Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Buộc Formosa dỡ miếu thờ: Phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam

 Sau khi đình chỉ việc xây miếu thờ, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu Formosa phải tháo dỡ.


Theo đó ông Hồ Anh Tuấn, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh  cũng cho biết: việc vi phạm xây miếu thờ của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã báo cáo đầy đủ với UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông ông Nguyễn Thanh Bình, bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - việc Formosa xây miếu thờ sai phạm sẽ xử lý dứt khoát. Sau khi đình chỉ xây dựng miếu thờ, tỉnh Hà Tĩnh sẽ yêu cầu phía Formosa phải tháo dỡ.
Hà Tĩnh sẽ yêu cầu phía Formosa phải tháo dỡ miếu thờ
Hà Tĩnh sẽ yêu cầu phía Formosa phải tháo dỡ miếu thờ
Ông Bình giải thích trước đây đồng ý cho Formosa xây miếu thờ vì ở Đồng Nai Formosa cũng xây miếu, nên Formosa cứ nghĩ Hà Tĩnh cũng như nơi khác nên mới thực hiện.
"Việc xây miếu thờ của Formosa là không được. Tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương, kiểm tra và đình chỉ một cách nghiêm túc...", ông Bình khẳng định.
Chủ quyền Việt Nam
Cũng liên quan đến việc Formosa xây miếu thờ, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: tôn trọng đời sống tâm linh nhưng phải phân biệt giữa người nước ngoài cư trú lâu dài với lao động có thời hạn. Nếu chính quyền cho phép xây dựng thì phải có quy chế, tránh phát sinh hiện tượng tương tự ở nhiều nơi, gây hậu quả khôn lường.
"Chúng ta không cản trở tâm linh song người Trung Quốc cần hành xử, coi trọng chủ quyền Việt Nam. Tôi không đồng tình việc xây miếu vì công trình văn hóa trên đất nước nào cũng cần tuân theo quy định chung", ông Dương Trung Quốc nói thẳng.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài song không phải bằng mọi giá. Tỉnh Hà Tĩnh cần phải lấy ý kiến của các ngành chức năng về vấn đề này.
"Có một số người Hoa lao động ở đây, chúng ta tôn trọng tín ngưỡng của họ nhưng không nhất thiết phải xây dựng miếu mạo, đền chùa. Thử hỏi nếu cộng đồng người Việt sinh sống ở Trung Quốc cũng đưa ra đòi hỏi tương tự thì chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý như thế nào?", ông Dương Trung Quốc đặt ngược vấn đề.
Cũng chung quan điểm này, đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chính quyền, ngành văn hóa phải vào cuộc cùng xem xét việc xây dựng miếu thờ tại Formosa Hà Tĩnh.
"Để một nhà đầu tư xây miếu thờ trên đất Việt Nam thì phải nghiên cứu thận trọng. Tôi nghĩ nhà đầu tư nào cũng phải tuân thủ các quy định trên đất nước Việt Nam, nhất là công trình văn hóa", ông Lê Như Tiến nói.
Từ tháng 6, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã đề xuất xây dựng miếu thờ trong dự án, với nội dung: “Để an ủi phần nào tâm linh của người dân quanh vùng và nhân viên trong khu vực nhà máy, Công ty FHS quy hoạch xây dựng miếu thờ ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính và phía trước bên phải khu nhà 9 tầng. Diện tích miếu thờ khoảng 18 m2; chiều rộng 3,6 m; chiều dài 5,1 m; cao 4,5 m”.
Ngày 11/7, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra thông báo không đồng ý đề xuất xây miếu thờ trong dự án của Formosa và yêu cầu các sở ban ngành cấp tỉnh và huyện Kỳ Anh làm việc để dừng việc xây miếu; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung trên và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, phía Formosa vẫn không tôn trọng ý kiến của các cơ quan chức năng địa phương, tiếp tục xây miếu thờ trong dự án và đã hoàn tất phần thô.
Cách hành xử của Formosa
Đây không phải là một đề xuất của Formosa Hà Tĩnh được xem là vô lý.
Kiến nghị mới nhất của doanh nghiệp Đài Loan là được giữ lại 30% phí luồng vào cảng mà công ty này đang phải trích nộp cho Nhà nước.
Cụ thể, trong văn bản vừa gửi các cơ quan trên, Formosa nói rõ theo quyết định số 65 /2006/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành về việc ban hành mức trích nộp phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác thì doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp 30% tổng số thu phí bảo đảm hàng hải hàng năm tại luồng hàng hải của doanh nghiệp để đóng góp vào công tác bảo đảm an toàn hàng hải chung quốc gia.
Tuy nhiên, Formosa cho rằng vì doanh nghiệp này tự đầu tư xây dựng, duy tu luồng cảng Sơn Dương và phương tiện phục vụ hỗ trợ luồng, giảm nhẹ gánh nặng cho công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (thuộc Bộ GTVT) nên có thể xem xét miễn giảm tất cả phí bảo đảm hàng hải giao nộp.
“Công ty Gang thép Formosa Hà Tĩnh muốn xin xem xét tình hình thực tế, mong được miễn giảm 30% phí bảo đảm hàng hải”- văn bản của Formasa gửi các bộ ngành kiến nghị.
Gần đây Công ty Gang thép Formosa Hà Tĩnh còn đề xuất với cơ quan quản lý về việc lập đội tàu chạy trong nội thủy Việt Nam.
Đơn vị này dự kiến đội tàu sẽ không chở hàng bên ngoài, cũng không nhằm mục đích kinh doanh, do đó không ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng vận tải khác.
Trước đó, Công ty TNHH Hưng Nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh cũng đã xin một số ưu đãi, trong đó có kiến nghị vượt khung là thành lập đặc khu kinh tế riêng. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị Chính phủ từ chối.
Trước nhiều đề xuất của xin ưu đãi của Formosa, trao đổi với Đất Việt Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: "Cứ đúng theo luật quy định của pháp luật Việt Nam mà làm. Nếu không đúng theo quy định thì không duyệt".
Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, đến tháng 9/2014, tổng số lao động nước ngoài tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5.321 người, trong đó lao động Trung Quốc là 3.680 người.
Trước khi xảy ra vụ xô xát vào tháng 5, tổng lượng lao động làm việc tại Formosa là khoảng 26.000 người, trong đó số lượng lao động Trung Quốc là gần 5.000 người.
Phương Nguyên

Theo baodatviet.vn

Không có nhận xét nào: