Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Phó Tổng Giám đốc BHXH VN: Vỡ quỹ, Chính phủ phải bù...


Phó Tổng Giám đốc BHXH VN: Vỡ quỹ, Chính phủ phải bù...

(ĐVO) - "Nếu vỡ quỹ chắc chắn Chỉnh phủ phải bù đắp vào. Nhà nước chính là cơ quan cao nhất bảo hộ cho quỹ này, nếu Chính phủ không bù đắp thì hàng triệu người hưởng lương hưu sẽ ra sao? Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là phải cân đối quỹ một cách bền vững, lâu dài". Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc BHXH VN phân tích.

Quỹ BHXH VN cho vay là đúng!
PV:- Một số đại biểu bày tỏ lo ngại vì mới đây- theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam đã cho Cty cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) vay hơn 1 nghìn tỉ, hiện còn nợ BHXH Việt Nam số gốc là 787 tỷ có nguy cơ không đòi được. Ông nhìn nhận thế nào về việc lương hưu của người lao động được gửi quá nhiều vào các tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro?
Theo ông, việc sử dụng quỹ của Bảo hiểm Việt Nam như vậy có hợp lý? Bảo hiểm Việt Nam cho vay tới 70% kết dư có phải là mức bình thường?

Ông Nguyễn Đình Khương:- Sử dụng là đúng. Nhưng nay nó xảy ra rủi ro thì hiện cả Ngân hàng Nông nghiệp và các Bộ ngành, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ.
Gần 20 năm thành lập mới chỉ xảy ra một vụ như vậy. Đó là trường hợp rất đáng tiếc


Việc quỹ BHXH VN cho vay tới 70% kết dư cũng là bình thường. Kết dư bao nhiêu phải đầu tư bấy nhiêu, kết dư mà không đầu tư thì coi như để tiền chết, rất lãng phí.
Theo quy định của Chính phủ, quỹ BHXH khi lựa chọn hình thức đầu tư thứ nhất là phải bảo đảm an toàn, thứ hai là hiệu quả thì an toàn phải là yếu tố đặt lên đầu tiên. Nhưng nếu muốn đạt hiệu quả cao thì độ an toàn thấp và ngược lại.
PV:- Vì tính đến yếu tố an toàn nên BHXH VN lựa chọn giải pháp đầu tư vốn vào Ngân hàng Nhà nước (chiếm hơn 75%) vay với lãi suất thấp?
Ông Nguyễn Đình Khương:- BHXH VN lựa chọn Ngân hàng Nhà nước và đầu tư trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp nhưng nó an toàn. Cho Ngân hàng Nhà nước vay không phải đơn giản, thời gian gần đây các ngân hàng còn đang thừa vốn, BHXH VN mời họ còn không muốn vay.
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc BHXH VN
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc BHXH VN
Ví dụ như Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương. Mà theo quy định của Chính phủ, mặt bằng cho vay của ngân hàng Ngoại thương là 7,5%, BHXH VN mời họ với mức 7,6% thôi mà họ còn từ chối.
Nếu quỹ đem đầu tư vào các doanh nghiệp mà doanh nghiệp phá sản thì sao? Ví dụ với trường hợp của Công ty cho thuê tài chính II.
Chức năng cho doanh nghiệp vay thì đó là chức năng của ngân hàng, quỹ BHXH VN mà cho doanh nghiệp vay sẽ rất nguy hiểm.
Tôi cho rằng, quỹ cũng nên đóng góp cổ phần vào các doanh nghiệp, tuy nhiên việc lựa chọn doanh nghiệp có tiềm năng thì phải do Quốc hội phê duyệt. BHXH VN không có chức năng đó.
PV: - Ông đánh giá như thế nào về vấn đề minh bạch bởi trong các báo cáo chính thức Bảo hiểm VN chỉ nói, cho vay mới mức lãi suất thấp hay lãi suất thỏa thuận?
Ông Nguyễn Đình Khương: - Thu chi lời lãi hàng năm đều công bố công khai, minh bạch. Kể cả việc cho vay như thế nào, lãi suất bao nhiêu cũng phải công khai.
Kế hoạch đầu tư sẽ phải thông qua Hội đồng quản lý quỹ. Các hình thức đầu tư là do Hội đồng quản lý quyết định.

Ví dụ BHXH đầu tư vào thủy điện Lai Châu, một mặt vẫn phải thông qua Chính Phủ đồng thời cũng phải được sự phê duyệt của Hội đồng quản lý. Kế hoạch thông qua mới được thực hiện.
Mức lãi suất hiện nay theo quy định của nhà nước cho phép BHXHVN cho vay bằng với mức lãi suất của ngân hàng huy động trong dân cư.
Ví dụ, tại thời điểm này ngân hàng nhà nước huy động vốn vay từ dân cư là 7,5% thì nhà nước cho phép được gửi bằng với mức lãi suất đấy. Nhưng thông thường BHXH VN luôn đàm phán với các ngân hàng cao hơn mức đó.

Nên không thể nói có chuyện bắt tay, đi đêm thỏa thuận phần trăm lãi suất tiền gửi với các ngân hàng, như vậy thì làm gì có ngân hàng mời họ không thèm vay?
Vỡ quỹ Chính phủ phải bù
PV:- Hiện có những dự báo về việc quỹ BHXH sẽ vỡ, nếu tiếp tục duy trì tình trạng đầu vào và đầu ra mất cân đối như hiện nay (hiện số người tham gia BHXH bắt buộc bình quân là 0,3 triệu người/năm, số nghỉ hưu hưởng chế độ BHXH lớn gấp đôi: 0,6 triệu người/năm). Theo ông, nguy cơ vỡ quỹ được dự báo như thế nào? Hệ quả của nó là gì?

Ông Nguyễn Đình Khương:- Cái này là do một phần mềm dự đoán do tổ chức lao động quốc tế thực hiện. Hệ thống này có thể dự đoán 10 năm, 50 năm dựa vào các thông số đầu vào (dân số, thu nhập...) thì sẽ đưa ra một kết quả dự đoán tương đối chính xác.
Vỡ quỹ BHXH Chính phủ phải bù
Vỡ quỹ BHXH, Chính phủ phải bù
Nếu vỡ quỹ chắc chắn Chỉnh phủ phải bù đắp vào. Đó là chắc chắn. Vì trong luật cũng quy định nhà nước chính là cơ quan cao nhất bảo hộ cho quỹ này, nếu Chính phủ không bù đắp thì hàng triệu người hưởng lương hưu sẽ ra sao?

Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là phải cân đối quỹ một cách bền vững, lâu dài.

PV:- Với sự dịch chuyển cơ cấu lao động, trong đó thành phần lao động trong tương lai dự báo chiếm đến 50% là trí thức, một câu hỏi được đặt ra là họ sẽ sống thế nào nếu quỹ BHXH không hoạt động tốt, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Khương: - Họ băn khoăn là đúng quá. Quỹ là do người lao động đóng tiền vào để nhà nước giữ tiền cho họ, trả lương hưu cho họ mà lại hoạt động không tốt thì người lao động băn khoăn là có lý.

Chính vì vậy mà cả Quốc hội, Chính phủ đã giao cho BHXH và các bộ ngành phải lo làm sao giữ được quỹ, bảo đảm quỹ lương hưu cho người lao động.
PV: - Thưa ông, thông thường việc sử dụng quỹ sẽ do những ai quyết định?
Ông Nguyễn Đình Khương: - Quỹ này chỉ được phép dùng để chi trả cho những người đang được hưởng chế độ lương hưu. Những người đang hưởng lương hưu hiện nay thì BHXHVN phải lập kế hoạch gửi Bộ tài chính xét duyệt trình Thủ tướng giao nguồn vốn.
Ví dụ: BHXHVN năm nay muốn xin quỹ trả lương hưu cho những người hưởng lương hưu là 100 tỉ thì BHXHVN phải lập kế hoạch trình lên Bộ tài chính thẩm định, sau đó trình Thủ tướng, dựa trên đó Thủ tướng mới giao cho 100 tỉ. BHXH sẽ căn cứ kế hoạch đó và căn cứ vào thực tế phát sinh rồi mới quyết định lấy từ quỹ đó để chi.
PV:- Trong bảo hiểm xã hội có các cơ chế giám sát cho vay được quy định rất chặt chẽ, tuy nhiên vẫn xảy ra những trường hợp nguy cơ thất thoát nghìn tỷ. Như vậy, cơ chế tự giám sát của BHXH đã không phát huy tác dụng?
Ông Nguyễn Đình Khương: - Chưa hẳn như vậy. Quỹ bảo hiểm xã hội không phải là một tổ chức tín dụng, nếu là một tổ chức tín dụng cho vay thì phải có thế chấp. Nhưng quỹ BHXH cho ngân hàng vay thì phải có bảo lãnh.
Ví dụ các ngân hàng chi nhánh muốn vay thì phải được ngân hàng trung ương của họ đứng ra bảo lãnh, chứ không phải cho vay theo kiểu thế chấp tín dụng. BHXH không có chức năng đó.

Rút kinh nghiệm từ việc cho Cty cho thuê tài chính II vay, bây giờ BHXH chỉ cho ngân hàng trung ương vay chứ không cho ngân hàng chi nhánh vay.

PV: - Việc sử dụng quỹ trong tình hình như hiện nay, ông có kiến nghị gì với Chính phủ để đảm bảo quỹ lương hưu của người dân không bị ảnh hưởng và tránh được nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm?
Ông Nguyễn Đình Khương: - Các đại biểu Quốc hội cũng phân tích, quỹ cho các tổ chức tín dụng nhà nước và mua trái phiếu Chính phủ thì cũng chỉ nên ở mức độ nào đó thôi, nếu đầu tư nhiều quá sau này ngân sách không có nguồn mà đến lúc cần tiền trả lương hưu không có thì lấy đâu ra. Nên cũng phải cân nhắc tất cả các khía cạnh.

Kinh nghiệm từ các nước người ta chỉ dành một phần tỉ lệ rất thấp để đầu tư mạo hiểm. Đầu tư mạo hiểm thì hiệu quả sẽ cao nhưng rủi ro cũng sẽ cao. VN cũng đang đi theo xu hướng đó ví dụ như vừa rồi mình đầu tư vào thủy điện Lai Châu. Đến năm nay tỉ lệ đó cũng chiếm khoảng 2%, mặc dù tỉ lệ này cũng thấp thôi nhưng hiệu quả của nó cao hơn hẳn.

Với quan điểm riêng của cá nhân tôi thì quỹ này là quỹ của người lao động, đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động. Khi hết tuổi lao động, không còn khả năng lao động thì nhà nước vẫn phải lo vấn đề an sinh cho họ, vẫn phải có những trợ cấp.

Theo tôi, Quốc hội và Chính phủ nên quan tâm dành ưu tiên cho đầu tư vào các lĩnh vực mà nhìn rõ là hiệu quả ví dụ như dầu khí. Quốc hội nên sớm có quyết định, vì nguồn thu lợi từ lĩnh vực này cho nguồn quỹ, cũng chính là cho người lao động. Để đảm bảo an toàn cho quỹ, cũng chính là đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Nếu các lĩnh vực nhìn thấy lợi nhuận cao nhưng lại dành ưu tiên cho các doanh nghiệp thì chỉ có một nhóm người được hưởng lợi thôi. Nghĩa là đầu tư vào lĩnh vực có hiệu quả cao nhưng phải do Quốc hội quyết định.

Về cân đối quỹ một cách bền vững lâu dài thì phải điều chỉnh chính sách, mức đóng, mức hưởng, Chính phủ và Quốc hội cũng đang đề xuất phải có mức lương hưu tối thiểu và tách lương hưu ra khỏi người đương chức (nghĩa là có đóng có hưởng- PV). Làm sao đảm bảo cho người hưởng lưu hưu có thu nhập đủ sống.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách xã hội rất khó. Vì phải điều chỉnh theo nhiêu giai đoạn. Đồng thời cũng phải phát triển nhanh những người tham gia bảo hiểm.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo của BHXH VN, trong năm 2012 đã đầu tư 199,5 tỉ đồng, thu hồi 148 tỉ đồng, tổng số dư nợ đầu tư đến cuối năm 2012 là 233.611 tỉ đồng. Tăng 52.649 tỉ đồng (29%) so với năm 2012. Cụ thể: Mua trái phiếu chính phủ là: 42.500 tỉ đồng (18,2%); cho ngân sách nhà nước vay: 129.000 tỉ đồng (55,2%); cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội vay: 58.363 tỉ đồng (25%); cho vay đầu tư xây dựng Thủy điện Lai Châu: 3.748 tỉ đồng (1,6%). Các khoản vay này đã có số tiền sinh lời là 18.000 tỉ đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam đã cho Cty cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng NNPTNT (Agribank) vay số tiền lên tới 1.010 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2011, công ty này còn nợ BHXH Việt Nam 787,5 tỉ đồng tiền gốc (trong đó nợ quá hạn là 357,5 tỉ đồng) cùng 264,5 tỉ đồng tiền lãi không có khả năng thanh toán.

Nhiều đại biểu QH đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong thực thi chính sách BHXH từ trung ương tới địa phương và đưa ra những nhận định: Việc xử lý nợ đọng BHXH không mạnh mẽ đã dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài nhiều năm, lo ngại về an toàn quỹ BHXH...


Nguyễn Vũ (Thực hiện)                                            Theo báo đất việt điện tử

Không có nhận xét nào: