Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Cay đắng mùa vải


Vải thiều được mùa chín đỏ cây mà không thấy bóng dáng thương lái, nhiều nông dân sốt ruột ùn ùn chở vải thiều đến tận điểm thu mua. Kẻ bán nhiều hơn người mua khiến giá vải giảm mạnh

Những ngày này, từ sườn đồi, vườn nhà cho đến các con đường ở 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương rực đỏ một màu vải thiều. Các chuyến xe thồ, xe kéo ùn ùn đưa vải đến các điểm tập kết mà thương lái đã đợi sẵn để thu mua đưa đi các tỉnh, thành phố.
Chị Hoàng Thị Oanh (ngụ xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) chở 2 sọt vải kềnh càng đi gần chục km về chợ vải phố Kim, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn. Gạt đi những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, chị thở dài nói: “Hơn tạ vải chỉ thu được 800.000 đồng, chẳng bõ công sức bao ngày chăm sóc đến khi thu hoạch”.
Không có người thu mua, nông dân chở vải ra thẳng điểm tập kết của các thương lái để bán
Không có người thu mua, nông dân chở vải ra thẳng điểm tập kết của các thương lái để bán
Cùng tâm trạng với người bạn cùng xã, chị Lê Thị Hồng kể năm
ngoái bán xô tại vườn cũng được gần 20.000 đồng/kg, năm nay phải tự đưa vải ra tận điểm cân mà giá chỉ khoảng 7.000 đồng/kg. Với 120 gốc vải thu khoảng hơn 10 tấn, giá bán bình quân 6.000-7.000 đồng/kg, dự kiến năm nay, nhà chị thu khoảng 65-70 triệu đồng. “Trừ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và tiền công thuê người hái, buộc... thì vụ vải này, gia đình tôi chỉ được khoảng gần 40 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với năm ngoái” - chị Hồng than.
Theo ông Liêu Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn, vải thiều Lục Ngạn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Những năm trước đã xảy ra tình trạng người dân bị thương lái ép giá. Năm nay, thương lái Trung Quốc cũng thu mua nhưng họ không mua loại “vải rừng” (loại xấu nhất) mà chỉ tập trung mua vải loại 1 - loại ngon nhất, đẹp nhất.
Đến cuối chiều 18-6, thương lái Trung Quốc đã ép giá còn 6.000 đồng/kg. Cũng vào thời điểm này, người dân vẫn ùn ùn chở vải về các điểm thu mua tập trung tại thị trấn Chũ, ngã ba Kép, phố Kim…
Trong khi đó, tại các điểm tập kết vải ở thị xã Chí Linh (huyện Chí Linh) và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), cảnh mua bán khá đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua. Thương lái chỉ trả 6.000 đồng/kg đối với vải thiều Thanh Hà loại 1 nên đến cuối giờ chiều, nhiều người vẫn chần chừ không muốn bán vì quá rẻ.
Chị Trần Thị Hoa (ngụ xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà) than thở: “Cùng thời điểm này năm ngoái, vải thiều Thanh Hà bán từ vườn là 12.000-13.000 đồng/kg; năm nay, chúng tôi đưa đến tận nơi tiêu thụ như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… cũng chỉ có 10.000 đồng/kg”. Theo chị Hoa, do thương lái Trung Quốc không tổ chức rầm rộ thu mua vải thiều tại vườn nên việc tiêu thụ bị tắc hoặc nếu họ có mua thì cũng làm đủ trò để ép giá. 
Nam tiến để “đổi vận”
Lần đầu tiên, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã tổ chức hội nghị tại TP HCM bàn về biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ quả vải ở vùng Đông - Tây Nam Bộ.
Ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, cho biết hội nghị đã đi đến việc ký kết nguyên tắc phối hợp tiêu thụ quả vải giữa tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và 11 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ, đồng thời ký kết thỏa thuận tiêu thụ vải thiều giữa huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), thị xã Chí Linh và huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) với các chợ đầu mối, doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn TP HCM.
Về kế hoạch dài hạn, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: Nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại...
Bài và ảnh: Trọng Đức


Theo nld.com.vn

Không có nhận xét nào: