Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Nợ công: Bộ trưởng nói an toàn, Đại biểu Quốc hội lo lắng


 - Nợ công, nợ Chính phủ đang ở trong mức giới hạn của pháp luật cho phép, nhưng tình hình đã đe dọa tới an ninh tài chính vi mô.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng nay (11/6), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Đã có 17 đại biểu trực tiếp chất vấn Bộ trưởng. Cùng với đó, các Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế cũng đã có phần báo cáo thêm về các vấn đề liên quan.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, không khí chất vấn rất thẳng thắn, tinh thần cởi mở, câu hỏi đặt ra sâu sắc, cụ thể, chi tiết. “Bộ trưởng đã trả lời rất chi tiết, rất đầy đủ những vấn đề mà Quốc hội đặt ra. Để giải đáp những nội dung mà Quốc hội chất vấn, vì chi tiết quá nên thời gian trả lời cũng dài, nên phải rút kinh nghiệm” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Tóm lược các nội dung chính trong phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng quan tâm giải quyết để thực hiện có hiệu quả các vấn đề mà Quốc hội đã đặt ra.
Về nợ công, Bộ trưởng nói đang ở mức an toàn, đại biểu thì rất lo lắng việc có nhiều dấu hiệu không an toàn. Bộ trưởng cũng đã chứng minh sẽ cần có nhiều biện pháp để đảm bảo tình hình nợ công vào thế an toàn. Nợ công, nợ Chính phủ đang ở trong mức giới hạn của pháp luật cho phép, nhưng tình hình đã đe dọa tới an ninh tài chính vi mô.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải tái cơ cấu lại nguồn vay để hình thành nợ công, hiện vay 1,2,3 năm trở lại, chưa dùng đã phải trả nợ rồi. Cơ cấu nợ công như vậy là xấu, phải tăng cường lượng vay 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. “Đối với nước ngoài thì vay càng dài càng tốt. Chúng ta mắc nợ và vay nợ ODA vừa lãi thấp, vừa 30 năm, rồi 12 năm ân hạn, chúng ta sẽ không phải lo lắng đến vấn đề nợ công. Sức ta lớn lên, thì chúng ta trả được nợ. Nhưng hầu hết trái phiếu vay trong nước 50% số nợ công, nợ Chính phủ đến nay là vay thời gian ngắn hạn” – Chủ tịch Quốc hội giải thích rõ hơn.
Trước thực tế này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Tài chính báo cáo với CP giải pháp cần thiết trong giai đoạn kinh tế vi mô hiện nay đang ở thế ổn định thì hoàn toàn có thể chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang dài hạn. Điều này sẽ giúp thời gian trả nợ chậm lại.
Về thu –chi ngân sách, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải cân đối nguồn ngân sách Nhà nước, thu ngân sách Nhà nước, thu đúng, thu đủ theo quy định và cân đối thu chi hợp lý để khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước. “Chúng ta trả nợ tới 25% là quá cao rồi. Phải cân đối nguồn thu ngân sách mà trả nợ” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Còn nguồn vay để trả nợ, theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều đại biểu lo lắng, Bộ trưởng cũng rất lo lắng. Chúng ta vay để đảo nợ, tức là vay để trả nợ, là không an toàn. Vay để trả nợ không làm nợ công tăng, thay vì nợ người này sang nợ người khác, thay vì nợ khoản này sang nợ khoản khác. Nhưng chúng ta vay để đầu tư phát triển, bội chi là để đầu tư phát triển, không phải bội chi là để trả nợ.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại: “Quốc hội duyệt bội chi, duyệt trái phiếu Chính phủ, nâng mức bội chi lấy 16.000 tỷ đồng là để đầu tư chứ không phải để trả nợ. Cho nên phải tăng thu để trả nợ. Hiện nay đầu tư phát triển của chúng ta thấp hơn bội chi, 160.000 tỷ trên 220.000 tỷ ngân sách năm nay, nghĩa là 60.000-70.000 tỷ là dùng để trả nợ rồi. Phải tập trung giải quyết vấn đề này”.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại toàn bộ tổng thể nợ công, nợ Chính phủ để đánh giá mức an toàn và có giải pháp giải quyết đảm bảo an toàn. “Hôm nay chưa có vấn đề nhưng đến 2016, 2017, 2020 sẽ có vấn đề” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 
Đối với thu ngân sách, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chỉ cần thu đúng, thu đủ năm nay có khả năng vượt thu ngân sách. Ngành tài chính, thuế, hải quan tăng cường các biện pháp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nộp thuế, hỗ trợ DN làm ăn. Cùng với đó là tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ ngành thuế, hải quan để có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, trong sạch.
Về kiểm soát giá, Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính có biện pháp cần thiết, đề nghị Bộ Tài chính và ngành liên quan tập trung vào các ngành thiết yếu để kiểm soát, có biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân; công tác quản lý giá  theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch.
Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Tài chính bám sát tiến bộ cổ phần hóa. “Cổ phần hóa thực chất là mua bán lại vốn Nhà nước ở các DNNN. Do đó, việc định giá phải công khai minh bạch trên thị trường, giá cổ phần cổ phiếu phải ra thị trường chứng khoán, tránh thất thoát cho Nhà nước” – Chủ tịch Quốc hội nói./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Không có nhận xét nào: