Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Nguyên nhân gà đồi Yên Thế... thất thế tại Hà Nội

Theo chương trình ký kết giữa Hà Nội và Bắc Giang, một loạt các siêu thị tầm cỡ tại Thủ đô được phân công nhiệm vụ tiêu thụ gà đồi Yên Thế như hệ thống siêu thị Hapro, Co.opmart, Hiway, Fivimart…
Tuy nhiên, dạo quanh các siêu thị, hiện sản phẩm này không bán hoặc bán với số lượng rất ít.
Một số đại diện các siêu thị cho biết: Nguyên do là sản phẩm này bán không chạy, mỗi ngày chỉ bán được số lượng ít, không đáng là bao so với các sản phẩm tươi sống khác. 
Theo chị Trần Thị Huyền, Tổ trưởng Marketing, siêu thị Co.opmart Hà Đông: 
Bình quân mỗi ngày siêu thị tiêu thụ hết một vài trăm con gà đồi Yên Thế, doanh số chưa bằng 50% mặt hàng gà công nghiệp. 
Nguyên nhân khiến gà đồi Yên Thế bán chậm vì người tiêu dùng phải mua nguyên con, trong khi các loại gà khác có bán từng bộ phận như đùi, cánh, lườn… nên đánh trúng sở thích người tiêu dùng hơn. 
Gà đồi Yên Thế xuất hiện khiêm tốn tại siêu thị Co.opmart Hà Đông

Theo đại diện một công ty chuyên phân phối gà đồi Yên Thế, mỗi ngày, công ty này tiêu thụ khoảng 100 tấn gà đồi Yên Thế. 
Tuy nhiên, trên 90% lượng gà lại được tiêu thụ tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… 
Số lượng gà đã sơ chế bán tại Hà Nội chỉ được vài trăm con/ngày.
Theo vị này, trong khi các tỉnh phía Bắc chủ yếu tiêu thụ gà mía lai thì người tiêu dùng Thủ đô chỉ ăn gà ri lai được nuôi dài ngày.
Thế nhưng, phần lớn gà nuôi tại Bắc Giang lại là giống gà mía lai do các lò ấp thủ công cung cấp.
Gà mía lai được lai tạo trên nền tảng giữa giống gà mía Sơn Tây và gà Lương Phượng nên có nhược điểm lông rất xấu (màu đen của gà mía), trọng lượng lớn và tích mỡ (gà Lương Phượng). 
Trong khi đó, thói quen của người nuôi gà tại Bắc Giang chỉ nuôi khoảng 3 tháng trở lại là bán vì khi đó hiệu quả kinh tế sẽ lớn nhất.
Bởi từ tháng thứ 3 trở đi, gà mía lai không tăng trọng lượng mà chuyển sang tích mỡ, chắc thịt, nhưng lại là giai đoạn gà ăn khỏe nhất (đàn gà 1.000 còn bình quân mỗi ngày ăn hết 1 triệu đồng tiền cám).
Anh Đinh Văn Thông, ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên xác nhận, bản thân anh và người nuôi gà tại Bắc Giang chỉ nuôi gà tầm 2,5 - 3 tháng, bởi khi đó dù bán với giá 50.000 đồng/kg người nuôi gà vẫn có lãi. 
Nhưng nếu nuôi thêm 20 - 30 ngày chất lượng thịt gà có ngon hơn, nhưng chi phí thức ăn chăn nuôi lên tới 20 - 30 triệu đồng, trong khi giá gà chỉ tăng thêm khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế không bằng bán lúc non.
Chính vì lí do này mà sản phẩm gà đồi Yên Thế thuộc phẩm cấp trung bình. 
dac san, ga doi, ua chong, Yen The
Gà mía lai tại Yên Thế có nhược điểm màu lông xấu, chất lượng thịt trung bình... 
Về phía thị trường Hà Nội, người dân nơi đây bấy lâu nay vẫn giữ một thói quen là mua gà lông rồi thuê thịt tại chỗ.
Dạo quanh các chợ truyền thống ở Hà Nội từ ngoại cho đến nội thành, thậm chí cả phố cổ không khó để bắt gặp hình ảnh những sọt gà, lồng gà còn sống tại một góc chợ. 
Và với thói quen mua gà lông thì gà đồi Yên Thế gần như không có cửa cạnh tranh với các giống gà ri lai có mẫu mã, màu lông bắt mắt, mào cờ, chân vàng, nhỏ, khô xuất hiện rất nhiều trên thị trường hiện nay. 
Bên cạnh đó, gà mía lai còn có một nhược điểm là trọng lượng lớn (2,5 - 3kg/con), trong khi các hộ gia đình tại Thủ đô ít khẩu nên thường chỉ mua gà trên dưới 1,5kg.
Đó là những lí do khiến gà đồi Yên Thế thất thế tại thị trường Hà Nội...
 
Nghề nuôi gà mía lai tại Bắc Giang nói chung và Yên Thế nói riêng sẽ vẫn tồn tại vì giống gà này vẫn có nơi tiêu thụ nhất định.
Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường khó tính như Thủ đô Hà Nội, giống gà mía lai không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về mẫu mã, cân nặng cũng như chất lượng thịt....

Theo nongnghiep.vn

Không có nhận xét nào: