Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo sẽ nói gì về việc “tồn kho” cử nhân?


 -Nhiều đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo về vấn đề này để có giải pháp tránh lãng phí cho xã hội.



Trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, đào tạo tràn lan không theo qui hoạch, mạnh ai nấy làm… khiến đất nước “bội thực” cử nhân. Cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm… Tình trạng này đã khiến nhiều Đại biểu Quốc hội thực sự lo lắng cho vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm hiện nay.
Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ), năm 2005 cả nước có khoảng 227 trường đại học, cao đẳng, đến năm 2010 cả nước thành lập thêm 137 trường, tổng số trường đến nay là 427 trường cao đẳng, đại học. “Gần như tỉnh nào cũng có trường đại học, tuyển sinh các năm qua đều tăng nhưng chất lượng đào tạo sinh viên ra trường rất kém” – ông Huỳnh Văn Tiếp nói.
Đại biểu dẫn báo cáo, hiện nay có trên 100.000 sinh viên cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Nhiều trường đại học ở các tỉnh gặp khó khăn trong việc tuyển sinh khai giảng năm học.
Còn theo đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình), hàng trăm ngàn sinh viên đại học ra trường không tìm được việc làm, rất nhiều người trong số họ lại quay trở về làm công nhân, về học trung cấp nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm gây lãng phí, thất thoát cho xã hội và cho người dân.
Điều người dân tiếp tục quan tâm là bắt đầu từ năm học này Bộ Giáo dục bỏ quy định về điểm sàn vào đại học, các trường đại học sẽ lại thi nhau thực hiện hết công suất đào tạo những gì mình có thể và không biết xã hội có cần hay không?
“Như vậy thì danh sách thất nghiệp không chỉ là 100.000 sinh viên và số này sẽ còn tiếp tục kéo dài đến đâu? Người dân, xã hội tiếp tục chịu lãng phí như thế nào? Mặc dù việc này chúng ta đã đều biết” – đại biểu Bùi Văn Phương bày tỏ băn khoăn.

Ngành giáo dục phải tự chấn chỉnh mình trước
Để giải quyết số cử nhân, thạc sĩ “tồn kho” này, theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Việc này không phải là việc nhỏ, khả năng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn về vấn đề đó tại kỳ họp lần này”.
Theo ông Đào Trọng Thi, các cơ sở đào tạo không nên chạy theo số lượng đào tạo mà phải theo khả năng của mình, nên đáp ứng theo nhu cầu đào tạo của xã hội. Nếu làm tốt được điều đó thì sẽ khắc phục được tình trạng cử nhân thất nghiệp. “Phân tích kỹ hơn thì việc này không phải là việc nhỏ, khả năng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn về vấn đề đó tại kỳ họp lần này, có lẽ chờ đến lúc đó thì sẽ có sự phân tích đầy đủ hơn” – ông Đào Trọng Thi cho biết.
Làm rõ hơn nguyên nhân dư thừa cử nhân và thạc sĩ, theo ông Đào Trọng Thi, nhiều trường không có khả năng dự báo dài hạn, trong khi đào tạo nguồn nhân lực phải là dài hạn, phải dự đoán được 5 – 7 năm sau người ta cần cái gì? Thứ hai là quy hoạch nhân lực của ta làm chưa tốt, chưa phù hợp, chưa đúng với thị trường lao động.
Các trường đang đào tạo theo khả năng, lợi thế mà không tính đến chuyện đào tạo để đáp ứng được thị trường lao động. Như vậy là rời rạc và người đi học cũng không tính sau khi mình học xong sẽ làm được việc gì, mà trách nhiệm của người đi học cũng phải tìm hiểu chứ không cứ đi học bừa rồi xã hội phải lo cho mình. Cho nên người lao động phải lo cho mình đầu tiên và người lao động phải có quyền lợi đầu tiên về chuyện này. Tất nhiên có những việc phải do nhà nước quy hoạch, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng ngành nghề. “Tôi nghĩ rằng nhà nước, các cơ sở đào tạo, người lao động cần phải có trách nhiệm theo từng góc độ của mình với xã hội thì mới có thể khắc phục được” – ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Theo Luật Giáo dục đại học thì chỉ tiêu tuyển sinh là do các cơ sở đào tạo và theo năng lực đào tạo của nhà trường. Ví dụ như trường có bao nhiêu giảng viên, có bao nhiêu cơ sở vật chất, mặt bằng thiết bị thì mới xác định được chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế của trường. Nhưng hiện nay các cơ sở đào tạo chỉ xác định theo con số chung. Một cơ sở đào tạo có rất nhiều ngành nghề trong khi mỗi giáo viên chỉ được đào tạo theo một chuyên ngành thôi.
Cách các trường đang làm hiện nay là lấy tổng số cán bộ giảng dạy, diện tích mặt bằng cơ sở vật chất, thiết bị rồi chia cho tổng số chỉ tiêu, việc phân các chỉ tiêu ấy ra từng ngành cụ thể như thế nào cũng do nhà trường. Chúng ta đang xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo nên không phản ánh yếu tố, chất lượng quy hoạch nguồn nhân lực. Cách làm này chỉ xác định chung chung trong một cơ sở đào tạo mà chưa chi tiết vào từng ngành nghề của cơ sở đào tạo ấy.
Để giải quyết “tồn kho” cử nhân, theo ông Đào Trọng Thi, cần phát triển việc làm, vì thất nghiệp tăng khi xã hội chưa tạo ra được việc làm. Thứ hai là những người được đào tạo phải tích cực, có thể có nơi như miền núi cần người ta lại thích ở lại thành phố.
Thêm vào đó, Nhà nước phải có chế độ chính sách để thu hút nhân lực. Chính sách, chế độ ở các cơ sở, địa phương sử dụng nguồn nhân lực không hấp dẫn, không thu hút được người lao động có trình độ. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải có chính sách, cơ chế phù hợp để thu hút nhân lực. Nếu những người được đào tạo ra mà không có việc làm do nhu cầu lao động ở trong thị trường không có thì phải tự học thêm các ngành nghề mới xã hội đang có nhu cầu. Người đã được đào tạo, đang thất nghiệp chưa tìm được việc làm phải tự thân vận động.
“Trước tiên, ngành giáo dục và đào tạo phải điều chỉnh lại hoạt động giáo dục đào tạo, trước hết là quy hoạch nguồn nhân lực và hướng dẫn các trường tuyển dụng chỉ tiêu phải tốt hơn theo từng ngành nghề, cơ cấu đào tạo, chứ không phải chỉ dừng lại ở tổng số đào tạo” – ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh./.
Theo Vũ Hạnh/VOV online
 

Không có nhận xét nào: