Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Chuyện lạ: Lão nông bỏ gần... 2 triệu USD làm từ thiện

“Thoát xác” từ một kẻ bần nông, ông Đặng Hữu Nghĩa vươn lên làm giàu từ những mảnh đất khô cằn, phá rừng làm nương rẫy. Có trong tay khoảng 100ha cao su, mỗi năm thu về vài tỷ đồng nhưng bao nhiêu năm tích góp, ông không xây biệt thự, không mua ô tô… hay chơi sang theo kiểu đại gia, mà ông lấy toàn


Gian truân từ những bước đi đầu đời
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn tỉnh Tây Ninh, tiếp giáp với vùng biên giới Campuchia, gia đình ông Đặng Hữu Nghĩa (83 tuổi, ngụ xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành) đã trải qua biết bao sóng gió cuộc đời. Ở những giai đoạn khó khăn đó, gia đình nào khá giả nhất cũng chỉ lo được hai bữa cơm sống qua ngày, còn được học hành là chuyện hiếm ở nơi đây.
Trước đó, cha mẹ ông là dân buôn bán bên biên giới Campuchia nhưng do công việc không được thuận lợi nên đành phải về Tây Ninh làm ăn từ những năm 1946. Mỗi bữa cơm hàng ngày mà gia đình ông Nghĩa ăn không phải là “cơm lành, canh ngọt” mà chỉ toàn là củ mì. Nhưng củ mì cũng không phải có sẵn, mà các an hem trong gia đình ông Nghĩa phải vào tận trong rừng sâu, đi từ sáng sớm đến tận trưa mơi có thể mang về cho gia đình.
Là người con út trong gia đình có đến 6 anh em, ông Nghĩa luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng bởi gia đình thì nghèo, ba mẹ và các anh chị phải nai nưng kiếm ăn từng bữa, ông biết ba mẹ ông đặt tất cả niềm tin vào ông.
Trong số 6 người con, ông là người duy nhất ba mẹ cho đi học. Là người thông minh lại chịu khó nên ông nhanh chóng tiếp thu những kiến thức phổ thông. Trong lớp học, ông là người rất giỏi về những môn xã hội như Văn học, Sử học, Địa lý. Vào thời điểm đó, những bài văn của ông thường được đọc tuyên dương trong buổi lễ chào cờ của trường.
Hằng ngày ông Nghĩa phải đi bộ trên quãng đường hơn 7km để tới trường, hành trang của ông chỉ có một cuốn tập cũ kĩ và một củ khoai mì ăn lót dạ. Nhìn lại, ông thấy trong gia đình, anh em ai ai cũng đi làm phụ giúp cha mẹ, còn mình thì học hành chưa chắc gì đã thành tài nên khi ông vừa tròn 20 tuổi, học tới địa thất thì ông đã xin gia đình cho đi tu theo đạo Cao Đài ngay tại Tây Ninh, để “làm lành, lánh dữ”, giúp đời bằng tình yêu thương vạn loại và không làm phiền lòng cha mẹ.
Với sự thông minh và tài năng vốn có, ở tuổi 25, ông đã làm quận trưởng trong đạo thánh Cao Đài. Nhạc trượng của ông cũng là đồng phận trong đạo, thấy ông Nghĩa là người năng động, chịu khó nên ưng ý và trao đứa con gái mình cho ông Nghĩa chăm sóc.
“Cây đã tới mùa đơm bông kết trái thì phải thuận theo duyên thôi”, ông Nghĩa vui vẻ chia sẻ. Sau vài lần gặp gỡ, ông kết ngay người phụ nữ hiền hậu, biết quan tâm chăm sóc từng li từng tý. Không chần chừ, ông và bà Lê thị Hảo tổ chức một đám cưới nho nhỏ nhưng chứa chan niềm vui, hạnh phúc.
Chuyện lạ: Lão nông bỏ gần... 2 triệu USD làm từ thiện - Ảnh 1

Vợ chồng ông bà Đặng Hữu Nghĩa - Lê Thị Hảo.

Thời gian sống hạnh phúc bên vợ chưa được bao lâu thì ông Nghĩa lại lên đường đi học tại Bảo Lộc mất 1 năm, học xong ông về công ty nông nghiệp Biên Hòa làm việc trong 5 năm. Tại đây, ông đại diện cho Hội Nông cơ đọc bài diễn văn yêu cầu: “Đại lý quận trưởng và tất cả các quý xã giúp cho lớp huấn luyện nông cơ này, toàn thể nhân dân phải nắm bắt cho được cách sử dụng máy móc, để sau này dùng máy móc thay cho sức lao động như trâu, bò để tăng gia sản xuất”.
Đến năm 1973, ông bắt đầu qua công ty Nhật làm việc, cuộc sống có phần ổn định vì giá trị đồng tiền và phần thưởng của công ty Nhật rất cao. “Lúc này gia đình của tôi toàn ăn những món ăn Nhật không à”, ông kể.
Được vài tháng thì ông trở lại làm việc tại công ty Việt Nam. Trong những năm 1975 và 1976, ông được lên làm Phó phòng cơ khí thành phố, tất cả các mặt hàng vật tư do chính tay ông thu mua hết và trở ra khu công nghiệp Hà Nội để triển lãm.
Thời gian thấm thoát trôi qua, cuộc sống gia đình lại càng đè nặng hơn khi ba người con ông lần lượt qua đời. Công việc không còn thuận buồn xuôi gió, nhưng ông tự nhủ với bản thân dù cuộc sống khó khăn nhường nào thì cũng phải ráng mà lo được cho cả ba người con ăn học thành tài. Đến tuổi trưởng thành, các con của ông được người quen giúp đỡ nên đã lên đường sang Mỹ làm việc.
“Tụi nó đi mà tôi đâu có biết đâu, tới chừng biết là tôi khóc quá trời luôn”, ông Nghĩa chia sẻ.
Hơn 60 tuổi, ông nghỉ hưu và vào Tòa thánh Tây Ninh làm công quả, lúc này ông đặt ra cho mình quan niệm: “Muốn làm việc xã hội thì cần phải có cái cơ sở sản xuất ra tiền để làm từ thiện, chớ còn nhổ râu ông này cắm cằm bà kia thì đó không phải là từ thiện nữa”, ông chia sẻ.
Khi đó, cả ba người con của ông đều đã định cư bên nước ngoài, có sự nghiệp riêng. Hàng tháng, họ đều trích một khoản gửi về cho cha mẹ ở quê nhà để an dưỡng tuổi già. Về phần ông Nghĩa, hai vợ chồng già chắt chiu sống, lại không phải chi phí gì nhiều nên toàn bộ tiền con cái gửi về, ông đều để dành. Song trong tâm khảm ông luôn đau đáu một suy nghĩ, phải làm cái gì đó để có cơ sở thực hiện công tác từ thiện.
Nghĩ là làm, ông bàn với vợ dùng toàn bộ số tiền đi mua đất, trồng cao su. Ban đầu là vài hécta, rồi vài chục hécta. Sau gần 10 năm góp gió thành bão, đến nay vườn cao su của ông đã có diện tích lên đến 100 hécta.
Với thu nhập khá từ vườn cao su, ông có thể yên tâm dốc hết sức mình cho công tác thiện nguyện. Việc đầu tiên ông làm là hướng đến những số phận nghiệt ngã, từ các em học sinh nghèo cho đến những em học sinh chưa được cắp sách tới trường. Khi thu hoạch mùa cao su đầu tiên, số tiền lợi nhuận chẳng được bao nhiêu nhưng ông đã không màng đến và cho hết những trẻ em không được đi học ở vùng xâu, vùng xa.
Cứ như thế đều đặn mỗi năm, ông đều gửi từ 50 đến 100 triệu làm học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó và hàng năm, ông còn gửi 50 triệu tặng các chiến sĩ Trường Sa.
Vốn là một người con cảu đạo Cao Đài, ông bà đã không ngần ngại xây cho Tòa thánh một tòa thánh thất với kinh phí 12 tỷ đồng. Song đối với ông, đó chỉ như một sự đền đáp lại ân nghĩa mà “ơn trên” đã ban cho con dân mình, như lời ông nói.
Trong câu chuyện bên chén trà, nhiều lần ông tâm sự về duyên cớ đã đưa hai vợ chồng mình đến với công việc thiện nguyện cao cả này: “Hồi đó, nhà tôi nghèo khổ lắm. Không có cơm mà ăn đâu, gia đình lại chạy giặc về vùng đất sỏi này nè, không nhà không cửa, học hành cũng chẳng tới đâu, may mà nhờ mấy đứa con kiên trì học hành và giờ đều thành đạt, tôi đã an ủi được phần nào. Nên giờ tôi chỉ có tâm nguyện là làm sao giúp được nền giáo dục nước mình phát triển mạnh. Tôi còn sống ngày nào là tôi làm từ thiện ngày đó à”.
Còn sống là còn giúp đời
Trong suốt hành trình làm từ thiện của mình, ông Nghĩa luôn tâm niệm: Còn sống là còn giúp đời. Chính vì vậy, khi nghe hỏi “Ông đã nhận lại được gì?”, ông khẽ cười và bảo: “Những việc tôi làm là momg muốn giúp được những người xung quanh mình thoát khỏi cái nghèo, không mong nhận lại thứ gì. Điều quan trọng là, mong rằng các thế hệ mai sau được học hành tới nơi tới chốn, để giúp đất nước mình giàu mạnh hơn”.
Cái nghĩa mà ông dành cho cuộc đời này có lẽ sẽ không bao giờ cạn, bởi ngay lúc này, khi tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn miệt mài với những chuyến đi từ thiện. Gần 20 năm nay, cứ vào đầu mùa năm học mới, ông Nghĩa lại tất bật chuẩn bị 20 chiếc xe đạp và nhiều phần quà tặng cho các em học sinh nghèo vượt khó ở khắp các xã, huyện, tỉnh tại Tây Ninh. Chưa hết, mỗi mùa thu hoạch cao su là ông lại gửi tiền và viết thư hỏi thăm các chiến sĩ Trường Sa; tặng hàng trăm triệu đồng cho các đồng bào bị thiên tai, lũ lụt tại miền Trung.
Vào đầu năm 20112, ông Nghĩa và ông Lê Văn Lũy - chủ tịch UBND huyện Hòa Thành có lên kế hoạch tu bổ và xây dựng lại trường mần non có tên là Hiệp Định: “Ngôi trường này lúc trước nhỏ lắm, được xây theo kiểu tạm bợ thôi à! Nhìn thấy các cháu học như thế, tôi thấy xót xa lắm, nên dù là lúc đang thiếu tiền, tôi vẫn cho khởi công xây dựng lại trường”, ông Nghĩa chia sẻ.
“Ông Năm Nghĩa là người đóng góp nhiều nhất cho tỉnh Tây Ninh, huyện Hòa Thành và xã Trường Hòa. Ngoài ngôi trường mần non 8 tỷ đồng, vào mỗi năm học mới, ông lại mua từ 10-20 chiếc xe đạp kèm một phần quà tặng các em học sinh nghèo, góp tiền làm đường, giúp các gia đình khó khăn… Tính ra mỗi năm, ông Năm Nghĩa góp cả tỷ bạc chứ không ít. Bất cứ lúc nào cần hỗ trợ, và sẵn tiền là ông bỏ ra ngay không đắn đo”, ông Nguyễn Ngọc Thuận – chủ tịch UBND xã Trường Hòa cho biết.
Cô Thu Hương – Hiệu trưởng trường mầm non Hiệp Định cho biết: “Trường này hiện là một trong những trường mầm non tốt nhất của huyện, từ cơ sở vật chất đến việc chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Bên cạnh đó, do đây là ngôi trường ưu tiên cho các cháu con nhà nghèo, khó khăn nên học phí rất thấp”.
Chuyện lạ: Lão nông bỏ gần... 2 triệu USD làm từ thiện - Ảnh 2

Ngôi trường mầm non Hiệp Định được ông Năm Nghĩa đầu tư hơn 8 tỉ đồng.

Ban đầu, ông Năm Nghĩa không đủ tiền, ông đứng ra vay thêm ngân hàng 3 tỷ đồng để xây dựng lại trường Mầm non Hiệp Định. Hơn một năm sau, ngôi trường khang trang đã được khánh thành vào những ngày đầu tháng 9/2013. Đây là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia với 1 tầng trệt, 1 tầng lầu với 10 phòng học và 6 phòng chức năng. Ngoài 8 tỷ đồng xây dựng trường học, ông Nghĩa còn chi nhiều khoản tiền để tu bổ lại những con đường xung quanh trường khang trang hơn.
Ánh hoàng hôn buông xuống cũng là lúc chúng tôi chào tạm biệt ông Năm Nghĩa, ông luôn nhắn lại với chúng tôi rằng hãy cố gắng làm những gì có thể để giúp cho những số phận nghèo khổ được cắp sách tới trường và làm sao cho nền giáo dục càng phát triển hơn.
“Thật ra tôi đang muốn thực hiện một dự án là xây dựng một phòng khám từ thiện phải mất gần 16 tỷ đồng. Nhưng dạo này giá cao su thấp quá nên dự án vẫn chưa được thực hiện”, ông Nghĩa chia sẻ. Với ông Nghĩa, chắc hẳn rằng ông đã một phần nào được an ủi về những việc làm của mình, hy vọng rằng ngày mai đây, giá cao su sẽ tăng trở lại để ông có thể thực hiện được mong muốn của mình.
Thùy Dương-Thảo Xanh
Theo nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào: