Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Ngân hàng: Gian nan đòi nợ

- Phát mãi tài sản được xem là một trong những biện pháp nghiệp vụ cơ bản mà các ngân hàng (NH) áp dụng để thu hồi vốn đối với các khoản vay quá hạn, hay các khoản nợ không còn khả năng chi trả... Tuy nhiên, chuyện phát mãi tài sản, thu hồi dòng vốn cho vay lại không hề đơn giản, thậm chí để thực hiện được việc này, NH phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, phải tiến hành khởi kiện, cưỡng chế tài sản... để xử lý một khoản nợ hay một tài sản. Nhiều nhà băng đang “điên đầu” với việc xử lý nợ như thế!

Lý sự cùn của con nợ
Ngày 23/1/2014, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xét xử vụ án tranh chấp kinh tế giữa Xí nghiệp Dệt Hồng Quân (Dệt Hồng Quân) với NH TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Bình (Vietinbank Thái Bình). Trong vụ án này, Vietinbank Thái Bình là bị đơn. Và điều đáng nói là vụ việc đã được tòa sơ thẩm và phúc thẩm nhưng Dệt Hồng Quân vẫn “bất tuân” kháng nghị lên Tòa án Nhân dân tối cao.
Theo thông tin được các bên đưa ra tại phiên tòa thì, năm 1998, Dệt Hồng Quân có vay của Vietinbank Thái Bình 38 tỉ đồng. Tài sản thế chấp được xác định là nhà xưởng, đất đai, máy móc… của Dệt Hồng Quân và của ông Đinh Hồng Quân - Giám đốc Xí nghiệp cùng gia đình. Thời gian đầu, nhờ làm ăn tốt, sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, Dệt Hồng Quân đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán nợ, cũng như lãi cho Vietinbank Thái Bình và được biết đến là một trong những khách hàng có uy tín của NH này.
Nhiều tài sản thế chấp ở ngân hàng là bất động sản, giá trị đã giảm mạnh

Tuy nhiên, từ năm 2004, tình hình sản xuất kinh doanh của Dệt Hồng Quân bắt đầu gặp khó, việc thực hiện trả nợ Vietinbank Thái Bình không còn đầy đủ. Dệt Hồng Quân bị Vietinbank Thái Bình khoanh vùng và liệt vào nhóm khách hàng có yếu tố rủi ro cao. Và đến năm 2008, số nợ lãi và nợ gốc cũng như các khoản tiền chậm trả mà Dệt Hồng Quân phải thực hiện với Vietinbank Thái Bình đã lên tới gần 70 tỉ đồng.
Khoản nợ này của Dệt Hồng Quân được Vietinbank Thái Bình xác định là nợ khó đòi, buộc phải xử lý. Và để tiến hành thu hồi khoản vay này, Vietinbank Thái Bình đã tiến hành đầy đủ các thủ tục pháp lý để phát mãi tài sản thế chấp. Tuy nhiên, Dệt Hồng Quân lại cho rằng mức giá phát mãi quá rẻ và một số thành viên trong gia đình ông Quân lên tiếng khẳng định trong số tài sản phát mãi, nhiều tài sản là của cá nhân chứ không phải của Dệt Hồng Quân và đã khởi kiện Vietinbank Thái Bình ra tòa.
Tại phiên xét xử, sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xác định, những nội dung mà Dệt Hồng Quân nêu ra để khởi kiện Vietinbank Thái Bình là không có cơ sở pháp lý và việc Vietinbank Thái Bình phát mãi tài sản của Dệt Hồng Quân là đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Hay như vụ kiện phát mãi tài sản của Vietinbank Phú Thọ với Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Việt Hưng (Việt Hưng) nhằm thu hồi khoản nợ 10,6 tỉ đồng đầu năm 2014 cũng vậy. Cũng như Dệt Hồng Công, Việt Hưng đã không đồng tình với mức giá mà Vietinbank Phú Thọ đưa ra và quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, đồng thời đề nghị tạm đình chỉ thi hành án, chờ kết quả Giám đốc thẩm mới quyết định cưỡng chế, thu hồi tài sản của công ty để giao cho Vietinbank của cơ quan thi hành án.
Tranh chấp này sau đó đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Việc kê biên tài sản, thẩm định giá, bán đấu giá, cưỡng chế tài sản bán đấu giá thành công Nhà hàng Phù Đổng, để giao cho người mua tài sản của Chi cục Thi hành án là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật hiện hành".
Ngân hàng thiệt hại trăm bề
Với các NH, chuyện phát mãi tài sản không hề đơn giản, thậm chí nó có thể kéo theo một vụ kiện tranh chấp kinh tế. NH kiện DN để thu hồi nợ bằng tài sản thế chấp nhưng rồi cũng lại chính DN lại kiện lại NH vì giá trị tài sản thế chấp được xác định thấp. Và hệ quả là, NH và DN cùng dắt tay nhau ra tòa, qua hết cấp này tới cấp khác.
Trao đổi với Năng lượng Mới, ông Lê Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Vietinbank cho hay: Thực tế trong quá trình xử lý nợ, Vietinbank đã phải tiến hành khởi kiện sơ thẩm, phúc thẩm rồi cưỡng chế, kê biên thi hành án mất hằng năm trời để có thể xử lý một khoản nợ hay một tài sản. Quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản có khi phải tổ chức đến 14-15 lần mới bán được tài sản là do khách hàng lợi dụng kẽ hở của luật pháp để kiện cáo, khiếu nại kéo dài quá trình xử lý gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ của NH. Nhiều tài sản khi bán được thì giá trị thu được rất thấp (không thu đủ dư nợ gốc, lãi đã cho vay) do tài sản đã bị xuống cấp, hư hỏng, giảm giá trị do thị trường bất động sản suy thoái...
Ông Tùng cũng cho biết: Quan điểm của Vietinbank trong quá trình xử lý nợ là làm việc trên cơ sở tuân thủ luật pháp, những khách hàng có tinh thần, thái độ hợp tác để xử lý trả nợ sớm cho NH sẽ được Vietinbank hỗ trợ qua việc xem xét miễn giảm (một phần hoặc toàn bộ) lãi phải trả. Những vấn đề khiếu nại, khiếu tố (nếu có) trong quá trình xử lý nợ sẽ được chuyển cho các cơ quan pháp luật có thẩm quyền xem xét, phân định để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Thực tế tìm hiểu của phóng viên, dù NH có thu hồi được tài sản thế chấp rồi mang ra phát mãi, đấu giá thì cũng chẳng lấy mấy làm vui bởi phần lớn những khoản nợ này đều được liệt vào hàng nợ xấu, nợ khó đòi. Mà đã là nợ xấu, nợ khó đòi thì trong quá trình xử lý nợ, NH đã trích lập một khoản dự phòng rủi ro không hề nhỏ để bù đắp và đi kèm theo đó là rất nhiều khoản chi phí khác… nhưng rồi có được tính vào tiền lãi vay, tiền nợ của DN đâu. Đã vậy, trong nhiều trường hợp, phía NH còn phải xem xét miễn một phần lãi phát sinh cho DN để mau chóng thu hồi nợ. Và như vậy, toàn bộ những khoản chi phí này sẽ do một mình NH phải gánh chịu.
Theo một số cán bộ tín dụng NH thì sau nhiều năm, tài sản thế chấp cho các khoản vay của DN đều giảm mạnh có tài sản giá trị vay giảm tới 50-60% bởi phần lớn nó là đất đai, nhà xưởng... Ví như trường hợp của Dệt Hồng Quân, nhiều tài sản thế chấp của DN là nhà xưởng, máy móc của DN này đã được tòa án xác định là hết khấu hao, giá trị còn rất thấp. Đã vậy, tài sản thế chấp có khi lại được DN "làm trò" thế chấp tại nhiều NH khác nhau và khi làm thủ tục thu hồi, phát mãi tài sản, NH không chỉ phải đối diện với việc tranh chấp với DN mà còn cả với chính NH khác.
Câu chuyện trên phần nào cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, khi bài toán nợ và nợ xấu vẫn đang ám ảnh nền kinh tế, đặc biệt là đối với hệ thống NH, tổ chức tín dụng… thì việc thu hồi nợ, xử lý nợ là điều không hề đơn giản.
Lê Hà

Theo petrotimes.vn                                           

Không có nhận xét nào: