Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Vì sao đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định đóng cửa khu du lịch Đại Nam?

Nếu đại gia Dũng lò vôi quyết định đóng cửa khu du lịch Đại Nam coi như dập tắt luôn cơ hội của hàng ngàn trẻ em được mổ tim miễn phí.


Tin tức trên báo Lao Động, trong 51 ngày (từ 8.9-28.10.2014), tỉnh Bình Dương (BD) đã ban hành tới 12 văn bản (trung bình 4 ngày ra một văn bản) cấp tập gửi tới Cty CP Đại Nam, liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha đất ở của Cty Đại Nam - nguyên do ông Huỳnh Uy Dũng (TGĐ Cty Đại Nam) tố cáo ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch UBND tỉnh BD) hơn một năm nay. Trước sự o ép DN bất bình thường trên, ông Dũng tuyên bố sẽ “đóng cửa Khu du lịch Đại Nam”…
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) có Kết luận số 1549/KL-TTCP ngày 4.7.2014, về vụ tố cáo của ông Dũng đối với Chủ tịch tỉnh BD (hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng TTCP xem xét lại kết luận này, vì có dấu hiệu sai phạm Luật Tố cáo), thì ngày 8.9.2014, Chủ tịch UBND tỉnh BD đã lập tức “phản đòn” ông Dũng bằng việc ra quyết định số 2173/QĐ-UBND, thu hồi thời hạn “lâu dài” đối với quyền sử dụng đất khu đất ở 61,4 ha của Cty Đại Nam.
Vì sao đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định đóng cửa khu du lịch Đại Nam? - Ảnh 1

Một phần khu du lịch Đại Nam

Ngày 9.9.2014, Sở TN-MT tỉnh BD ra văn bản yêu cầu Cty Đại Nam nộp hồ sơvà giấy chứng nhận QSDĐ 61,49 ha khu đất ở. Và, như “hình sự hóa” vụ việc, ngày 16.9.2014, Công an tỉnh BD đã ra giấy mời một số cán bộ, nhân viên Cty Đại Nam xét hỏi về nội dung kinh doanh của Công ty Đại Nam (Cty Đại Nam) liên quan đến khu đất trên… Trước tình hình này, Cty Đại Nam đã có văn bản đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương (BD) tạm dừng các hành động trên, vì Cty đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin xem xét lại Kết luận của TTCP…
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh BD, vẫn ra hàng loạt văn bản yêu cầu Cty Đại Nam “nghiêm túc chấp hành” văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Mặt khác, tiếp tục chỉ đạo Sở TNMT và Công an tỉnh BD cấp tập ra văn bản và giấy mời lần 2, lần 3… ép Cty Đại Nam phải nộp trả lại Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) do UBND tỉnh BD đã cấp hợp pháp cho Cty Đại Nam trước đây.
Bên cạnh đó, còn ra văn bản “thoái thu đối với tiền sử dụng đất thu thừa của khu ở thuộc Cty Đại Nam” (?!)… (Cách đây 7 năm, khi cấp sổ đỏ khu đất ở 61,4 ha cho Cty Đại Nam, tỉnh BD thu đúng, thu đủ tiền sử dụng đất của DN. Nay, do tỉnh đòi lại sổ đỏ, lại đổ cho “thu thừa”, trả lại tiền cho DN).
Ngày 8.10.2014, Văn phòng Chính phủ đã ra công văn số 7868/VPCP-V.I, gửi Tổng TTCP cho biết: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng TTCP xem xét, giải quyết nội dung tố cáo dấu hiệu sai phạm của Kết luận số 1549 và báo cáo Thủ tướng. Thế nhưng, ngày 22.10.2014, Cục Thuế tỉnh BD tiếp tục ra quyết định số 6434/QĐ-CT, về việc thanh tra thuế Cty Đại Nam từ năm 2009 đến nay.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh BD ban hành Công văn 3649/UBND-KTN chỉ đạo các sở, ngành, công an tỉnh làm việc với Cty Đại Nam… Ngày 28.10.2014, Cục Thuế tỉnh BD ban hành Giấy mời số 11947/GM-CT yêu cầu Cty Đại Nam xác định lại nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với đất khu ở…
Theo ông Phạm Đình Khương – phó Tổng GĐ Cty CP Đại Nam - thời gian gần đây, việc Cty Đại Nam bị thanh, kiểm tra thuế với mật độ dày đặc là có dấu hiệu không bình thường. Ông Khương cho biết: Ngày 23.10.2012, Tổng Cục Thuế đã có quyết định số 1647/QĐ-TCT kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại Cty Cổ phần Đại Nam (thời kỳ kiểm tra năm 2011). Ngày 21.8.2013, Kiểm toán Nhà nước có văn bản gửi Cục Thuế tỉnh BD về việc yêu cầu cung cấp số liệu để thực hiện kiểm tra, đối chiếu về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ năm 2010 - 2012.
Ngày 24.7.2014, Cục Thuế tỉnh BD có quyết định thanh tra thuế tại Cty Đại Nam (thời kỳ thanh tra năm 2012). Ngày 20.10.2014, Cty Đại Nam lại nhận được quyết định thanh tra thuế số 6434/QĐ-CT, ngày 16.10.2014 của Cục Thuế tỉnh BD về việc thanh tra thuế tại Cty Đại Nam (thời kỳ thanh tra từ năm 2009 đến nay). Như vậy, trong 3 tháng, Cty Đại Nam liên tiếp nhận được 2 quyết định thanh tra của Cục Thuế BD đối với Cty Đại Nam. Liệu có gì không bình thường trong việc chỉ đạo thanh tra thuế liên tục đối với Cty Đại Nam?
Hơn nữa, thời kỳ năm 2011 đã được Tổng Cục Thuế kiểm tra và có kết luận; tương tự, thời kỳ năm 2012, Cục Thuế đã thanh tra và kết luận. Theo quy định của pháp luật về thanh tra, Cục Thuế tỉnh không có quyền thanh tra, kiểm tra lại vụ việc mà Tổng Cục Thuế đã kết luận, cũng như những vụ việc mà Cục Thuế tỉnh đã kết luận. Thời kỳ năm năm 2011 và năm 2012 đã được thanh tra, kiểm tra, tại sao nay lại thanh tra?
Ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Cty CP Đại Nam - cho rằng: “Hành vi o ép DN của chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD đã và đang đẩy DN tột cùng của khó khăn, bất chấp Thủ tướng đang chỉ đạo xem xét lại kết luận của TTCP. Nếu tình hình này vẫn không thay đổi, tôi sẽ quyết định đóng cửa hoàn toàn Khu du lịch Đại Nam và các hoạt động khác của Cty CP Đại Nam, để chờ đợi kết quả giải quyết của Thủ tướng đối với các hành vi vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh BD đối với Cty Đại Nam”.
Trước đó, tháng 9.2014, ông Huỳnh Uy Dũng đã công bố sẽ mang toàn bộ lợi nhuận của Cty Đại Nam trong 16 năm (2014 – 2030), cùng phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo trên cả nước… Việc khu du lịch Đại Nam và Cty Đại Nam bị đóng cửa, coi như dập tắt luôn cơ hội của hàng ngàn trẻ em được mổ tim miễn phí.
Vì sao đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định đóng cửa khu du lịch Đại Nam? - Ảnh 2

Đại gia Dũng lò vôi, ông chủ khu du lịch Đại Nam.

Ông chủ ‘khùng’ của khu du lịch Đại Nam
Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, khởi nghiệp và thành danh tại Bình Dương, ông chủ khu du lịch được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á - Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) - tên thật là Huỳnh Phi Dũng. Sau này, ông đổi tên là Huỳnh Uy Dũng, với biệt danh Dũng "lò vôi", nổi tiếng với những quyết định đầu tư không giống ai.
Khởi nghiệp từ nghề sản xuất vôi quét tường khi vẫn còn là cán bộ công tác hậu cần tại Công an thị xã Thủ Dầu Một, đại gia Dũng "lò vôi" chuyển về phụ trách xí nghiệp Sơn mài Thành Lễ, khi đó đang làm ăn thua lỗ. Điều kiện mà ông Dũng đưa ra vào thời điểm tiếp nhận vị trí giám đốc là nếu xí nghiệp làm ăn thua lỗ thì ông bỏ tiền túi ra bồi thường còn nếu làm ăn có lãi thì tỉnh phải cho ông 10% trên số tiền lời thu được, đồng thời mọi việc kinh doanh và bố trí nhân sự đều do ông quyết định.
Ngay năm đầu tiên làm giám đốc, đại gia Dũng "lò vôi" đã đưa Thành Lễ tới đích lợi nhuận 28,8 tỷ đồng, trong khi nguồn thu ngân sách toàn tỉnh khi đó chỉ có 40 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, khi đó, quy định trích lợi nhuận 10% cho ông lại không có.
Vào những năm đầu thập niên 90, việc đầu tư vào Bình Dương gặp nhiều khó khăn do những quy định có phần trái ngược của tỉnh. Khi đó, ông Huỳnh Uy Dũng đã làm một điều mà giới đầu tư cho là "khùng" khi quyết định rót vốn xây dựng khu công nghiệp Bình Đường – khu nhà máy, xí nghiệp cho các doanh nghiệp vào thuê đầu tư để đáp ứng yêu cầu được cấp giấy phép kinh doanh của tỉnh Bình Dương. Đây cũng chính là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Sau Bình Đường, ông chủ Đại Nam còn đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng thần 1 và Sóng thần 3. Thời điểm ông đầu tư vào Sóng thần 3 là lúc thị trường nhà đất đang lên cơn sốt, và nhiều người gợi ý ông nên chuyển 500ha đất xây dựng khu công nghiệp sang làm khu đô thị, nhưng ông từ chối.
“Nếu không, giờ tôi không 'chết' thì cũng sứt đầu, mẻ trán trong tình hình bất động sản đóng băng như hiện nay. Tôi đã chọn thất bại để không cho phép mình gục ngã”, ông Dũng chia sẻ về quyết định khi đó của mình.
Sau khi rời Thành Lễ, ông Dũng bắt tay xây dựng khu du lịch Đại Nam. "Bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc" là cách nói nhiều người dùng để khuyên ông bỏ ý định, thậm chí cho rằng ông "hâm hâm", nhưng đại gia này vẫn kiên trì thực hiện ý tưởng xây một trong những công trình du lịch lớn nhất Việt Nam. Công trình được khởi công vào ngày 2/9/2007.
Sau khi khánh thành Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, vào tháng 9/2008, ông cho tổ chức “lời thề không nợ nần ai”. Trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào.
Tuy giàu có, nhưng ông chủ Đại Nam vẫn đi xe máy loại thường quanh khu du lịch, mỗi ngày ăn chưa tới 50.000 đồng, một tuần ăn chay 4 ngày. Thậm chí, vị này còn ấp ủ ý tưởng xây dựng một khu nhà riêng tự cung tự cấp, trồng 4 sào lúa, nuôi hồ cá, có vườn quả và trồng đậu tương để ép dầu làm đèn cầy thắp sáng cho Đền Đại Nam.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Theo nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào: