Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nói về "điềm báo"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nói về "điềm báo" - Ảnh 1
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải- Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.
Có thể giải thích dưới góc độ khoa học
Thông thường, sau khi có “điềm báo” một khoảng thời gian nhất định thì sẽ xuất hiện “vận xui”, vận may, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Theo tôi, tất cả mọi sự việc đều có sự liên lạc, mối quan hệ ràng buộc với nhau trong một trường thông tin nhất định. Trường thông tin này đồng thời có nhiệm vụ liên kết giữa người này với người kia, vật này với vật khác. “Điềm” và “vận” không phải mối quan hệ nhân quả mà là song hành. “Điềm” là cái biểu hiện ban đầu, giống như cái vỏ còn “vận” là cái ruột bên trong. Nhìn thấy vỏ người ta có thể đoán được phần nào ruột có tốt hay không. Cũng giống như sau khi thấy tia chớp loé lên ở chân trời thì mấy giây sau chúng ta sẽ nghe thấy tiếng sấm vậy. Ông bà ta đã đúc kết những kinh nghiệm trong cuộc sống, trải qua rất nhiều đời mà thành rồi lại truyền cho con cháu. Có thể người đời sau không chứng kiến hết những trải nghiệm này, chỉ tiếp thu được những lời truyền khẩu còn gốc gác ban đầu thì không hiểu nên mới cho rằng nó bí ẩn và ma quái.
Nếu như vậy, điềm báo có thể giải thích dưới góc độ của khoa học?
Tôi không khẳng định hoàn toàn về điều này. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa điềm báo và sự việc diễn ra sau đó dưới góc độ khoa học. Ngay cả ông bà chúng ta cũng đã có những công trình nghiên cứu riêng mà chúng ta có thể không để ý thấy như “quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa”. Nhiều thứ “điềm” chẳng qua là do sự thay đổi trong môi trường.
Tuy nhiên, cũng nhiều thứ không thể giải thích đơn giản như thế được. Với những người hay đọc truyện xưa, tích cũ đều có thể nhận ra rằng điềm báo xuất hiện khá nhiều. Trong Tam Quốc chẳng hạn, trước khi tướng quân ra trận mà có một trận gió xoáy cuốn lá cờ vào thì cho rằng đó là vận báo thua, y như rằng trận đó thua thật. Cũng một lá cờ, như trong “lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Trần Quốc Toản thì lại tung bay trong gió lại báo hiệu một trận thắng vang dội. Những thứ này chúng ta chưa giải thích được.
Điềm báo không phải là nguyên nhân dẫn đến tai họa
Còn hiểu về tâm linh thì sao?
Có thể lấy một ví dụ: Một người con gái trong lúc thêu thùa, cô ấy nghĩ rất nhiều tới người mình yêu. Đột nhiên, kim đâm vào ngón tay khiến chảy máu thì người ta sẽ tự hiểu là điềm không hay sẽ đến với người yêu của cô gái chứ không phải đến với cô ta. Tương tự, khi bạn đeo một chiếc đồng hồ của một người thân. Đột nhiên dây chiếc đồng hồ tự đứt hoặc mặt đồng hồ vỡ thì cũng sẽ liên tưởng tới một sự bất trắc nào đó đối với người đã tặng cho bạn chiếc đồng hồ. Tôi vẫn cho rằng, mọi sự vật hiện tượng trong thế giới đều có mối quan hệ với nhau, ràng buộc với nhau bằng những sợi dây vô hình mà chúng ta không nhìn thấy được. Đó chính là những trường năng lượng có khả năng tác động lên con người, còn con người thì bằng kinh nghiệm sẽ đoán trước được.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải nói về "điềm báo" - Ảnh 2
Ảnh minh họa.
Như vậy, theo ông, chúng ta không nên quá tin vào điềm báo?
Điều này còn tuỳ vào lập trường của bạn đến đâu nữa. Ví như ngày xưa, các cụ trọng nam khinh nữ, mới đi ra ngõ gặp phụ nữ thì cho là điềm không may. Nhưng bây giờ thì khác. Buổi sáng ra đường mà đột nhiên gặp phải hoa hậu thì sao? (Cười). Người ta có thể tin vào điềm báo nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình để xét xem khả năng tiếp theo sẽ như thế nào. Không vì quá tin vào điềm mà không dám làm gì, không quyết định được gì. Vì đôi khi sự lo sợ quá mức mới lại là nguyên nhân của điều xấu xảy ra sau đó! Bây giờ, khoa học phát triển rồi, không phải điều gì cũng cứ viện là do tâm linh, do thế giới siêu nhiên được.
Xin cảm ơn ông!
ĐỖ HUỆ

Theo doisongphapluat.com

Không có nhận xét nào: