Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Bắc Giang: Vẫn nhức nhối nạn mất cắp cổ vật

- Sau thời gian im ắng, gần đây, tình trạng mất cắp cổ vật trong di tích lại diễn ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong khi đó, công tác bảo vệ vẫn chỉ dừng ở mức… “rào giậu”, việc đấu tranh, truy tìm và thu hồi cổ vật bị đánh cắp chưa có nhiều kết quả.
Nơi kẻ trộm phá tường lấy cắp tượng Phật tại chùa Ninh Khánh vào tháng 2 năm nay.
Tượng Phật cũng… bất an

Những tưởng ở nơi linh thiêng như đình, chùa không ai dám trộm cắp, vậy mà bọn "đạo chích” không loại trừ, khiến cho tượng Phật cũng… bất an. Huyện Việt Yên là địa phương khá nhức nhối nạn trộm cắp cổ vật. Gần đây nhất vào tháng 2- 2014, sau khi làng Thổ Hà, xã Vân Hà tổ chức lễ hội xuân ít ngày thì "đạo chích” đã vượt tường vào chùa (di tích lịch sử văn hóa quốc gia) lấy đi pho tượng cổ Thế Tôn bằng chất liệu đồng đen có niên đại hàng trăm năm.
 
Điều đáng nói là thủ đoạn của bọn trộm khá tinh vi, chúng trải cát xuống nền chùa để khi đặt tượng đồng không phát ra tiếng động. Ngay sau khi phát hiện, nhà chùa báo chính quyền và công an địa phương, tuy nhiên từ đó đến nay, số phận pho tượng cổ vẫn "bặt vô âm tín”.

Chùa Ninh Khánh thị trấn Nếnh (Việt Yên) - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cũng bị kẻ trộm "hỏi thăm” nhiều lần. Từ năm 2012 đến nay, di tích này bị kẻ cắp đột nhập hai lần và lấy đi 4 pho tượng cổ. Lần thứ nhất vào tháng 9 năm 2012 bị mất 2 tượng Di Lặc và Ca Diếp và lần thứ hai vào tháng 2 năm nay, một lần nữa chùa bị kẻ trộm phá tường vào lấy cắp 2 pho tượng Tam Thế và đến giờ vẫn chưa thấy tung tích.
Lật lại những vụ mất cổ vật trong di tích trước đây cho thấy, đa phần các vụ mất cắp di vật, cổ vật trong di tích đều xảy ra vào ban đêm tại những nơi an ninh lỏng lẻo và nhất là trong mùa lễ hội đông người ra vào. Trong đó có nhiều vụ mất cổ vật với số lượng lớn như: Năm 2003 chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) bị mất 6 pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật điêu khắc thuộc hàng đẹp nhất miền Bắc. Năm 2009, tại chùa Bổ Đà mất 6 pho tượng gỗ, chùa Cao Lôi, xã Ninh Sơn (Việt Yên) mất 10 tượng cổ.
 
Tháng 3 - 2010, kẻ trộm đã lấy đi 2 tượng Phật ở chùa Linh Sơn, xã Lão Hộ và 3 pho tượng cổ ở chùa Phúc Sơn, xã Tân Tiến (Yên Dũng). Tại Hiệp Hòa, mất 13 sắc phong, 7 bức chạm khắc và đồ thờ ở đình Vạn Thạch, xã Hoàng Vân... Đáng nói hơn cả là có nhiều di tích trong số đó bị kẻ gian trộm cắp tới lần thứ ba.

"Mỡ treo miệng mèo”

Nếu quan sát, có thể nhận thấy sự lỏng lẻo, hớ hênh và thiếu cảnh giác trong công tác an ninh tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Đa phần các công trình nằm ở những khu vắng vẻ, xa dân cư, thậm chí có nơi chỉ khóa cửa để đó không có người trông coi, lại có di tích cửa đang mục hỏng nhiều chỗ, vô hình trung tạo điều kiện cho kẻ trộm tung hoành.

Theo giải thích của nhà sư Thích Đàm Phương, Trụ trì chùa Ninh Khánh, hiện nhà chùa chỉ có 2 người đều là nữ, chùa lại biệt lập giữa chốn đồng không mông quạnh, nếu giữa đêm, kẻ trộm đột nhập thì chỉ riêng việc bảo vệ an toàn tính mạng đã khó nói gì đến chuyện giữ tượng.
 
Còn theo ông Dương Văn Sùng, người trông coi đình Vạn Thạch, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa): Thông thường chỉ ngày rằm, mùng một hằng tháng, các cụ và người dân trong thôn mới ra đình mở cửa làm lễ, còn ngày thường đóng cửa để đấy nên rất khó bảo vệ cổ vật. Cũng về vấn đề an ninh trong di tích, Trụ trì chùa Bổ Đà, Đại đức Tự Tục Vinh cho rằng: Thông thường kẻ trộm hay lợi dụng những thời điểm sơ hở như ban đêm, giữa giờ nghỉ trưa lấy cắp cổ vật. Để khắc phục việc này, nhà chùa đã tăng cường công tác an ninh, phân công mọi người thay phiên nhau trông coi bảo vệ di tích, khi có nghi vấn sẽ báo ngay cho công an địa phương. Tuy nhiên, không phải di tích nào cũng làm được như vậy, thậm chí nhiều di tích không có cả hàng rào bảo vệ…

Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang cho biết: Việc quản lý di tích tại nhiều nơi còn buông lỏng, thiếu sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Mặc dù khi được Nhà nước xếp hạng, ngành văn hóa tỉnh đều yêu cầu thành lập ban quản lý di tích cơ sở nhưng đa phần các xã, thị trấn giao cho các cụ cao tuổi, thủ từ, thủ nhang hoặc sư trụ trì trông coi, dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc”, khi để xảy ra mất cắp cổ vật, không biết quy trách nhiệm cho ai.
 
Điều này xuất phát từ thực tế việc chi trả thù lao cho người trông coi, bảo vệ di tích hầu như chỉ là "tùy tâm”, chưa kể có nơi không thực hiện được. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ các di tích ở nhiều nơi bị xem nhẹ. Hơn nữa, các cổ vật, di vật đều chưa được kiểm kê, đánh kí hiệu bảo mật, nhận dạng nên vấn đề truy tìm gặp rất nhiều khó khăn.
 
Thêm nữa, thị trường cổ vật đang sôi động, nhu cầu sưu tầm, buôn bán cổ vật ngày càng cao khiến tình hình trộm cắp thêm phức tạp. Thực tế trước đây ngành văn hóa đã có ý tưởng phối hợp cùng cơ quan công an tổ chức đánh số bảo mật cho hiện vật, như vậy chắc chắn công tác tìm lại cổ vật sẽ dễ dàng hơn nhưng vì nhiều lý do đến nay chưa thực hiện được.

Tăng cường phòng gian, bảo mật

Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, từ năm 2001 đến hết năm 2013, toàn tỉnh xảy ra hơn 50 vụ mất cắp trong di tích, kẻ gian đã lấy gần 300 di vật, cổ vật, trong đó chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, bát hương cổ. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là việc thu hồi và đấu tranh đưa tội phạm trộm cắp cổ vật ra ánh sáng chưa có nhiều kết quả.
 
Để bảo đảm công tác "phòng gian, bảo mật” trong di tích hiệu quả hơn, ông Nguyễn Hữu Phương cho rằng, một mặt các địa phương quan tâm có chế độ thỏa đáng cho những người trông coi, thành viên ban quản lý di tích cơ sở, đồng thời gắn trách nhiệm rõ ràng cho từng người.
 
Mặt khác ngành công an cần tăng cường công tác phối hợp, tích cực đấu tranh, đưa một số vụ việc ra ánh sáng để tạo tính răn đe, cùng đó, tổ chức tập huấn công tác giám định di vật, cổ vật cho công an xã, phường. Tổ chức đánh dấu, xây dựng bản ảnh nhận dạng di vật, cổ vật khi phát hiện mất cắp sẽ có căn cứ để điều tra, thu hồi.
 
 
Nhóm PV VH-XH

Theo Báo Bắc Giang điện tử

Không có nhận xét nào: