Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Những ‘bẫy chết người’ với người dùng Internet

Internet đang là một công cụ hữu ích phục vụ nhiều nhu cầu của con người như học tập, giao tiếp và giải trí. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là những cạm bẫy lừa đảo mà người dùng có thể mắc phải.


Lừa đảo trúng thưởng qua Zalo, Viber…

Việc xuất hiện các “công ty ma” lừa đảo trúng thưởng qua các phần mềm OTT như Zalo, Viber, Beetalk đang "nở rộ" trong thời gian gần đây. Phần lớn tin nhắn lừa đảo thông qua các phần mềm ứng dụng có nội dung, người dùng đã trở thành khách hàng may mắn trúng thưởng một phần quà rất có giá trị, để nhận thưởng bạn cần truy cập vào website gửi kèm trong tin nhắn và nhập thông tin.
   Những ‘bẫy chết người’ với người dùng Internet - Ảnh 1

Thông báo trúng thưởng qua Zalo khiến không ít người dùng bị lừa

Sau khi nhập thông tin trang web tự động chuyển tới phần thông báo cho biết cần phải chuyển một khoản tiền nhất định để làm chi phí hồ sơ thông qua kênh thanh toán rất thiếu chuyên nghiệp là... thẻ cào điện thoại.
Tại ứng dụng Zalo, không ít khách hàng nhận được tin nhắn thông báo đã trúng giải nhất của chương trình “Zalo - nhắn lời yêu thương” trị giá giải thưởng là 1 chiếc xe máy Liberty và số tiền mặt là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nạp tiền làm “thủ tục” thì phát hiện ra mình bị lừa.

Website và ứng dụng giả mạo

Một hình thức lừa đảo phổ biến là giả mạo một website với giao diện giống hệt website gốc để chiếm đoạt tài khoản cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, tài khoảnngân hàng… của người dùng. Website của các ngân hàng là địa chỉ thường xuyên bị giả mạo nhất, khi truy cập những website này, người dùng được yêu cầu đăng nhập tài khoản và điền mật khẩu để tiến hành giao dịch. Nếu bạn trót nhập những thông tin này, kẻ gian sẽ sử dụng chúng để kiểm soát tài khoản của bạn.

Email lừa đảo

Email đã trở thành phương tiện liên lạc phổ biến của cư dân mạng hiện nay, nhưng đồng thời cũng là đích ngắm ưa thích của những kẻ lừa đảo qua mạng. Chúng thường gửi email đến một lượng lớn người dùng và chờ đợi những “con mồi” cả tin sa chân vào cạm bẫy mà chúng giăng sẵn.
Một hình thức lừa đảo qua email phổ biến là thông báo trúng thưởng. Tuy nhiên, với việc "núp bóng" giải thưởng, email này sẽ lừa được những ai "nhẹ dạ cả tin". Thậm chí, email còn chứa các tệp tin chứa virus hoặc các đường link chứa mã độc khiến người dùng phải "khóc thét".

Lừa đảo qua mạng xã hội

Ít ai truy cập hàng giờ trên Facebook mà không bị “bẫy” một lần bởi một quảng cáo hấp dẫn hoặc một liên kết khuyến khích bạn nhấp chuột như các đoạn video với tiêu đề “tuyệt vời, không thể tin được”.
Việc kích vào đường link trên vô hình chung tiếp tay cho việc tăng lưu lượng truy cập nhằm thu lợi bất chính của các đối tượng; nguy hại hơn, người dùng có thể bị đánh cắp mật khẩu và bị hack Facebook.
   Những ‘bẫy chết người’ với người dùng Internet - Ảnh 2

Những tin nhắn chứa virus hoặc mã độc trên Facebook

Với mỗi lần nhấp chuột, một phần mềm độc hại lây lan khắp nơi và mạng xã hộiFacebook với hơn 1 tỷ người dùng thì sự lây lan rất nhanh chóng và khủng khiếp.
Mặt khác, không ít người ăn "quả lừa" khi nhận được tin nhắn trên Facebook của bạn bè về việc nhờ nạp thẻ điện thoại. Sau khi mua thẻ, nhắn số thẻ cho "bạn" xong thì mới tá hỏa là tài khoản Facebook của bạn mình bị kẻ xấu chiếm đoạt và lợi dụng kiếm tiền.
Hãy bảo vệ chính mình trước những cạm bẫy lừa đảo tinh vi qua mạng
- Tỉnh táo nhận diện các email hay tin nhắn giả mạo chuyên đưa các thông tin giật gân, giải thưởng "béo bở" và yêu cầu bạn thực hiện nhiều thao tác như nhập thông tin, chuyển tiền trước để thực hiện quá trình nhận giải.
- Khi nhận thấy các tin giật gân, khiêu dâm trên mạng Internet, mạng xã hộimà có biểu hiện sai sự thật để câu view thì không bấm vào xem. 
- Với các hành vi giả danh bạn bè, người thân để nhờ nạp thẻ điện thoại, trước khi thực hiện cần có biện pháp kiểm tra (gọi điện thoại, hỏi người quen) trước để xác thực thông tin, danh tính.
- Tất cả các hoạt động tri ân khách hàng, trúng thưởng của nhà mạng viễn thông, mạng Internet chỉ đăng tải trên các website của các nhà mạng đó hoặc trên các kênh chính thống. Nếu người dùng nhận được thông báo từ một kênh thiếu chuyên nghiệp thì nên kiểm tra lại nguồn tin và có thể gọi điện trực tiếp tới đơn vị chủ quản để xác nhận.
- Không nên cung cấp cho bất cứ ai mật khẩu email hoặc Facebook, đặc biệt là qua nhắn tin. 
- Thoát tài khoản cá nhân như tài khoản Facebook, email... trên những máy tính dùng chung.
Kiều Hương 
Theo nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào: