Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

BỘ TRƯỞNG GD-ĐT GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ 2 KỲ THI SẮP TỚI



(VOV) -Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh những vấn đề trong đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ.
Bộ trường GD-ĐT Phạm Vũ Luận tham gia chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời để giải đáp thắc mắc, băn khoăn của học sinh trước hai kỳ thi sắp tới.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm nay là năm đầu tiên thực hiện quy định cho phép học sinh, thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Chúng tôi nhận được thư của một cô giáo gửi tới chia sẻ là mặc dù nhà trường đã tổ chức tập huấn ngắn nhưng các giáo viên trong trường vẫn còn lúng túng khi thực hiện quy định này. Vậy liệu có đảm bảo kỳ thi nghiêm túc hay không?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây đúng là năm đầu tiên áp dụng quy chế này vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng quy chế này đã được triển khai trong kỳ thi ĐH-CĐ năm ngoái.

Việc triển khai quy chế này năm 2012 khá trôi chảy, có kết quả  tốt và năm nay được triển khai ở cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ.
Chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông cũng như ý kiến các địa phương. Tuy nhiên chúng ta không nên đặt vấn đề là có quá nhiều thiết bị phức tạp, mà chỉ ngăn chặn thiết bị có phát hình phát âm trực tiếp vào phòng thi.
Việc phát hiện cũng khá đơn giản, với thiết bị phát hình thì kiểm tra xem có màn hình không, còn với thiết bị phát âm trực tiếp xem có loa hay không.
Nắm bắt được băn khoăn này, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này nhằm giúp nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia kỳ thi.
PV: Một học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp có hỏi là giả sử thấy có hiện tượng tiêu cực và tiến hành ghi âm, ghi hình thì liệu có đảm bảo an toàn hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về vấn đề này, tôi có hai lời khuyên dành cho học sinh.
Một là các cháu tập trung làm bài tốt nhất, còn đấu tranh chống tiêu cực không chỉ có phương pháp ghi hình, ghi âm mà ngoài ra còn nhiều phương pháp và công cụ khác nhau để chống tiêu cực.
Chống tiêu cực trong thi cử, trong giáo dục và các lĩnh vực khác của xã hội là công việc khó khăn, cần sự đồng tình, hỗ trợ vào cuộc của toàn xã hội. Thứ hai, về phía Bộ, chúng tôi chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo hành lang pháp lý trong chống tiêu cực gắn với tuyên truyền vận động để có sự đổi mới thực sự trong nhà trường.
PV: Trong công văn mới đây, Bộ GD-ĐT yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải thông tin tiêu cực, nhạy cảm. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu làm như vậy là vi phạm Luật Báo chí và hạn chế các cơ quan báo chí chống tiêu cực?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Vấn đề này tôi cũng đã có dịp trả lời bên hành lang Quốc hội và các phương tiện truyền thông đã đăng tải. Phải nói rằng trong công văn này, không có câu chữ nào ngăn cản và không có ý nào ngăn cản đăng tải thông tin tiêu cực.
Xuất phát từ thực tiễn trong những năm qua, trên phương tiện truyền thông, bên cạnh thông tin tốt, có thông tin chống tiêu cực đã được đăng tải. Tuy nhiên có một số thông tin được đăng vội vàng, không chính xác, thiếu cân nhắc.
Ví dụ thông tin lộ đề, trong lúc các cháu đang làm bài. Cả xã hội quan tâm mà đăng thông tin như vậy mà thông tin đó không được kiểm chứng, thiếu chính xác thì không có lợi cho thi cử, diễn biến tâm lý thí sinh cũng như đánh giá của xã hội với ngành giáo dục.
Chúng tôi chỉ đề nghị các địa phương tạo điều kiện phối hợp trao đổi với báo chí khi thông tin và đề nghị cơ quan báo chí có trao đổi, cân nhắc kỹ trước khi đăng tải.
Khi thông tin đã được cân nhắc kỹ, chính xác thì báo chí cứ đăng. Thậm chí năm nay chúng tôi cho phép học sinh mang thiết bị ghi băng, ghi hình vào cùng với báo chí triển khai chống tiêu cực. 
PV: Theo thống kê, số hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH-CĐ năm nay giảm trên 100.000 hồ sơ, tương đương mức giảm 6%, mức giảm mạnh nhất là khối quản trị kinh doanh. Trong khi đó ngành khoa học giáo dục nhân văn, nông lâm thủy sản số hồ sơ đăng kỳ lại tăng cao. Bộ trưởng nhận định như thế nào về sự thay đổi này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đánh giá tổng quát, đây là tín hiệu đáng mừng khi có sự thay đổi trong nhận thức của các cháu học sinh khi cân nhắc khối ngành và trường đăng ký dự thi.
Thứ nhất, do công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã khống chế được tỷ lệ sinh. Những năm trước, số học sinh bậc học tiểu học, trung học cơ sở giảm, nên giảm số lượng học sinh đăng ký dự thi ĐH-CĐ cũng giảm.
Thứ hai, kết quả việc phân luồng đào tạo. Đây là kết quả của tổng hợp của nhiều ngành nhiều cấp, trong đó có ngành giáo dục.
Thứ 3, nhiều chính sách, chương trình của Đảng, Chính phủ phát huy hiệu quả. Ví dụ chương trình dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, hàng loạt lĩnh vực đào tạo nghề được mở ra, thu hút lượng lớn học sinh phổ thông tham gia, làm giảm số lượng dự thi ĐH-CĐ. Còn việc giảm số lượng dự thi vào ngành quản trị kinh tế, đây cũng là tín hiệu mừng.
Sau khi chúng tôi phát đi cảnh báo là số lượng sinh viên tốt nghiệp những trường này đã bão hòa, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các em đã nhận thức rõ về việc chọn trường.
Việc tăng số lượng học sinh dự thi vào ngành khoa học, công nghệ, nông lâm thủy sản cho thấy, đây là tín hiệu tốt, vì những ngành này tạo nên nền tảng của sự phát triển của xã hội.
Tôi chỉ băn khoăn là số hồ sơ dự thi vào ngành khoa học giáo dục còn đông.
Rất cảm ơn các cháu yêu quý ngành sư phạm, nhưng phải nói rằng, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm lớn, trong khi sự tiếp nhận của các cơ sở giáo dục có hạn.
Nguyên nhân là vì phải tùy thuộc vào số lượng giáo viên nghỉ hưu và số lượng học sinh giảm theo từng năm nên việc tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp không nhiều. Nhưng cũng rất mừng là cách lựa chọn ngành nghề và trường dự thi các cháu đã cân nhắc dựa trên diễn biến của thị trường lao động.
PV: Thưa Bộ trưởng, hai kỳ thi quan trọng đang đến rất gần. Vậy đến nay công tác chuẩn bị của Bộ đã hoàn thành đến đâu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chúng tôi đã có các đoàn đi công tác các địa phương. Có thể nói, cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ có một vài điểm các thầy cô giáo ở khối phổ thông năm nay triển khai lần đầu quy chế thì còn băn khoăn. Điều này sẽ được bổ sung hoàn thiện và có công văn hướng dẫn.
Chúng tôi cũng đã phối hợp nhà trường, gia đình, lực lượng xã hội khác, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh yếu kém để hoàn thành kỳ thi.
Những rà soát liên quan đến quy chế để thực hiện mùa thi tốt đã được làm. Chúng tôi tiến hành năm nay chấm kiểm tra, giao cho chủ tịch hội đồng thi các trường, sẽ có chấm kiểm tra để có chỉ đạo kịp thời, đồng thời việc chấm thẩm định tra cũng sẽ được triển khai tiếp với quy  mô và phạm vi rộng lớn hơn và việc công bố kết quả sẽ công khai ơn.
Hy vọng, với sự chuẩn bị sẵn sàng cả về cơ sở vật chất, tâm thế của thầy và trò cũng như sự phối hợp giúp đỡ của các bộ ngành như: Công an, điện lực, chính quyền các địa phương thì hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ sẽ diễn ra tốt đẹp.
PV: Có nhiều bậc phụ huynh và học sinh gửi thư đến chương trình mong được Bộ trưởng chia sẻ về định hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ năm nay. Bộ trưởng có nhắn gửi gì tới các thầy cô giáo, phụ huynh và thí sinh trước kỳ thi?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về cơ bản, đề thi sẽ được ra trong chương trình THPT và nằm nhiều trong chương trình lớp 12. Đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố học sinh.
Với môn thuộc xã hội nhân văn sẽ theo hướng mở, không yêu cầu học sinh học thuộc một cách máy móc.
Đề thi tuyển sinh đại học có yêu cầu khác nữa là phân loại trình độ học sinh để tuyển chọn nên tcó câu khó hơn. Những chủ trương trong đổi mới giáo dục sẽ được triển khai tốt.
Tôi nghĩ, thí sinh bình tĩnh học thực chất, căn bản, học và hiểu, chú ý khả năng vận dụng, khả năng sáng tạo thì bài thi tốt và đáp ứng yêu cầu.
Học sinh cần giữ bình tĩnh, tự tin, giữ gìn sức khỏe, học điều độ, khoa học. Khi vào làm bài đọc kỹ đề, câu dễ trước, câu khó sau. Làm bài một cách trung thực, tự vượt qua bản thân mình.
Đối các thầy cô giáo, mong các thầy cô với tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, tuân thủ đầy đủ quy chế tạo điều kiện cho các cháu làm bài trong môi trường nghiêm túc, từng bước đấu tranh chống tiêu cực, giành lại lòng tin của học sinh, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Năm nay ngành giáo dục và đào tạo kỷ niệm 45 năm, Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục.
Trong thư, Bác dặn nhiều điều nhưng có một câu “Dù khó khăn đến đâu vẫn phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”. Nhân dịp này, chúng tôi muốn nhắn nhủ tới các thầy, cô giáo và học sinh cả nước luôn nhớ và quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

    Không có nhận xét nào: