Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Bắc Giang : Tân Yên có gà 9 cựa


(BGĐT)-"Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”- món thách cưới độc đáo của Vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh, Thuỷ Tinh những tưởng chỉ có trong truyền thuyết. Vậy mà anh Diêm Đăng Cương, thôn Trong, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) lại đang sở hữu hàng chục con gà 9 cựa quý hiếm.

Một trong những chú gà 9 cựa của anh Diêm Đăng Cương.
Đeo kính cho "gà chúa”

Bán tín bán nghi, tôi tò mò tìm đến nhà anh Cương. Qua nhiều khúc quanh co với hơn chục ngõ nhỏ, cuối cùng cũng tới nơi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, anh Cương hào hứng kể lại cơ may có được giống gà quý hiếm: "Năm 2009, trong một lần lên tỉnh Phú Thọ chơi, tình cờ nghe người bạn kể về giống gà 9 cựa nhưng tôi không tin bởi từ trước tôi nghĩ nó chỉ có trong truyền thuyết, làm gì có thật. Chỉ đến khi được chiêu đãi món gà 9 cựa tôi mới thực sự ngỡ ngàng”.
Ra về, người bạn hứa tháng sau tặng anh đôi gà 9 cựa làm giống. Giữa tháng 5 trời nắng như rang, anh Cương vượt quãng đường hơn 120km lên Phú Thọ đem đôi gà quý về nuôi. Ban đầu, sợ gà bay mất, anh làm một cái chuồng sắt nhỏ có khay đựng thức ăn, nước uống. Hằng ngày, mỗi khi cho gà ăn anh đều ngắm nghía, nâng niu.
Hai tháng sau, thấy gà khoẻ mạnh, vườn rộng, anh Cương thả ra để chúng được sống trong môi trường tự nhiên. Khoảng 6 tháng tuổi, gà trống đã nặng gần một kg và bắt đầu trổ mã, tập gáy.

Sau 8 tháng, gà mái đẻ được hơn chục trứng. Anh Cương đếm từng ngày một mong đàn gà con ra đời, không biết chúng có nhiều cựa như con giống hay không? Ban đầu do chưa biết cách chăm sóc nên 4 trứng bị hỏng. Sau nhiều đêm trăn trở, anh nghĩ bên trong trứng gà là một cơ thể sống, việc thay đổi thường xuyên vị trí giúp phôi gà không dính vào vỏ. Với cách làm này, hằng ngày cứ 2 - 3 giờ anh lại đảo trứng một lần. Đến ngày thứ 21, lần lượt từng con gà lông vàng ươm, xinh xắn chui ra từ những quả trứng, khuỷu chân của chúng đã xuất hiện vài cựa non đầu tiên.

Anh Cương chia sẻ: "Có lẽ tôi là người nuôi gà mát tay. Đàn gà lớn nhanh, không mắc dịch bệnh”. Đặc điểm của gà trống 9 cựa là: Mào đỏ rực, đuôi cong vồng, mắt tinh anh, chân to, cựa mọc đều ở hai chân, cái cong vút như nanh lợn rừng, cái gai góc, xù xì giống vỏ cây. Giống gà này rất hiếu chiến, nên từ khi còn nhỏ anh Cương cẩn thận đeo kính nhựa cho từng con để chúng hạn chế mổ nhau. Đàn gà của anh phần lớn là những con có từ 6-8 cựa, con 9 cựa rất hiếm nên anh gọi là "gà chúa”.


Bán gà trên mạng

Nuôi gà 9 cựa thành công, anh Cương lại nghĩ đến đầu ra. Ở nơi xa xôi này, làm thế nào để mọi người biết đến giống gà quý hiếm? Sau nhiều lần mày mò, anh tìm đến các trang Raovat.com, muaban.net... trên mạng internet đăng tin bán gà 9 cựa. Một tuần sau, có vị khách ở Bắc Ninh gọi cho anh ngỏ ý muốn mua một đôi. Anh nhiệt tình đem đôi gà đến đúng địa chỉ của vị khách. Đôi gà gần 3kg/con bán được hai triệu đồng.

Đặc điểm của gà trống 9 cựa là: Mào đỏ rực, đuôi cong vồng, mắt tinh anh, chân to, cựa mọc đều ở hai chân, cái cong vút như nanh lợn rừng, cái gai góc, xù xì giống vỏ cây.
Trở về nhà, anh Cương trăn trở và quyết định mở rộng quy mô nuôi gà 9 cựa kết hợp nuôi gà ta. Anh mạnh dạn đầu tư xây dựng hai dãy chuồng úm gà cải tiến dài 70m để nuôi gà trong vườn. Năm 2012, anh Cương có khoảng hơn 100 con gà 9 cựa, 3.000 con gà ta thịt.
Nuôi gà 9 cựa từ khi mới nở đến lúc xuất chuồng mất từ 8 tháng đến một năm, tuỳ theo số cựa của gà mà giá bán khác nhau. Thịt gà thơm, ngọt, chắc nên bán rất chạy. Những con từ 5 đến 8 cựa có giá bán trung bình khoảng 300 nghìn đồng/kg, vào dịp Tết, giá cao hơn. Gà đủ 9 cựa có giá không dưới 2 triệu đồng/con. Hằng năm, trừ chi phí anh Cương thu lãi hơn 200 triệu đồng. Anh khoe, tuần trước có một vị khách ở Hà Nội bỏ ra 5 triệu đồng để mua một con.
Nhiều khách hàng sau khi đọc được thông tin trên mạng liền gọi điện muốn anh chụp ảnh để nhìn gà, nếu đúng sẽ chuyển tiền vào tài khoản, rồi cho địa chỉ nhờ anh gửi xe khách đến tận nơi. Do nhu cầu ngày càng cao trong khi thời gian nuôi dài, đến nay đàn gà 9 cựa của anh chỉ còn khoảng 20 con, trong đó 10 con đủ 9 cựa, còn lại từ 6 - 8 cựa.

Từ sự đam mê, hăng say trong lao động, anh Cương đã thành công trong việc bảo tồn giống gà tưởng như chỉ có trong truyền thuyết và trở thành người đi đầu, khởi xướng một nghề mới ở Bắc Giang.
Trần Lan

 Nguồn Báo Bắc Giang  điện tử

Không có nhận xét nào: