sáu: thiên tài là điều không định nghĩa được

“Thiên tài là một từ buồn cười,” bà Sheila Nirenberg nói, “Tôi không quan tâm đến thiên tài hay không mà cứ sống một cách bình thường. Tôi chỉ làm những việc mình làm không cần biết người ta gọi anh là gì. Tôi thật sự không biết phải giải nghĩa từ này một cách khác như thế nào.”

Nguồn BBC

Không có nhận xét nào: