Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

"Nếu có vụ tham nhũng nữa, Nhật sẽ ngưng viện trợ ODA cho VN"

Ông Mutsuya Mori, bìa phải. Ảnh TG

Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ông Mutsuya Mori cảnh báo Việt Nam không được để xảy ra tham nhũng trong bất kỳ dự án ODA nào do Nhật Bản bản tài trợ nữa, nếu không Nhật Bản sẽ “dừng viện trợ”.
Tại cuộc họp báo thường niên về ODA tổ chức ngày 1-4 tại Hà Nội, ông nói: “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát”, ông Mori nói.
Cảnh báo của ông trưởng đại diện JICA đưa ra khi ông được hỏi về phản ứng của phía Nhật Bản đối với những cáo buộc hối lộ của nhà thầu JTC của Nhật trong dự án đường sắt ở Việt Nam.

JTC là vụ gần đây nhất có những cáo buộc về tham nhũng xảy ra trong dự án ODA do Nhật Bản viện trợ, sau hai vụ khác ở dự án Đại lộ Đông – Tây tại TP Hồ Chí Minh, và vụ PMU 18 cách đây nhiều năm.
Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Yamamoto Kenichi bổ sung thêm, ở vụ JTC, phía Nhật Bản thừa nhận “có việc đưa và nhận hối lộ”, tuy vậy, dự án vẫn được triển khai, vì chỉ người đưa và nhận hội lộ mới là người có lỗi.
Ông Kenichi bổ sung thêm, JICA đang phối hợp với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nhằm thiết kế một cơ chế giám sát độc lập đối với các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ nhằm phát hiện những “dấu hiệu bất thường”.
Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, rằng thông điệp của ông trong tư cách là nhà tài trợ lớn nhất trước những lo ngại gần đây của công luận Việt Nam về vay nợ ODA là gì, ông Mutsuya Mori đáp: “Tôi biết có đại biểu Quốc hội Việt Nam nói Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào ODA và cho rằng đây là sự thất bại trong chiến lược phát triển, tôi đồng ý quan điểm này”.
Tuy nhiên, ông Mori cũng tỏ ra do dự: “Tôi nghĩ đến câu chuyện Việt Nam lúc nào không cần ODA nữa. Đến nay Việt Nam đã nhận ODA 20 năm. Bao giờ Việt Nam không cần cần nữa? 10 năm hay 20 năm nữa?”.
Ông khẳng định: “Liên quan đến chất lượng tôi tự tin nói các công trình do nhà thầu Nhật Bản xây dựng có chất lượng tốt hơn, độ bền lâu hơn so với các nhà thầu khác, như Trung Quốc”.
Ông Mori nói thêm, qua các dự án như cầu Nhật Tân, hay Metro ở TPHCM, người Nhật Bản đã chuyển giao những công nghệ tiên tiến nhất cho Việt Nam.
Ông Kenichi bổ sung thêm, các dự án ODA của Nhật Bản đắt “tối đa” chỉ thêm 10-20% so với các công trình công cộng tương tự; vì chẳng hạn, nếu đắt gấp đôi thì là điều không chấp nhận được với dự án công cộng.
Ông Mori phân tích tính hiệu quả của ODA Nhật Bản và trái phiếu Chính phủ Việt Nam qua hai dự án là Nhà ga hành khách T2, Sân bay Quốc tế Nội bài và Cầu Nhật Tân.
Dự án Nhà ga hành khách T2 có tổng mức đầu tư 76,1 tỉ yên, trong đó vay vốn ODA 59,3 tỉ yên với hình thức vốn vay ràng buộc (STEP) sử dụng tư vấn và nhà thầu Nhật Bản. Như vậy, Việt Nam phải hoàn trả tổng cộng 60,8 tỉ yên.
Giả sử, khoản vay 59,3 tỉ yên này là trái phiếu chính phủ với thời hạn hoàn trả 30 năm, lãi suất 5%/năm, Chính phủ sẽ phải trả tổng số tiền lên tới 135,5 tỉ yên.
Với cách so sánh tương tự, Cầu Nhật Tân có vốn vay ODA là 54,2 tỉ yên, tổng số hoàn trả vốn vay là 55,6 tỉ yên. Nhưng nếu là vốn trái phiếu Chính phủ, thì tổng lượng hoàn trả lên tới 135,5 tỉ yên.
“Nói thế để thấy, với Việt Nam hiệu quả nhất vẫn là sử dụng vốn ODA từ Nhật Bản”, ông nói.
Hiện nay, tại Việt Nam, JICA đang thực hiện hơn 150 dự án hợp tác kỹ thuật và hợp tác vốn vay. Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu cả về số lượng và tổng kinh phí trong các quốc gia nhận viện trợ trên thế giới mà JICA đang hợp tác hỗ trợ.
Năm tài khóa 2014, đã có 82,6 tỉ yên vốn vay ODA được ký kết chính thức. Năm 2013, vốn vay ODA ký kết chính thức là 165,6 tỉ yên, gấp rưỡi vốn cam kết của năm trước đó. Ông Mori cho biết, phía Nhật Bản sẽ cố gắng duy trì con số cam kết ODA năm 2013 cho năm 2015 này.
Tư Giang

Theo thesaigontimes.vn



Không có nhận xét nào: