Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Bộ trưởng KH-CN yên tâm khi ngồi thử tàu ngầm “made in Việt Nam”

“Nhiều người cũng nói rằng vì sao tôi lại dám ngồi vào tàu ngầm đó?. Vì tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ của những người làm khoa học”


Tại phiên chất vấn sáng nay 19/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân về vấn đề liên quan đến việc chế tạo tàu ngầm, tàu lặn của một số nhà khoa học và người dân, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, riêng về tàu ngầm và tàu lặn, trong thời gian qua có 3 địa chỉ được quan tâm tàu của ông Nguyễn Phúc Hòa (Thái Bình), tàu ngầm của ông Phan Bội Trân (TP HCM) và tàu ngầm Hòa Bình của một số nhà khoa học, doanh nhân thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân (ảnh: TNO)
“Đảng, Nhà nước và Bộ KHCN luôn trân trọng những sáng kiến cải tiến của người dân nếu nó đáp ứng được yêu cầu của sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đã bước vào thế kỷ 21 được hơn 10 năm và đang hội nhập quốc tế rất sâu rộng nên mọi sản phẩm cung ứng ra xã hội phải có giá trị nhất định và được xã hội chấp nhận”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ thường xuyên hỗ trợ cho người dân có sáng kiến thông qua các chợ thiết bị công nghệ, mời những nông dân này đến để giới thiệu sản phẩm của họ với cộng đồng, để các doanh nghiệp đầu tư. “Rất nhiều nông dân đã có những sản phẩm được ứng dụng rộng rãi, thậm chí họ đã trở thành các doanh nhân thành đạt”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trong việc chế tạo tàu ngầm, máy bay, ngoài yếu tố đơn thuần là phương tiện giao thông thì đây là những phương tiện liên quan đến an ninh quốc phòng, nên việc chế tạo, sử dụng  phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Chúng tôi đã cử cán bộ đến làm việc với những người nông dân có sáng kiến. Có một số người hợp tác, chia sẻ với chúng tôi, nhưng rất tiếc trong quá trình đó có một số bà con cứ lặng lẽ làm, cơ quan quản lý không được biết. Đến khi sản phẩm đưa ra sử dụng, cơ quan quản lý tham gia thì cũng không can thiệp được vì thiết kế đã làm rồi, không thể thay đổi được nữa”- Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của các nhà khoa học”
Riêng về tàu ngầm Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, đây là sản phẩm của một nhóm chuyên gia thuộc Vinashin. Trong thời điểm tổng công ty này khó khăn không có việc làm, nhưng với sự đam mê, nhóm những chuyên gia này đã tự bỏ vốn,  thiết kế tàu lặn. Tàu này có tính năng rất tốt, có thể chở được 4 người, lặn tối đa 2 ngày, ở độ sâu tối đa 50m.
Nhóm này cũng đã mời các cơ quan đăng kiểm của GTVT, KH-CN và đại diện Bộ Quốc phòng tham gia. Họ mời cả đăng kiểm của Đức kiểm tra ngay từ khâu thiết kế. Việc kiểm tra thành công, tàu có thể được dùng để kiểm tra chân đế giàn khoan, phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn…
“Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực này của nhóm thiết kế. Một  tàu lặn như thế họ đã bỏ vốn 28 tỷ đồng. Bộ KH-CN đã quyết định hỗ trợ họ 5 tỉ đồng, nhưng đến nay do khó khăn về chứng từ, chúng tôi mới chỉ quyết toán được 3 tỉ đồng, khoảng 10% giá trị con tàu. Con tàu này tính ra USD chưa đến 1,5 triệu, trong khi tàu lặn mua ở nước ngoài có giá 5-7 triệu USD, nếu chỉ thuê để kiểm tra các giàn khoan thì giá thuê 3 năm còn đắt hơn giá mua con tàu. Vì thế, chúng tôi thấy rằng đây là một hướng đi rất triển vọng”- Bộ trưởng Quân nói.
“Nhiều người cũng nói rằng vì sao tôi lại dám ngồi vào tàu ngầm đó?. Vì tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ của những người làm khoa học với sự bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm nước ngoài. Chúng tôi đã kiểm tra tàu có nhiều thông số tốt hơn so với thiết kế ban đầu”, Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng khuyến khích người dân khi có ý tưởng nghiên cứu khoa học nên phối hợp với Bộ KHCN, với cơ quan quản lý để sản phẩm của họ khi làm ra được kiểm tra, đánh giá và được hỗ trợ tìm thị trường, hỗ trợ vốn sản xuất…/.
Theo Minh Hòa- Thanh Hà/VOV.VN

Không có nhận xét nào: