Như Lao Động đã thông tin, ông Quân cùng nhiều cán bộ khác của Công an tỉnh Sóc Trăng liên quan đến vụ án “giết người” xảy ra tại địa phương này. Sau đó, 7 người được cho là giết người được “thoát tội” do có hai người ra đầu thú, cả 7 người trước đó được minh oan.

 Liên quan đến sự việc này, ngày 8.8, đại úy Triệu Tuấn Hưng - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sóc Trăng - cũng bị Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao bắt tạm giam 4 tháng về hành vi “dùng nhục hình”, ông Phạm Văn Núi - nguyên kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng - bị khởi tố, cho tại ngoại hầu tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng thời gian trên, Quân bị khởi tố cho tại ngoại do bị tai nạn giao thông phải điều trị dài ngày.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 6.7.2013, người dân xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề), phát hiện thi thể ông Dũng nằm chết trên đường. Quá trình truy tìm thủ phạm, Công an tỉnh Sóc Trăng bắt tạm giam các nghi can Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ, Trần Cua, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi “giết người” và Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu) cũng bị bắt về hành vi “không tố giác tội phạm”. Khi vụ án sắp kết thúc điều tra, bất ngờ vào tháng 12.2013, Lê Thị Mỹ Duyên đến Công an TPHCM đầu thú. 
Duyên thừa nhận đã thông đồng với Phan Thị Kim Xuyến giết ông Dũng để cướp tài sản. Sau khi di lý cả hai về Sóc Trăng điều tra làm rõ, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với 7 bị can đã bắt trước đó và tất cả được đình chỉ điều tra.
Mới đây, Xuyến bị TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm phạt 12 năm tù về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Đối với Duyên, lúc gây án chưa đủ 14 tuổi nên cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng đưa vào trường giáo dưỡng.

Theo laodong.com.vn