Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Vì sao chiếc Rolls Royce của bà Bạch Diệp là 'độc nhất vô nhị'?





Vì sao chiếc Rolls Royce của bà Bạch Diệp là 'độc nhất vô nhị'?

Chiếc Rolls Royce Phantom trong sân tư gia của bà Dương Thị Bạch Diệp (Ảnh: Đăng Khoa)

Nói về Rolls Royce Phantom 77L-7777, bà Diệp không giấu sự hãnh diện về một chiếc xe độc đáo, kỳ công để rước về Việt Nam. Nhưng việc sở hữu một chiếc xe quá đặc biệt cũng khiến nữ đại gia bất động sản gặp không ít phiền toái vì lắm lời thị phi.

Biểu tượng thượng lưu
Khi chiếc xe Rolls Royce Phantom màu xanh lục thẫm của bà Dương Thị Bạch Diệp theo đường hàng không về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào ngày 29.1.2008, đã có cả gần chục phóng viên đợi sẵn để săn tin. Có phóng viên tỉ mỉ ghi lại thời điểm chiếc xe “chính thức” đến Việt Nam là 17 giờ 8 phút.
Trước thời điểm đó, ở Việt Nam đã có 5 chiếc Phantom đã qua sử dụng nhập khẩu từ Mỹ. Chiếc Rolls Royce Phantom đầu tiên được nhập Việt Nam từ California (Mỹ) cho ông Hoàng Khải (Khải Silk) vào ngày 21.8.2007. Giá trị của chiếc Phantom của ông Khải Silk sau khi tính hết các loại thuế vào khoảng 1 triệu USD (trên 16 tỉ đồng ở thời điểm tháng 8.2007). 

Với “phát súng lệnh” một thời gian ngắn đó những chiếc Rolls Royce Phantom thứ 2, thứ 3, thứ 4 được đưa về Việt Nam theo dạng “second hand” khiến báo chí, dư luận bắt đầu quan tâm đối với loại xe sang trọng vào hạng bậc nhất thế giới này.
Ông Khải Silk (đeo kính) là người đầu tiên sở hữu Rolls Royce Phantom tại Việt Nam với chiếc xe màu bạc (ảnh: Ngoisao.net)
Theo trang Bimmer.vn, danh sách những người sở hữu Rolls Royce Phantom ở Việt Nam có kể một vài nhân vật tiêu biểu như: ông Khải Silk, ông Nguyễn Kim (siêu thị điện máy Nguyễn Kim), bà Diệu Hiền Bianfisco - Cần Thơ, Quốc Cường (tức Cường đô-la), Nguyễn Đức Thụy (Tập đoàn Xuân Thành), ông Lê Ân (Vũng Tàu), bà Nguyễn Thị Liễu (Hà Tĩnh) - nữ đại gia từng gây đình đám khi bỏ tiền khủng mời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Phi Nhung về huyện Hương Khê hát đám cưới.
Là biểu tượng của giàu sang nên danh sách sở hữu Rolls Royce ở Việt Nam ngày càng nối dài như doanh nhân Lê Thanh Thản, chủ hệ thống khách sạn Mường Thanh, được báo chí gọi là “đại gia đi Rolls Royce hút điếu cày”; ôngPhan Hùng Cường (Cường Luxury) – chủ tịch Công ty Vương Cường (Hải Phòng). Gần đây, báo chí nhắc đến thiếu gia “8x đời cuối” Phan Thành - con trai của chủ trung tâm mua sắm Saigon Square cũng sở hữu Phantom và đang cặp kè với hot girl Midu.
Thế nhưng xét trên tất cả tiêu chí, chiếc Rolls Royce Phantom của bà Dương Thị Bạch Diệp mới được coi là “đại ca của đại ca”, trong số hơn 100 chiếc Phantom lăn bánh ở các nẻo đường Việt Nam.
Chiếc xe đắt nhất Việt Nam?
Về thời gian, chiếc Rolls Royce của bà Diệp là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam, sau chiếc đầu của ông Khải Silk 5 tháng. Với chiếc Phantom đã qua sử dụng, việc nhập khẩu từ Mỹ về thủ tục khá đơn giản. Ngược lại để có 1 chiếc Phantom đặt hàng chính hãng tại đại bản doanh Goodwood (Anh), bà Diệp đã mất hơn 1 năm để tìm hiểu rồi đàm phán làm hợp đồng sản xuất với hãng Rolls Royce.
“Ý tưởng mua xe là của con trai tôi vì nó mê xe cộ nhưng tôi là người quyết định nếu mua phải mua một chiếc cho xứng đáng”, bà Diệp nhớ lại.
So với những chiếc Phantom dòng tiêu chuẩn có chiều dài 5,8m thì chiếc Phantom của bà Diệp đặt hàng là loại mở rộng dài 6,1m. Khi chiếc xe Phantom của bà Diệp được nhập về Việt Nam, báo chí đưa tin chiếc xe có trị giá 1,3 triệu USD là sai, lại có tin là 1,5 triệu USD.
Chiếc Rolls Royce Phantom của bà Diệp được chở về Việt Nam bằng máy bay với cước phí 10.000 USD (ảnh: VnExpress) 
“Vậy bà mua chiếc xe hết bao nhiêu tiền?” - bà Diệp nói: “Ở thời điểm tháng 1.2008 khi làm xong thủ tục hải quan giá chính xác là 2,3 triệu USD. Trong số này giá tiền đặt mua xe gần 1 triệu USD, còn 1,3 triệu USD là tiền các loại thuế”.
Bà Diệp tự hào kể: “Nếu mua một chiếc Phantom đã dùng rồi, các salon sẽ dùng “thủ thuật” hạ giá trị mua nhằm giảm tiền thuế xuống rất nhiều khi nhập về Việt Nam. Ngược lại để mua một chiếc mới toanh, tiền thuế lại cao hơn cả tiền xe”.
Như vậy, trị giá 2,3 triệu USD chiếc Phantom của bà Diệp đắt gấp đôi những chiếc Phantom đã dùng rồi của các đại gia khác. Đó là sự khác biệt!
Giá biển số bằng 2 cái sân tennis
Sau tết Nguyên đán năm 2008, người dân ở thành phố biển Quy Nhơn tròn mắt khi thấy trên đường phố xuất hiện lù lù chiếc Rolls Royce Phantom hầm hố màu xanh lục mang biển số 77L-7777. Chiếc biển số quá “dị”: 6 chữ số 7 + chữ L “ngược đầu” tổng cộng 7 số 7 nên được gọi là “thất trùng thất”.
Bà Dương Thị Bạch Diệp gốc ở Bình Định (sinh ở Quy Nhơn) và bà đăng ký biển số xe ở quê hương. Biển số độc nhất vô nhị này của chiếc Rolls Royce Phantom làm dư luận xôn xao một thời gian.
 Chiếc Rolls Royce Phantom hồi mới làm xong biển số sau tết Nguyên đán năm 2008 (ảnh VnExpress)
Bà Diệp kể: “Người ta nói tôi bỏ tiền để mua biển số 77L-7777 chứ  bấm số ngẫu nhiên làm gì có. Biển số này được công an tỉnh Bình Định dùng để đấu giá nhưng tôi đã làm đơn và có lời với mấy anh lãnh đạo công an tỉnh. Đổi lại tôi xây 2 sân tennis để ngành có nơi tập luyện thể thao. Ở tỉnh, mấy anh lãnh đạo biết tôi người Bình Định và chiếc xe xứng đáng để có biển số đẹp nên xét duyệt. Tôi nghĩ người dân Bình Định cũng vui vẻ khi thấy chiếc Rolls Royce Phantom được gắn biển số của tỉnh nhà”.
Sau khi có biển số, chiếc Phantom màu xanh lục đường bệ xuất hiện ở đường phố Sài Gòn và thường đậu ở Công ty Diệp Bạch Dương ở quận 1. Về sau, khi trụ sở được bà Diệp xây dựng thành dự án khác thì chiếc xe được mang về đặt ở nhà bà (Q.1) như hiện nay.
Đi xe nhiều: phô trương - Không đi: vỡ nợ
Không giống như dòng siêu xe khác như Maybach 62, Bently hay Ferrari, Lamborghini, Maserati… là nếu chủ nhân của nó không đi nữa hoặc bán lại cũng chẳng mấy ai để ý nhưng thông tin một chiếc Phantom ở Việt Nam bị bán rất dễ sinh chuyện.
Bà Diệp nói: “Chiếc xe này thực sự chạy trên đường phố Sài Gòn không hợp vì nó to quá, rất dễ bị va quẹt với xe máy nên sau khi mua về tôi chỉ đi thời gian đầu, sau cất vào gara. Tôi làm việc suốt ngày ở nhà, có việc gì người ta đến công ty gặp tôi chứ tôi có đi đâu đâu. Thi thoảng cùng chồng về Quy Nhơn để giỗ chạp, tôi mới đi thôi”.
Trong 2-3 năm vừa qua, thị trường bất động sản lao dốc, cộng với chuyện không thấy chiếc Phantom 77L-7777 xuất hiện trên đường phố khiến bà Diệp bị các tin đồn bủa vây. “Tin đồn về tôi nhiều vô số kể từ vỡ nợ, cấm xuất cảnh đến bệnh nặng nằm liệt giường”. Với lời đồn “cấm xuất cảnh”, bà Diệp vào nhà lấy cho tôi xem 2 cuốn passport một cũ, một mới với chi chít các dấu mộc xanh đỏ xuất nhập cảnh trong 4 năm qua.
Ông Geogre Rowlands - Giám đốc hậu mãi của Rolls Royce châu Á -TBD đang kiểm tra tình trạng chiếc Phantom của bà Diệp vào năm ngoái (ảnh: DBD) 
Riêng với chiếc Phantom, bà Diệp: “Tôi không bao giờ bán nó bởi với tôi chiếc xe là một kỷ niệm đẹp và nó cũng không hề mang lại xui xẻo cho tôi. Làm ăn có lúc thịnh lúc suy nhưng ở đời bao giờ cũng đầy chuyện thị phi”.
Ngồi một chỗ cũng không yên. Bà Diệp nói năm ngoái tự dưng có bài báo nói bà là nữ đại gia “vung tiền chơi trội” mua siêu xe rồi mua đấu giá bức tranh bằng đồng giá 10 tỉ đồng. Những điều đó khiến bà Diệp ít nhiều khó chịu.
Bà Diệp kể vừa mới thay bộ da ghế mới cho chiếc Phantom: “Xe để lâu không đi, mình không để ý mà khí hậu ở Việt Nam lại ẩm nên da ghế bị mốc. Bên đại diện hãng Rolls Royce ở Singapore đã cho người sang bảo hành”. Theo đó, năm ngoái, đích thân ông George Rowlands – Giám đốc hậu mãi hãng Rolls Royce khu vực châu Á - Thái Bình Dương sang Việt Nam để kiểm tra định kỳ chiếc Phantom của bà Diệp.
Tháng 6.2013, hãng Rolls Royce đã mở đại lý đầu tiên tại Hà Nội. Tại buổi lễ, đại diện hãng Rolls Royce đã cho biết ,đến giờ chiếc Phantom của bà Dương Thị Bạch Diệp là chiếc duy nhất đặt hàng trực tiếp chính hãng. Kể từ sau này, sẽ không có chiếc Rolls Royce thứ hai ở Việt Nam đặt hàng trực tiếp với nhà máy ở Anh quốc mà bắt buộc phải thông qua đại lý.

                                                                                                                                          Đăng Khoa
Theo motthegioi.vn


Không có nhận xét nào: