Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Đạo Phật Trong Kinh Doanh

Doanh nhân Việt bàn về đạo kinh doanh
ton giao
Theo Việt Cường – Vietimes – 2/4/2014
Đạo Phật là đạo từ bi, đề cao lòng nhân ái, trong khi thương trường thường được quan niệm là “chiến trường”, nơi diễn ra cuộc đấu tranh khốc liệt và không khoan nhượng. Có thể dung hoà được không?
Những giáo lý nào của đạo Phật hướng dẫn cho cách ứng xử của những doanh nhân? Phóng viên đã gặp gỡ một số nhà kinh doanh tên tuổi, tin theo đạo Phật để hỏi về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng, giống như ở những
nước thời kỳ đầu phát triển thị trường tự do, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu vốn lại muốn “phất lên” nhanh và có ngay lợi nhuận nên thường bỏ qua đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Ông/ bà nhận xét gì về ý kiến này?
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế:
Sự thật, ở nước ta, dù không phải tất cả đều Phật tử, nhưng ảnh hưởng của đạo Phật rất sâu rộng như một nét văn hoá chung. Cách hành xử thì phải nói rằng chúng ta đều ít nhiều đi theo hướng của đạo Phật.
Nói về kinh doanh thì cái rất quan trọng là tính cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh phải lành mạnh. Và đó chính là một phạm trù của đạo đức kinh doanh. Ở Việt Nam tính đến thời điểm này thì theo tôi sự cạnh tranh cũng khá lành mạnh, chưa thấy một trường hợp nào mà cạnh tranh mang tính “một mất một còn” như trong môi trường tư bản chủ nghĩa. Trên thế giới người ta phải đưa ra những điều luật chặt chẽ để khống chế sự cạnh tranh không lành mạnh. Về vấn đề này, đạo phật đề cao cái Tâm và dường như quan niệm đó đã đi vào thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tuy nhiên, đôi khi vẫn có doanh nghiệp còn suy nghĩ cạnh tranh có nghĩa là doanh nghiệp mình phải thắng các doanh nghiệp khác mà không nghĩ rằng đã kinh doanh là mình phải giúp cho cộng đồng tốt hơn. Cạnh tranh càng lành mạnh bao nhiêu thì cộng đồng càng phát triển bấy nhiêu.
Nói chung ở nước ta, đạo Phật đã ăn sâu vào trong tâm trí con người. Người ta làm việc gì cũng nghĩ đến phải “để phúc cho con cái”, đó là chính là một quan niệm của đạo Phật, gieo nhân nào thì được quả ấy. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự giàu lắm nhưng họ đã bắt đầu nghĩ đến trách nhiệm của mình trước xã hội, khi xã hội phát triển thì đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp càng phải đề cao. Việc làm từ thiện, quan tâm tới cộng đồng thực sự trở thành xu thế chung của các doanh nghiệp, của các nhà kinh doanh.
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hiệp Hưng:
Ý kiến này đối với các nước đang phát triển có phần đúng nhưng cũng có phần chưa đúng. Phần đúng là khi doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh thì họ phải đặt vấn đề lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu bất luận như thế nào thì doanh nghiệp đó mới tồn tại được, nếu không họ sẽ bị loại ra khỏi sân chơi. Bởi vậy, đôi khi họ có thể bỏ qua những đặc thù nhất định về đạo đức kinh doanh như kéo dài giờ làm hoặc không giải quyết ưu tiên cho giới nữ vì việc kinh doanh rất khắt khe, sân chơi rất khắc nghiệt nên họ đành phải làm như vậy.
Tuy nhiên tôi nghĩ như vậy cũng là không đúng, bởi đã là một chủ doanh nghiệp giỏi thì phải biết thế nào là sự phát triển bền vững. Chỉ có đạo đức doanh nghiệp thì chính đạo đức kinh doanh mới tạo nên sự phát triển bền vững. Những chủ doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn thì sẽ biết tính toán kết hợp, có thể không thực hiện được 100% đạo đức doanh nghiệp nhưng họ sẽ đảm bảo được một mức độ nhất định mà xã hội chấp nhận. Do đó, tôi nghĩ rằng phải có sự dung hoà, sự tính toán rất kỹ, phải thấm nhuần được thế nào là đạo đức kinh doanh, đồng thời áp dụng văn hoá doanh nghiệp đó trong thời kỳ nào cho phù hợp.
Tôi nghĩ vấn đề này phải nhìn nhận một cách rộng lượng, không nên lấy một trường hợp cụ thể này so sánh với trường hợp cụ thể khác.
Tôi không thấy có mâu thuẫn gì. Trong kinh doanh nhiều người thường nói thương trường như chiến trường nhưng những quan điểm kinh doanh chân chính đã mãi mãi tồn tại và mãi mãi phát triển. Tôi không bao giờ đánh giá cao hiệu quả của những mánh lới, của những quan hệ. Tôi cho đó là sự may mắn, tuy nhiên sự may mắn thì không thể nói là “chúng tôi là những nhà doanh nhân may mắn” được. Trong thế kỷ 21, nền tri thức phát triển, nền kinh tế phát triển bằng tri thức và nếu doanh nghiệp phát triển bằng tri thức thì tính may mắn đó sẽ là chân chính và câu nói mọi con đường đều dẫn đến thành Roma vẫn là chân lý.
Ông Trần Xuân Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh:
Rất buồn là nhận xét này khá chuẩn xác, nó cũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở khắp nơi. Tuy nhiên theo sự phát triển của xã hội, nhận thức của con người trong xã hội đó cũng sẽ thay đổi theo xu thế chung, hiện tượng này sẽ dần ít đi. Cá nhân tôi rất tin vào luật Nhân – Quả nên tôi không bao giờ cảm thấy bị lung lay khi thấy có những người đi lên nhanh hơn mình rất nhiều bằng cách này.
Bà Vũ Thị Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco:
Thực tế trong thương trường có rất nhiều loại doanh nghiệp cũng như là trong tự nhiên thì có rất nhiều loại nấm, có nấm ngon, nấm bổ nhưng cũng có nấm độc. Cộng đồng doanh nghiệp cũng như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ những doanh nghiệp làm ăn kiểu này rất ít vì đã là con người, là doanh nhân đứng đầu một tổ chức làm ăn và có nhiều đối tượng làm việc với mình thì không có ai bỏ vốn ra để làm ăn ngắn cả.
Doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài thì một trong những điều kiện đầu tiên là đạo đức kinh doanh. Việc kinh doanh thiếu đạo đức không phải là không có nhưng tôi nghĩ rằng những trường hợp này là rất ít, không phải đa số. Đối với ngành dược phẩm chúng tôi thì đạo đức kinh doanh lại càng phải coi trọng vì sản phẩm của mình có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người và nó mang tính xã hội cao.
Thực tế số doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh không nhiều, có thể họ sẽ giàu rất nhanh nhưng hậu quả đem lại cho họ sẽ không tốt và sự tồn tại của họ không được bền lâu. Tôi nghĩ có lẽ chỉ có những người còn trẻ tuổi, nông nổi, chưa biết được giá trị của con người ngoài đồng tiền ra thì còn có những giá trị khác họ mới hành động như vậy.
PV: Trên thế giới, chuyện làm từ thiện của doanh nhân rất phổ biến. Rockefeller, Warren Buffett và đặc biệt là Bill Gates được nhắc đến không chỉ ở sự thành công trên thương trường mà còn vì những tấm lòng vàng. Tuy nhiên việc làm từ thiện vừa là nghĩa vụ đối với xã hội, nhưng cũng là cách marketing hiệu quả nhất, Ông/ bà cho rằng các doanh nhân Việt Nam làm từ thiện bắt nguồn từ sự đồng cảm và cái tâm chân thật hay vì mục đích marketing cho công ty của họ?
Ông Nguyễn Tuấn Khải: Thực tế, đã làm kinh doanh là phải tận dụng tất cả những cơ hội có thể để PR cho mình và mục đích của doanh nghiệp nào là xây dựng một thương hiệu thật mạnh cho mình và cho quốc gia. Do đó, nếu xen kẽ việc làm từ thiện để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, cho quốc gia thì theo tôi là việc không có gì là sai. Tôi nghĩ rằng, khi cái tâm của con người trong sáng thì việc làm từ thiện không chỉ là công cụ đánh bóng tên tuổi của họ mà còn là chung sức giúp đỡ cộng đồng và xây dựng đất nước. Do đó không nên phê phán họ làm từ thiện là để đánh bóng thương hiệu và không tin ở cái tâm của họ.
Bản thân người được nhận từ thiện cũng nên khuếch trương cho doanh nghiệp đó bởi việc tạo dựng thương hiệu là đòn bẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có thương hiệu thì quốc gia cũng có thương hiệu và khi đó mọi chính sách và việc làm cho cộng đồng cũng tốt hơn. Việc làm từ thiện với việc PR cho doanh nghiệp không có mâu thuẫn. Nó chỉ có không tốt khi một doanh nghiệp nào đó quá lợi dụng việc làm này và chỉ làm từ thiện ở những nơi nào nổi tiếng nhất và đổi với những nơi ít hiệu quả thì họ không làm.
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị: Tôi nghĩ rằng lấy việc làm từ thiện là một hình thức marketing hay PR là hoàn toàn chính xác và tôi ủng hộ suy nghĩ đó. Bởi vì khi một tôn giáo nào nhập thế, cũng tức là dùng một phương tiện để đi đến một mục đích cũng như việc đi qua một con sông thì người ta dùng một con đò, đó là việc hết sức bình thường.
Tuy nhiên cũng không nên quá lợi dụng con đò đó, lần sau nếu có phương tiện khác thì nên đi phương tiện khác chứ không nên vác con đò đó để đi. Song trước hết việc làm từ thiện của doanh nghiệp phải xuất phát từ cái tâm. Việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp nhằm để tăng lợi nhuận sau đó lại quay trở lại làm từ thiện tiếp, bởi nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì không thể tiếp tục hoạt động này.
Việc doanh nghiệp làm từ thiện tôi hết sức ủng hộ. Đối với bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng vậy. Tuy nhiên có những việc làm từ thiện thì chúng tôi công khai hoá nhưng cũng có những việc làm từ thiện thì không cần phải thông báo với ai biết.
Ông Trần Xuân Kiên: Đó chính là chiến lược phát triển của các tập đoàn nước ngoài, việc các tập đoàn đó lập ra các quỹ từ thiện khổng lồ cũng đã thể hiện sự quan tâm của họ đối với cộng đồng và xã hội. Chúng ta cũng phải hiểu để có thể lo cho được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa thì vấn đề cốt lõi nằm ở nguồn tài chính. Doanh nghiệp có làm ăn hiệu quả thì việc làm từ thiện sẽ nhiều hơn. Còn ở Việt Nam việc làm từ thiện của các doanh nhân, cá nhân tôi thấy rằng mọi người làm điều đó bắt nguồn từ sự đồng cảm và vì cái Tâm, chứ làm từ thiện vì mục đích marketing không nhiều. Tôi thấy rất nhiều gương doanh nhân làm từ thiện ở Việt Nam thực sự đáng khâm phục, không phải vì số tiền họ bỏ ra, mà về cách mà họ làm từ thiện rất có Tâm, xuất phát từ sự đồng cảm đối với cộng động và xã hội.
Bà Vũ Thị Thuận: Tôi nghĩ rằng nó đã thành một kỹ thuật trong PR. Hoạt động tài trợ là một trong những nội dung của marketing hiện đại thì không tránh khỏi việc một doanh nghiệp nào đó họ làm khi làm từ thiện hay công tác xã hội thì đương nhiên họ được xã hội ghi nhận và qua đó thương hiệu của họ, uy tín và vị thế của họ cũng được nâng lên rõ rệt trong con mắt xã hội bởi họ đã biết chia sẻ quyền lợi của họ cho cộng đồng.
Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng hoạt động này đa phần xuất phát từ cái Tâm, bởi thực tế ở nước ta không phải đã có nhiều doanh nghiệp giàu có. Thu nhập và lợi nhuận của người đứng đầu doanh nghiệp và doanh nghiệp Việt Nam có thể không bằng các ngôi sao nổi tiếng hay các doanh nghiệp nước ngoài nhưng họ vẫn tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội, từ thiện. Theo tôi, nó xuất phát từ chính cái tâm và truyền thống, đạo lý vốn có xưa nay của người Việt Nam, cũng như từ đạo lý của đạo Phật “ta mang đi cho ta sẽ lại được”. Hơn nữa, người Việt mình vốn sống bằng tình cảm, như bản thân công nhân của doanh nghiệp tôi cũng còn nghèo, mức lương cũng chỉ 2 triệu/tháng nếu không thật sự từ tâm thì họ sẽ không bao giờ trích ra một đồng nào để ủng hộ những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
PHẦN II
“Trong kinh doanh cũng vậy, pháp đi vào nhập thế để kinh doanh, để hội nhập và phát triển. Trong pháp có câu rất hay rằng: “Đời không đạo lấy gì mà sửa, đạo không đời biết sửa với ai”. Do đó tôi thấy con đường phát triển đối với doanh nghiệp tôi nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung đều ứng dụng pháp đó để nhập thế, khi pháp vào trần thế, vào cuộc đời để kinh doanh, để có lãi và để xây dựng một cộng đồng ấm no hạnh phúc thì tại sao không?…”
PV: Giới doanh nhân ngày nay rất nhiều người quan tâm đến đạo Phật, họ lên chùa đi cúng bái nhưng phần lớn là đi tìm cho mình một chỗ dựa về mặt tâm linh để đảm bảo cho công việc làm ăn của mình. Liệu có thể cho rằng đối với những doanh nhân này đạo Phật chỉ là nơi “cứu cánh” cho mục đích của họ?
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế: Tôi nghĩ rằng có hai loại người, một loại tin rằng làm như vậy Trời Phật sẽ ủng hộ và loại khác là họ đi chùa vì lòng thành của họ với đạo Phật. Tôi cũng là một người đi lễ mặc dù không đi nhiều nhưng tôi cũng làm tất cả những gì thuộc về tâm linh để mọi người thấy rằng việc hướng thiện vẫn là việc quan trọng nhất chứ không mong đi lễ để làm giàu. Đó là ý nghĩ của cá nhân tôi. Việc đi lễ là để cho tư tưởng mình đuợc thoải mái và mình thành tâm hướng thiện, tâm niệm làm sao để doanh nghiệp phát triển và đưa xã hội phát triển đi lên.
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hiệp Hưng: Vấn đề này là một vấn đề rất nhạy cảm nên tôi chỉ nói trên góc độ riêng của cá nhân tôi. Đối với đạo Phật, tôi không dám nói mình là người đi tu nhưng trên con đường phấn đấu rèn luyện tư cách đạo đức thì tôi thấy các tiêu chí của mình, của doanh nghiệp mình rất phù hợp với các tiêu chí của nhà Phật. Tức là mở tuệ đối với mọi người, chia sẻ với mọi người; Thứ hai là sự yêu thương: Trong đạo Phật người ta đặt yêu thương lên hàng đầu, yêu thương bằng tấm lòng của mình mà không cần để ý người ta đối lại với mình như thế nào ; thứ ba là sự hỉ xả, sự bao dung: nếu trong doanh nghiệp không biết lượng thứ cho nhau thì khó có thể gắn kết lại với nhau được sau những mâu thuẫn mà cuộc sống lại là những mâu thuẫn.. Do đó mình phải biết mở lòng mình, biết bao dung thì mối quan hệ trong cuộc sống sẽ tốt.
Theo tôi nghĩ, doanh nhân nào cũng có những mưu cầu, những hy vọng và những ước mơ phát triển doanh nghiệp, làm ăn có lãi, Đó là những ước vọng rất chính đáng. Họ thực hiện ước vọng đó họ bằng những hoạt động trên thương trường. Nhưng bên cạnh đó còn có thề giới tâm linh mà mình không hiểu hết. Cũng có người lại dựa vào sự chiêm nghiệm, vào tín ngưỡng. Có người dựa vào đạo Phật, có người lại dựa vào đạo Tin lành… Tôi cho rằng việc này tuỳ thuộc vào cái duyên và ngộ năng của từng người và cũng không nên nói rằng ai đúng ai sai, âi hay ai dở. Mà chỉ là ngộ năng, ngộ giác của từng người mà đi vào thế giới tâm linh một cách khác nhau.
Ông Trần Xuân Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh: Tôi nghĩ khi chúng ta tìm đến đạo Phật cũng là lúc thể hiện đức tin trong mỗi con người. Bằng việc chăm lên chùa cúng bái, họ sẽ phần nào thay đổi suy nghĩ và hành vi theo những điều Phật răn dạy. Mức độ hiểu và vận dụng của mỗi người một khác nhau, nhưng chắc chắc sẽ có những điều tích cực hơn nhiều khi hoàn toàn hành xử theo bản năng tự nhiên sẵn có. Đạo Phật không phải là nơi cầu lợi cho những chỉ vụ lợi cho bản thân mình. Những người như vậy theo tôi họ chưa giác ngộ sâu sắc triết lý đạo Phật.
Bà Vũ Thị Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco: Tôi nghĩ rằng các doanh nhân thường đến chùa trong những dịp lễ tết hay ngày rằm, mồng một là những phong tục rất tốt. Họ đi để cầu may, cầu bình an, cầu thuận lợi cho bản thân, cho gia đình hay cho doanh nghiệp. Sau khi làm việc căng thẳng, tôi thấy đi chùa là một việc rất tốt.
Doanh nhân ngày nay là những người phải làm việc vất vả nhất, họ phải hàng ngày, hàng giờ suy nghĩ để làm sao có thể nuôi sống doanh nghiệp mình, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bởi vậy, sẽ rất là tốt khi nơi chùa chiền là chỗ dựa tinh thần cho họ. Đạo Phật dạy con người làm việc thiện, hướng tới chân thiện mĩ và doanh nghiệp cũng qua đó hướng tới những gì tốt nhất, thật nhất. Như vậy dù các doanh nhân đến với đạo Phật như một “cứu cánh” hay là chỗ dựa cũng đều được vì trong lúc căng thẳng hay khó khăn, có một chỗ dựa là hoàn toàn tốt. Họ đến với đạo Phật để gửi gắm tâm sự, để cầu mong một điều tốt đẹp thì đạo Phật cũng răn dạy cho họ rằng, muốn làm ăn lâu bền thì phải làm điều thiện, phải có đạo đức.
PV: Triết lý nào của nhà Phật mà ông/bà thường tâm niệm trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh?
Ông Nguyễn Tuấn Khải: Trong kinh doanh và trong đời sống gia đình tôi hay tâm niệm triết lý hướng thiện của đạo Phật .Trong cuộc sống gia đình, nếu bố mẹ tốt, làm ăn lương thiện con cái sẽ rất tốt và nếu bố mẹ làm điều ác, giải quyết công việc không hướng vào điều thiện thì con cái sẽ không tránh khỏi theo cách gọi của đạo Phật là luật nhân – quả. Đối với một doanh nghiệp cũng vậy, nếu doanh nghiệp làm ăn có nhiều thủ đoạn thì doanh nghiệp đó không bao giờ thành công và bền vững được.
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị: Trong đạo Phật tôi ứng nghiệm hai điều rất lớn đó là yêu thương và bao dung, vị tha. Hai điều này không chỉ có trong đạo Phật mà còn có cả trong kinh thánh. Có câu nói trong đạo Phật rất hay rằng, “Dù gặp phải vấn đề nan giải đến đâu, dù nỗi đau có xót xa nhường nào, dù nỗi sợ hãi làm lu mờ ánh dương tươi đẹp trên con đường phía trước thì yêu thương vẫn luôn là phép nhiệm màu”.
Thứ hai là lòng bao dung và sự vị tha. Nếu con người không biết bao dung và tha thứ thì không xích lại gần nhau được.
“Nơi đời hư đạo pháp tìm duyên
Dễ đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ nghỉ
Kho báu trong nhà tìm đâu nữa
Đối cảnh vô tâm chớ ở thiền”
Tôi cho rằng những câu trích từ đạo Phật trên là sự đúc kết cho mỗi doanh nhân.
Ông Trần Xuân Kiên: Tôi thấy rất tâm đắc với “mười bốn điều răn của Phật”. Trong cuộc sống thì tôi thấy cả 14 điều răn này đều rất có ý nghĩa và luôn cố gắng làm theo. Trong kinh doanh, tôi đặc biệt tâm đắc với điều răn thứ nhất của Phật (“Kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình”), khi gặp khó khăn tôi thường đọc điều răn này để tạo động lực cho mình vượt qua khó khăn. Tôi đã từng cho mua các khung treo điều răn này và treo khắp công ty, để nhân viên khi rảnh rỗi cùng đọc và làm theo các điều răn này .
Bà Vũ Thị Thuận: Tôi nghĩ rằng mình làm điều thiện thì sẽ gặp điều thiện, làm điều tốt thì sẽ gặp điều tốt và việc làm này không chỉ cho mình mà còn cho cả những người thân xung quanh mình và cho cả xã hội. Tôi thấy, trong xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong phim ảnh hay trong thực tế, có nhiều tôn giáo bị lợi dụng nhưng có lẽ đạo Phật ít bị lợi dụng nhất bởi bản chất của đạo Phật là từ cái tâm và luôn luôn khuyên răn con người phải làm điều thiện, hoà giải mâu thuẫn thay vì xung đột. Ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều người theo đạo Phật, hoặc suy nghĩ theo đạo Phật. Có những người xuất gia nhưng cũng có những người tu tại gia, đó là truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Đạo Phật đã phát huy những giá trị tư tưởng từ thế hệ này đến thế hệ khác.
PV: Đạo Phật cho rằng, mọi thứ trên thế gian đều là hư ảo, không có thật, Vậy liệu có mâu thuẫn gì khi các doanh nhân luôn luôn ham muốn làm tăng khối tài sản của mình lên…
Ông Nguyễn Tuấn Khải: Nếu như xã hội ai cũng coi mọi thứ là hư ảo, không chịu làm ăn để sản xuất ra ngày càng nhiều của cải vật chất thì xã hội không tồn tại và phát triển. Xã hội cũng cần có phương tiện để trợ lực, kích thích mới có thể phát triển. Đồng tiền cũng chính là phương tiện đó, nhưng nó cũng không chi phối tất cả. Việc này không mâu thuẫn với đạo Phật bởi đạo Phật nói phải thương yêu nhau, hỗ trợ giúp nhau để cùng phát triển.
Có một điều mà tuy rằng trong kinh sách của đạo Phật không nói đến nhưng càng nhiều tuổi tôi càng thấy. Đó là trong xã hội có sự phân hoá rất mạnh giữa giàu và nghèo và trong mỗi gia đình sự phát triển giữa các thế hệ cũng khác nhau. Có những gia đình thì thế hệ con cái sự phát triển hơn rất nhiếu so với thế hệ cha mẹ. Nhưng có những gia đình thì lại ngược lại. Do đó đạo Phật đã đề cao sự yêu thương nhau.
Tôi rất thích một điều là trên thế giới có rất nhiều nước rất chú trọng tới việc xoá đói giảm nghèo, và theo đạo Phật thì chúng ta muốn giảm nghèo thì phải yêu thương giúp đỡ những người nghèo. Nếu xã hội không quan tâm, cộng đồng không quan tâm thì người nghèo lấy gì mà sống? Vì vậy trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nào càng phát triển thì đóng góp của doanh nghiệp đó cho xã hội, cho cộng đồng càng nhiều. Điều quyết định là phải sử dụng đồng tiền như thế nào cho có ý nghĩa.
Bà Đoàn Thị Hữu Nghị: Đạo Phật nói sắc sắc không không, không không sắc sắc tức là có mà không, không mà có. Tôi cho rằng đó là khi đạo Phật đạt đến đỉnh cao của nó. Nhưng trong đạo Phật, thì phải tuỳ duyên và tuỳ phương tiện để đi đến được bờ giác. Tuy nhiên con đường đi đến đó còn rất nhiều khó khăn và mình phải biết vận dụng đạo Phật vào để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Trong đạo Phật có câu: “ứng dụng chân lý pháp để nhập thế” tức là ứng dụng vào các hoạt động hàng ngày. Nếu trong giới kinh Phật không có thực tế để chiêm nghiệm là đúng hay sai thì pháp cũng không có giá trị gì cả.
Trong kinh doanh cũng vậy, pháp đi vào nhập thế để kinh doanh, để hội nhập và phát triển. Trong pháp có câu rất hay rằng: “Đời không đạo lấy gì mà sửa, đạo không đời biết sửa với ai”. Do đó tôi thấy con đường phát triển đối với doanh nghiệp tôi nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung đều ứng dụng pháp đó để nhập thế, khi pháp vào trần thế, vào cuộc đời để kinh doanh, để có lãi và để xây dựng một cộng đồng ấm no hạnh phúc thì tại sao không?
Ông Trần Xuân Kiên: Tôi nghĩ không có sự mâu thuẫn, các doanh nhân có Tâm thể hiện sự ham muốn lao động và làm giàu chính đáng của mình chính là cách họ đang học và làm theo theo điều răn thú nhất của Phật đấy chứ. Cốt là trong quá trình làm giàu, họ đừng tự đánh mất mình và phạm vào các điều răn của Phật mà thôi.
Bà Vũ Thị Thuận: Đạo Phật hay tôn giáo khác tôi nghĩ rằng đó là đức tin của con người. Nếu đạo Phật được con người tin tưởng, thực hiện theo nhứng giáo lý Phật giáo và không lợi dụng thì không có gì là sai cả. Thực tế vẫn hàng ngày diễn ra, người doanh nhân cũng phải hàng ngày lăn lội với thực tế để tư duy làm sao cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực tâm hồn và lĩnh vực tình cảm cũng phải cao hơn thực tế thì mới tốt.
Đạo Phật là đức tin và là nơi con người ta có thể dựa vào khi khó khăn để vượt qua, để có thể suy ngẫm mà hành động cho tốt hơn. Tiền là vật trao đổi và là thực tế nhưng giá trị tinh thần không thể cân đo đong đếm được bằng tiền. Nếu doanh nhân mà chỉ biết có thực tế thì họ mất đi thế giới tinh thần và như vậy thì họ sẽ rất khổ và thiệt thòi. Theo đạo Phật, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể xuất gia, có thể tu tại gia hay tu từ trong chính hành vi của mình.
Nguồn gocnhinalan.com

Không có nhận xét nào: