Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Giá trị trường tồn cùng thời gian

                     Theo vov.vn                    

VOV.VN - Ngoài giá trị Phật pháp, văn học, nghệ thuật, Mộc bản của chùa còn đánh dấu quá trình phát triển hệ thống văn tự Việt Nam.

Chùa Vĩnh Nghiêm tại thôn Đức La, xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang không chỉ là nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là trường đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta, mà còn được biết đến với kho Mộc bản độc nhất vô nhị, vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với mong muốn Mộc bản trường tồn cùng thời gian, tỉnh Bắc Giang đang triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Những ngày đầu năm mới, dòng người đổ về chùa Vĩnh Nghiêm tại tỉnh Bắc Giang đông hơn thường lệ. Bởi tục đi chùa lễ Phật, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Và với nhiều Phật tử và du khách thập phương, chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã nổi tiếng với hai câu thơ: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm; Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”.
Theo lịch sử ghi lại, Vĩnh Nghiêm tự là ngôi chùa lớn của thiền phái Trúc Lâm và được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Được xây dựng từ thời Lý đến thời Trần, Chùa Vĩnh Nghiêm có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Mà đỉnh cao nhất là 3 vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Thượng Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.
Gắn kết, hòa quyện với giá trị lịch sử và kiến trúc của ngôi chùa còn có một di sản vô cùng quý giá khác, đó là bộ ván khắc kinh, còn được gọi là Mộc thư có niên đại 700 năm. Ngoài giá trị về Phật pháp, Mộc bản còn có giá trị về văn học và nghệ thuật. Vì vậy, trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi là bảo vật Quốc gia.
Mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh: Tự Minh)
Hiện tại, kho mộc bản được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa Vĩnh Nghiêm, gồm hơn 80 đầu sách, gần 3.000 bản khắc, mỗi bản 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách âm bản, chứa khoảng 2.000 chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, có những bản khắc đặc biệt quý như Khóa Hư Lục, Kinh Hoa Nghiêm… Các Mộc bản này đều được làm từ gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau, tùy theo từng kinh sách. Kho Mộc bản này chứa đựng lượng thông tin phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hóa hành đạo nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử ngành khắc in mộc bản... Ngoài ra, Mộc bản còn ghi lại thân thế sự nghiệp một số vị cao tăng, danh nhân có nhiều cống hiến cho sự phát triển văn hóa truyền thống dân tộc...
Bên cạnh các giá trị về Phật pháp, văn học, nghệ thuật, kho Mộc bản đã đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang dùng chữ Nôm được đúc kết dưới dạng các câu thơ hoặc những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam. Đây chính là nét đặc sắc nhất của kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang.
Với giá trị đặc biệt ấy, năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang khẳng định: “Mộc bản có tính trọn vẹn và giá trị độc đáo độc nhất, không có bản thứ hai. Hiện nay, rất nhiều chùa có Mộc bản, thậm chí kho Mộc bản của Hàn Quốc có tới hơn 83.000 bản, nhưng nội dung mộc bản các chùa kia chủ yếu in kinh sách của nhà Phật”.

“Còn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có hơn 10 đầu sách và có 2 quyển kinh lớn, còn lại là tài liệu về sách thuốc dân tộc. Thứ hai, Mộc bản tại đây có giá trị về văn học, nghệ thuật. Trong bản khắc đó, cũng có nhiều giá trị mỹ thuật, hội họa. Đặc biệt, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn có in cả sớ, điệp cho người chết và cúng lễ mà các Mộc bản nơi khác không hề có. Vì độc đáo như thế nên dù số lượng ít nhưng Mộc bản của chùa vẫn được vinh danh”, ông Nguyễn Thế Chính cho biết.
Trong không gian tĩnh mịch tại gian tháp chuông của ngôi cổ tự, được nghe Đại đức Thích Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm giảng về những giá trị của bộ kinh ghi trong mộc bản, mới thấm thía tư tưởng tiến bộ mà các tổ sư của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế. Đặc biệt, Mộc bản truyền dạy cho con người sống trong hiện tại hãy biết vui cái vui của hiện tại, chứ không chờ đợi đến kiếp khác. Tư tưởng nhập thế đó đã trở thành dòng thiền riêng của Việt Nam.
Đại đức Thích Thanh Vịnh - Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm

Đại đức Thích Thanh Vịnh lý giải: “Trên phương diện giáo học của Phật đà thì thấy Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm lưu giữ lại hai bộ kinh lớn đó là Đại phương quảng phật Hoa nghiêm kinh, đặc biệt nhất là phẩm Phổ Hiền truyền tải về quan điểm tư tưởng Phật giáo Đại thừa và bộ kinh Di đà. Đi sâu một chút về phẩm phổ hiền, trên phương diện cuộc sống xã hội của tất cả các quốc gia, khi chúng ta nhìn nhận từ bộ kinh Đại phương quảng phật Hoa nghiêm kinh lưu tại Vĩnh Nghiêm thì thấy rằng, cuộc sống có rất nhiều niềm hạnh phúc. Nên những lời giáo huấn của các tổ lưu lại cho đến nay chứng tỏ, Vĩnh Nghiêm không bị hủy hoại, phá vỡ bởi thời gian. Mỗi một Phật tử đến chùa đều có ý thức tôn trọng”.
Giá trị độc đáo của Mộc bản không chỉ là tài sản của dân tộc Việt Nam mà còn có giá trị đối với văn hóa thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn Mộc bản đang gặp phải một số khó khăn như yếu tố thời tiết biến đổi thất thường, độ ẩm cao trong khi nhiều bản Mộc khắc chữ đã cũ, dễ bị vỡ và gãy hoặc nấm mốc, mối mọt.
Với mong muốn giữ gìn và quảng bá rộng rãi giá trị của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, năm 2014 này, tỉnh Bắc Giang xây dựng khu nhà lưu giữ mộc bản để Phật tử và du khách có cơ hội tìm hiểu. Đồng thời, phối hợp với Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tổ chức số hóa toàn bộ mộc bản, in dập, dịch toàn bộ nội dung của mộc bản ra tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Tạm biệt ngôi cổ tự Vĩnh Nghiêm, mỗi Phật tử và du khách hành hương đều tìm thấy sự thanh tịnh và cái tâm trong sáng. Bởi tư tưởng đạo Phật nhập thế của thiền phái Trúc Lâm được in dấu và thấm đẫm trong không gian ngôi chùa. Và ai cũng tự hứa với lòng cần trân trọng, lưu giữ và cống hiến để tiếp nối truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại./.
Lan Hương - Thy Hạt/VOV- Trung tâm Tin

Không có nhận xét nào: