Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Trung Quốc xây dựng trái phép tại bãi đá Tư Nghĩa: Ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông



Những thông tin hình ảnh mới nhất từ hiện trường cho thấy Trung Quốc không chỉ xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma, mà còn thực hiện hàng loạt hành động đưa tàu vận tải công suất lớn cấp tập xây dựng tại bãi đá Tư Nghĩa - một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ghi nhận của Lao Động tại hiện trường cho thấy Trung Quốc đã điều tàu vận tải công suất lớn, tàu cuốc Thiên Kình mở luồng, hút phun cát, cấp tập xây dựng trên bãi đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các chuyên gia pháp luật quốc tế, hành động trên là bằng cứ sống động thể hiện rõ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. 
Bằng hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, ngang nhiên cấp tập xây dựng căn cứ quân sự, xây dựng đảo nhân tạo trên đảo Gạc Ma, bãi đá Tư Nghĩa… Trung Quốc đã tự ý xé bỏ thoả thuận DOC, bất chấp pháp luật quốc tế. 
Những hình ảnh ghi nhận từ hiện trường cho thấy không chỉ quy mô xây dựng, mà còn là bằng chứng sinh động thể hiện sự ngang nhiên của Trung Quốc trong việc xây dựng trái phép các công trình trên bãi đá Tư Nghĩa. 
 
Những ngư dân Việt Nam đánh cá quanh khu vực này cho biết, tàu cuốc Thiên Kình liên tục hoạt động ầm ầm suốt ngày đêm, mở luồng, phun những cột cát cao hàng chục mét. Ngoài ra Trung Quốc còn điều nhiều tàu quân sự đến bảo vệ cho việc xây dựng này.
Trước đó, Báo Philstar (Philippines) dẫn báo cáo mật của Chính phủ Philippines cho biết, Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất trái phép không phải trên 1 mà là 5 khu vực - đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Én Đất - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các quan chức cấp cao Philippines cũng xác nhận với Đài TV5 và chỉ ra rằng, Philippines đã phát hiện ra các hoạt động nạo vét trái phép và di dời vật liệu của tàu Trung Quốc. Cụ thể, các bức ảnh mà họ cung cấp cho TV5 cho thấy tàu kéo, tàu hút bùn với những đường ống dài ngang ngược cắm xuống đáy biến hút vật liệu rồi đổ lên các rạn san hô.
 
Những quan chức này cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành hoạt động trái phép này của mình tại đá Gạc Ma từ cuối tháng 3. Các hoạt động trái phép khác tại đá Én Đất và đá Châu Viên sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Tại đá Ga Ven, việc cải tạo đất trái phép có thể kéo dài khoảng 1 tháng hoặc hơn. 
Hiện tại Philippines không phát hiện các hoạt động tương tự tại 3 khu vực khác mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng cơ sở đồn trú trái phép là đá Chữ Thập, đá Su Bi và đá Vành Khăn. Tuy nhiên, báo cáo không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo chúng sau khi hoàn tất mọi việc trên 5 rạn san hô trên.
Báo cáo cũng dự đoán rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu thực hiện các hoạt động trái phép của mình ở đá Chữ Thập và đá Su Bi trước tiên.
Các nhà quan sát Philippines và quốc tế đều thống nhất quan điểm cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng các cơ sở đồn trú của mình ở những khu vực đó là một phần trong những âm mưu của nước này nhằm đạt được tham vọng nắm quyền kiểm soát hoàn toàn trong khu vực.
Hồi tháng 3, Philippines đã tố cáo Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trái phép tại đá Chữ Thập. Bộ Ngoại giao nước này đã công bố những bức ảnh cho thấy những thay đổi của 2 cơ sở đồn trú của Trung Quốc, từ một diện tích nhỏ đã lên tới gần 9ha, chỉ sau 2 năm.
Theo Philstar, Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng một sân bay tại đá Gạc Ma. Một khi đi vào hoạt động, sân bay này sẽ là một cơ sở để Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.
 
Trên cơ sở đồn trú trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar giám sát mặt đất và trên không cũng như hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh, bãi đỗ trực thăng, cầu tàu. Đã có 200 lính Trung Quốc đóng phi pháp trên đó cùng nhiều vũ khí hạng nặng.
Còn tại cơ sở đồn trú trái phép trên đá Su Bi, Trung Quốc cũng đã xây dựng bãi đỗ trực thăng và bố trí khoảng 200 lính đồn trú.
Trang web Stratfor - chuyên phân tích về các vấn đề địa chính trị - đánh giá rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược khai thác dầu và cải tạo đất để củng cố những đòi hỏi chủ quyền phi lý trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời làm suy yếu khả năng các quốc gia khác thách thức quyền lực của mình. Stratfor cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng biên giới của mình bằng chiến lược đó khi mà nước này vẫn đang nâng cao năng lực hậu cần hải quân.

                             NHÓM PHÓNG VIÊN Báo Lao Động


                                          Theo laodong.com.vn

Không có nhận xét nào: