Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Nhiều người đeo kính cận oan


Đo thị lực khi khám sức khỏe định kỳ, chị Ly được kết luận là cận 1,25  đi ốp và cần đeo kính. Nhưng mỗi lần đeo cặp kính, chị lại thấy đau đầu, chóng mặt, thậm chí nhìn mờ hơn. 
Nghĩ mình mới dùng chưa quen nên thấy đau đầu, mỗi ngày chị Ly (Cầu Giấy, Hà Nội) lại mang kính ra đeo, lần sau nhiều thời gian hơn lần trước, nhưng tình trạng chóng mặt vẫn không cải thiện. Chị đến phòng khám mắt của bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra lại, bác sĩ cho biết chị không hề bị cận thị nên không cần đeo kính.
Qua trao đổi biết chị phải làm việc liên tục với màn hình máy tính, bác sĩ giải thích có thể do nhìn gần nhiều, căng thẳng nên mắt chị bị rối loạn điều tiết. Chỉ cần để cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn sau một khoảng thời gian làm việc nhất định là ổn. 
may-1374291651_500x0.jpg
Đo khúc xạ  bằng máy tại khoa mắt, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: MT. 
Thạc sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khá nhiều bệnh nhân từng được kết luận cận thị đến khám cho kết quả mắt bình thường. Một số người mắt không cận lại đeo kính cận có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt, nhưng nhiều người khác thường không có dấu hiệu gì đặc biệt.
Bác sĩ cho biết, mắt người là một hệ thống quang học phức tạp. Người bình thường, trong trạng thái nghỉ không điều tiết thì ảnh của vật ở xa (khoảng cách từ 5 mét trở lên) sẽ đi qua các môi trường trong suốt rồi hội tụ trên võng mạc và mắt sẽ nhìn rõ vật. Khi vật ở gần hơn, nếu không điều tiết thì ảnh sẽ rơi ra sau võng mạc. Lúc đó nhờ có điều tiết (các cơ thể mi co lại làm phồng thủy tinh thể) công suất hội tụ tăng lên để kéo ảnh của vật từ sau võng mạc rơi lên đúng võng mạc giúp cho mắt nhìn rõ. Như vậy mắt luôn nhìn rõ vật ở gần cũng như ở xa.
Đối với mắt cận thị, do công suất khúc xạ của giác mạc hoặc thủy tinh thể quá cao hoặc trục nhãn cầu quá dài làm cho ảnh của vật rơi về phía trước võng mạc khi không điều tiết nên không nhìn rõ những vật ở xa. 
Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ là cận thị giả, hay còn gọi là co quắp điều tiết. Khi nhìn ở cự ly gần, cơ thể mi co lại (điều tiết) để làm phồng thủy tinh thể  tăng công suất hội tụ giúp cho ảnh của vật rõ nét trên võng mạc. Ở trẻ em, do cấu trúc của thủy tinh thể còn mềm nên khả năng điều tiết rất lớn, biên độ điều tiết có thể lên đến 14 đi ốp. Một số trẻ nhìn gần thời gian dài, mắt không được nghỉ dẫn đến cơ thể mi bị co quắp không duỗi ra được khi nhìn xa. Đây là trạng thái cận thị giả. Nếu đi khám và đo khúc xạ lúc này, bác sĩ có thể kết luận bệnh nhân bị cận thị và chỉ định đeo kính cận, lâu ngày sẽ trở thành cận thị thực sự. Thực tế, những trường hợp này, sau khi được nghỉ ngơi hợp lý, các cơ thể mi trở về trạng thái bình thường sẽ hết cận. 

Một trường hợp mới khám tại khoa mắt gần đây là điển hình. Bố mẹ trẻ cho biết, từ ngày được nghỉ hè, cháu hay xem TV và chơi game, sau đó kêu mỏi mắt và nhìn mờ. Gia đình đưa con đi khám thì tá hỏa khi được kết luận bé cận tới 6 đi ốp và phải đeo kính ngay. Vừa lo lắng vừa băn khoăn vì từ trước tới nay con luôn nhìn rõ, mà mới một thời gian ngắn đã cận nặng như vậy, bố mẹ đưa cháu bé đi khám lại tại khoa mắt bệnh viện Bạch Mai. Ở đây, sau khi khám bác sĩ cho biết mắt cháu không hề bị cận. Có thể do nhìn gần nhiều quá trước TV, máy tính nên cháu có hiện tượng cận thị giả. 
Theo bác sĩ Lê Việt Sơn, phân biệt cận thị thực sự hay cận thị giả không quá khó với thầy thuốc chuyên khoa mắt. Chỉ cần nhỏ thuốc liệt điều tiết, nếu mắt trở lại bình thường thì là cận thị giả. Theo quy trình khám cận thị, bác sĩ cần loại trừ nguyên nhân bệnh nhân bị rối loạn điều tiết bằng việc nhỏ thuốc liệt điều tiết vào mắt, đợi khoảng 45 phút đến một tiếng đo thị lực mới chính xác. Đôi khi vì người bệnh sốt ruột, bác sĩ quá bận nên thường bỏ qua bước này. "Việc kết luận vội vàng bệnh nhân là cận thị rồi cấp đơn kính sai. Người bình thường đeo kính cận có thể bị đau đầu, chóng mặt nhưng cũng có thể các ảnh hưởng về thị lực cho bệnh nhân diễn ra âm thầm, từ từ, khó nhận biết", bác sĩ nói.
Ngoài ra, theo ông, ngay cả những trường hợp cận thị thực sự cũng không phải lúc nào cũng cần đeo kính và đeo thường xuyên. 
Bác sĩ khuyên, đeo kính giúp người cận thị đạt được thị lực nhìn xa tốt để học tập, lao động và sinh hoạt bình thường. Những người cận dưới 0,75 đi ốp thì không cần đeo kính. Những trẻ cận thị từ 2,5 đi ốp trở xuống chỉ nên đeo kính khi nhìn xa, học bài trên lớp để nhìn rõ bảng. Khi học bài, đọc sách ở nhà nên bỏ kính để mắt đỡ điều tiết, hạn chế sự tăng số. Với trẻ dưới 15 tuổi có độ cận từ 3 đi ốp trở lên thì cần thiết sử dụng 2 kính: Kính đủ số dành cho nhìn xa, kính đọc sách có số thấp hơn kính nhìn xa khoảng 2-2,5 đi ốp.
Vương Linh
Theo vnexpress.net

Không có nhận xét nào: