Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Từ bỏ thu nhập hơn nửa tỷ đồng để lập công ty riêng

Mỗi tháng thu nhập 42 triệu đồng và giữ vị trí quản lý tại một công ty đa quốc gia, anh Ngô Công Trường vẫn quyết định từ bỏ. Sau những khó khăn ban đầu, công ty riêng của anh hiện có doanh thu 5,4 tỷ đồng mỗi năm.


Dưới đây là bài viết về câu chuyện khởi nghiệp do anh Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty tư vấn và giáo dục VietBurning chia sẻ với bạn đọc VnExpress.
Tôi năm nay 29 tuổi, sinh ra, lớn lên tại Quảng Nam. Cũng vì xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở miền Trung mà tôi đã biết tự lập từ nhỏ, có rất nhiều đam mê, quyết tâm và ý chí sắt đá trong cuộc sống.
Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net.
Năm 15 tuổi, tôi vào học cấp 3 tại khối phổ thông chuyên Toán, Đại học Khoa học Huế, sau đó, tôi học ngành cơ điện tử - Đại học Bách khoa TP HCM. Ngay từ năm nhất, tôi đã trải qua rất nhiều công việc để tìm đam mê cho mình và thử xem lĩnh vực nào là điểm mạnh của bản thân.
Tôi chọn làm những việc không liên quan đến ngành kỹ thuật mà mình đang học, từ việc tự tổ chức cuộc tranh tài game Play Station cho các sinh viên tại TP HCM, cho đến việc giữ xe, giữ nón bảo hiểm, bán hoa, rồi làm gia sư, thiết kế cơ khí 2D-3D, marketing trung tâm Anh ngữ quốc tế... để tìm tòi khả năng kinh doanh cho riêng mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định ở lại Sài Gòn làm việc, sau đó trải qua khá nhiều vị trí tại các công ty đa quốc gia từ nhân viên thực tập, quản trị viên tập sự, nhân viên, quản lý cấp trung đến quản lý cấp cao.
Năm 2010, khi đang ở vị trí quản lý của một công ty đa quốc gia với mức lương và thưởng khoảng 42 triệu đồng mỗi tháng (khoảng nửa tỷ đồng một năm), được xem là mơ ước và mục tiêu phấn đấu của rất nhiều người, nhưng tôi đã từ bỏ và chọn con đường khởi nghiệp vì nghĩ rằng khi đã quyết định làm gì thì phải làm thật nhanh. Hơn nữa, xu hướng của tôi là hành động, vì nếu có ước mơ mà không có kế hoạch hành động thì sẽ chỉ là mơ giữa ban ngày và trở thành ảo tưởng hay mộng tưởng.
lap-doanh-nghiep-setop-8763-1421727181.j
Theo anh Ngô Công Trường, phải khởi nghiệp sớm để nếu có thất bại thì thất bại nhanh và thành công sớm.
Lúc đó tôi nghĩ rằng, nếu đi làm công, giả sử đang làm đến vị trí trưởng phòng và nhận lương khoảng 1.500 USD mỗi tháng, tương đương một năm 18.000 USD, tính luôn thưởng là 20.000 USD. Sau 10 năm đi làm, thu nhập khoảng 200.000 USD, nếu tính cả tăng lương và thăng tiến thì đạt mức 250.000 USD, tức 5 tỷ đồng.
Nhưng tôi lại có bài toán ngược lại, nếu tự khởi nghiệp, trong 10 năm, bạn có thể kiếm được 5 tỷ đồng, có thể ngay từ ngày đầu tiên nếu bạn may mắn, hoặc có thể là ngày cuối cùng của năm thứ 10. Từ năm thứ 11 trở đi, bạn sẽ có một doanh nghiệp của riêng mình với bề dày 10 năm kinh nghiệm và một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.
Ngoài ra, tôi cũng quan niệm phải bắt tay vào khởi nghiệp sớm để nếu có thất bại thì phải thất bại thật nhanh. Chỉ có vậy thì sau rất nhiều thất bại, thành công mới đến với mình sớm.
Tôi khởi nghiệp rất đơn giản và tình cờ. Ngay từ đầu, tôi chỉ muốn dùng tất cả đam mê, sức trẻ cùng sự nhiệt huyết để cống hiến cho cộng đồng. Vì vậy tôi chọn lĩnh vực tư vấn và giáo dục, trong đó có rất nhiều hoạt động khác nhau. Quan niệm muốn đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì đi với nhiều người, và cuối cùng tôi quyết định chọn loại hình công ty cổ phần để có thể có nhiều người góp sức: "Mình sẵn sàng chia sẻ để sở hữu một miếng bánh nhỏ trong một công ty lớn, hơn là sở hữu một miếng bánh lớn trong công ty nhỏ".

Thời gian đầu, tôi hơi lúng túng và không biết phải làm gì với công ty này, vì không nhiều vốn, không văn phòng, không ý tưởng, năng lực có giới hạn, không mối quan hệ… Nhưng rồi, sau những mập mờ ấy, tôi chọn lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên và đây là thị trường với rất nhiều đối thủ.
Dự án này là một sàn giao dịch cho sinh viên, bao gồm nhà trọ, gia sư, việc làm, kỹ năng, dịch vụ... Nó được xem là đứa con tinh thần với rất nhiều tâm huyết và công sức của tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian duy trì, do không đủ nguồn lực (vốn, con người, quan hệ) để nuôi dự án, tôi đành quyết định đóng cửa.
Sau đó, tôi đã tìm ra mảng hoạt động mới mà công ty có thể theo đuổi trong thời gian dài sắp tới, và đúng với những mục tiêu đặt ra, đó là "Tối ưu hoá hệ thống vận hành doanh nghiệp" - Operational Excellence (OE), dựa trên khái niệm Lean, Six Sigma - phương pháp cải tiến quy trình bằng thống kê nhằm giảm tỷ lệ sai sót. Đây là cách tôi có thể giúp các doanh nghiệp làm đúng ngay từ đầu, giảm lãng phí, chất lượng ổn định, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Phương pháp này khá lâu đời trên thế giới, nhưng còn mới tại Việt Nam. Chính vì vậy khi bắt tay vào triển khai, tôi vấp phải thách thức lớn vì là một trong những người tiên phong về lĩnh vực này tại Việt Nam. Trong suốt hai năm, tôi đã liên tục chia sẻ kiến thức về OE đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, những người mới khởi nghiệp để họ hiểu được khái niệm này.
Tôi quan niệm xã hội có giảm được lãng phí hay không thì từng cá thể trong xã hội phải giảm thiểu lãng phí. Và muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực, thì chúng ta phải đạt được mức hiệu quả tương đương và vượt trội họ. Hơn nữa, tôi có đam mê và niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia xuất khẩu giá trị và tri thức.
Chính vì tìm được đúng con đường, sau một thời gian dài ra sức tìm tòi và thử nghiệm nhiều hướng khác nhau, nay tôi đã có một số thành công nhất định. Hiện tại công ty có hơn 40 khách hàng trong mảng tư vấn và giáo dục, trong đó 80% là các công ty Việt Nam và 20% công ty đa quốc gia.
Các khách hàng của chúng tôi hiện nay đều là những công ty dẫn đầu về lĩnh vực họ đang hoạt động, từ nhựa, gỗ, bệnh viện, ngân hàng, sản xuất, dịch vụ cho đến các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.
Sau một thời gian hoạt động ban đầu, doanh thu trung bình mỗi tháng hiện nay của công ty đạt khoảng 450 triệu đồng (5,4 tỷ mỗi năm), và mục tiêu doanh thu trong năm 2015 đạt tối thiểu 600 triệu mỗi tháng (tức 7,2 tỷ đồng một năm).
Tuy những gì tôi đạt được chưa phải là điều lớn lao nhưng nó cũng là những kinh nghiệm quý báu mà bản thân đã học được sau 5 năm khởi nghiệp và giờ muốn chia sẻ lại. Tôi muốn nói rằng, khi khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn và nó không bao giờ là màu hồng.
Để thành công, các bạn cần phải khởi nghiệp thông minh và tinh gọn, theo đúng khái niệm về OE (giảm lãng phí, giảm chi phí, tăng lợi nhuận). Ngoài ra, bạn hãy tập trung vào những gì là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi của mình, những gì chúng ta làm không tốt bằng người khác hãy mạnh dạn thuê ngoài, và không cần phải là người làm tất cả. Bên cạnh đó, bạn hãy quan tâm đến hiệu quả thực sự, đừng ngại người khác nói bạn không biết làm.
Chẳng hạn, khi bạn khởi nghiệp và thành công thì sẽ có 50% người thích bạn, số còn lại không thích. Điều quan trọng là bạn cần nhìn vào một nửa số người đang ủng hộ để cố gắng vì chúng ta không thể sống để hài lòng tất cả mọi người. Bên cạnh đó, hãy có những ước mơ mà thoạt nghe qua ai cũng cười, nhưng sau đó phải thực tế nó bằng những hành động cụ thể để biến ước mơ thành sự thật. Lúc đó, bạn chính là người mỉm cười chứ không phải ai khác.
Tôi cũng quan niệm rằng, nếu không chịu học bài bản trong trường lớp, thì phải học trong trường đời với học phí rất cao. Do đó, bản thân tôi đầu tư cả việc học trong trường lớp lẫn học từ thực tế. Hiện nay tôi vừa học chương trình tiến sỹ quản trị kinh doanh và vừa điều hành doanh nghiệp riêng của mình.
Một điều mà tôi cảm nhận được nữa là nhiều bạn trẻ hiện nay hầu như chỉ muốn học hỏi các câu chuyện thành công mà ít ai chịu học về thất bại. Nhưng các bạn có biết đằng sau những câu chuyện thành công của các chủ doanh nghiệp bây giờ là những khoảng thời gian thất bại khủng khiếp của họ. Vậy thì các bạn hãy cứ mạnh dạn thất bại, vấp ngã, nhưng không được phép lặp lại thất bại và sai lầm đã trải qua. Cuối cùng, các bạn hãy luôn nhớ rằng, muốn có kết thúc thì phải có khởi đầu, ai lớn mà chẳng từng nhỏ, ai thành công mà chẳng hề thất bại, để từ đó làm nền tảng cho mình khởi nghiệp.
Ngô Công Trường
Theo vnexpress

Không có nhận xét nào: