Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Kỳ cuối: Cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của con cháu “Chân tướng Quân”

Xem thêm >>

Kỳ 1: Những bí ẩn chưa từng biết tới trong núi rừng Yên Thế


Cùng với những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian và trong nội bộ gia đình họ hàng thân thiết, những hướng đi khác nhau trong cuộc hành trình đi tìm mộ Hoàng Hoa Thám đã được chỉ ra. Có một quãng thời gian dài, con cháu cụ Hoàng phải đứng trước những lựa chọn...

Kỳ cuối: Cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của con cháu “Chân tướng Quân” - Ảnh 1

Những bản sơ đồ vẽ tay thiếu cơ sở khoa học thế này khó giúp gia đình tìm kiếm thành công mộ tướng quân (ảnh Thành Long).

Nguồn tư liệu của “công chúa Tàu” bị bỏ quên
Theo sự giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Quốc Khánh, con trai bà Hoàng Thị Điệp, cháu gọi Hoàng Hoa Thám là cụ ngoại. Ông Khánh, bà Điệp cùng một người cháu khác là Trịnh Trường Long trong suốt nhiều năm trời đã không tiếc công sức, thời gian đi tìm câu trả lời cuối cùng cho lời sấm truyền: “Ta chết, chỉ có núi rừng biết, chim quạ biết” của cụ Đề Thám. Suốt hành trình gần 20 năm, bất kỳ chỗ nào có manh mối, gia đình đều cố gắng tìm. Tuy nhiên, mọi manh mối đều vô cùng mờ mịt. Hiện, ngoài Lạng Sơn, còn ba địa điểm nghi vấn khác là nơi yên nghỉ của “Hùm xám” Yên Thế gồm Làng Chủng (thôn Quang Châu, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang), Hố Lẩy (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) và xã Tân Lập (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Đây đều là những địa điểm gắn bó nhiều với cụ Đề Thám trong thời gian sống và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Kỳ cuối: Cuộc tìm kiếm không mệt mỏi của con cháu “Chân tướng Quân” - Ảnh 2

Anh Nguyễn Quốc Khánh kể cho phóng viên về hành trình 15 năm tìm kiếm mộ cụ Hoàng Hoa Thám (ảnh Thành Long).

Cũng phải nói thêm về cuộc tình nổi danh giữa Hoàng Hoa Thám với người vợ ba tài giỏi khiếnbáo giới Pháp phải nhiều phen nể phục. Trước khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, bà ba Đặng Thị Nho đã sinh cho cụ Hoàng hai người con là Hoàng Thị Thế và Hoàng Văn Vi (tức Hoàng Hoa Phồn). Bà Thế bị đưa sang Pháp từ khi mới 10 tuổi. Sau đó, bà nổi danh, ở tuổi 15, bà đã trở thành diễn viên tên tuổi, mà báo Pháp gọi bà là “công chúa Tàu”. Bà lấy chồng người Pháp ở Toulouse đầu năm 1930 và có thời điểm sinh sống ở Bỉ. Sau này, vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, bà về sống ở Hà Nội. Quá trình ở Hà Nội, “công chúa Tàu” đã viết hồi ký về cuộc đời và gia đình bà. Tuy nhiên, nguồn tư liệu quý này của bà cũng đã bị quên lãng, sau khi bà mất (ở khu Văn Chương).
Riêng người con trai tên Hoàng Văn Vi, khi Hoàng Hoa Thám mất mới được 5 tuổi. Ông Vi sinh ra cũng là lúc thành Phồn Xương đang nguy cấp. Lúc đó, cụ Đề Thám mới đem gửi ông cho một người là nghĩa quân của mình tên Đề Suý ở Sỹ Cầu nuôi dưỡng. Năm lên 7 tuổi, ông Vi bị thực dân Pháp bắt. Chúng giao ông Vi cho Án Giáp Bắc Ninh nuôi và cho ông đi học trường tỉnh nhưng “mỗi bước đi tới trường đều có hai người lính đi kèm”. Khi ông Vi 15 tuổi, người Pháp cho lên Hà Nội học trường Bách nghệ. Ông mê máy móc nhưng chỉ được học nghề mộc. Sau 3 năm, ông xin về quê làm ăn. Năm 19 tuổi, Hoàng Hoa Phồn được cụ Thống Luận gả con gái cho. Hai người con của ông là Hoàng Thị Điệp và bà Hoàng Thị Hải về sau cũng chính là những người mở đầu, kiên trì nhất trong cuộc tìm kiếm mộ phần cụ Hoàng. Hai chị em bà Điệp đã không quản khó khăn, nhiều lần cất công đi tìm mộ ông nội, với niềm tin ông không bị chặt đầu mà mất bởi già và bệnh. Chính niềm tin đó đã khiến gia đình hai người cháu nội cụ Hoàng không quản khó khăn, có manh mối là tìm đến.
Hướng nào cho con cháu “Chân tướng Quân” tìm mộ cố nhân?
Bắt đầu từ năm 1998 -1999, cứ nơi nào có thông tin về mộ cụ Hoàng hay có nhà ngoại cảm giỏi, cả gia đình lại khăn gói tìm đến. Anh Khánh và bà Hải cũng đã tìm đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nhờ giúp đỡ. Thế nhưng, thông tin nhận được khá mơ hồ rằng, cụ Hoàng được chôn cất ở một nơi hao hao giống như một cái đình, chùa như mô phỏng nó giống chùa làng Chũng, Ngọc Châu, Tân Yên, Bắc Giang.
Gia đình anh Khánh tìm đến văn phòng của Liên hiệp Khoa học UIA, tìm gặp tiến sỹ Vũ Thế Khanh đề nghị giúp đỡ, được giới thiệu nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở Hải Dương và nhận được một bản đồ vẽ nơi chôn cất cụ Hoàng. Thông tin cũng khá chung, một bên có rừng thông, một bên có con lạch chảy qua. Tuy nhiên đến hiện tại, mọi thứ đều đã thay đổi, việc tìm ra đúng địa điểm này thật sự là khó. Hàng tháng trời, ông Khánh cùng bà Hải cứ đi đi về về giữa Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương tìm thông tin. Hơn một năm, không có kết quả, cuộc tìm kiếm tưởng đi vào ngõ cụt.
Đến năm 2003, gia đình lại một lần nữa nhờ đến sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Đích thân ông Khánh mời bà Bích Hằng đến nhà thờ họ Hoàng ở trong làng Bưởi (Cầu Giấy, Hà Nội) để thắp hương. Lần này, bà Hằng cho thêm thông tin, ở chỗ chôn cụ còn có một bức tường đè lên. Giữa lúc các thông tin trái chiều của các nhà ngoại cảm đưa ra, thì bà Hải qua đời. Trọng trách “chỉ đạo cuộc tìm kiếm” chuyển sang cho bà Điệp và các con là anh Nguyễn Quốc Khánh và anh Trịnh Trường Long.
Năm 2007, bà Điệp tìm gặp nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải tại Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Ông Hải đích thân đưa người nhà cụ Hoàng đến tất cả những nhà ngoại cảm đang nổi lên lúc bấy giờ. Nghĩ đến khoảng thời gian từ 2007-2008, ông Khánh hình dung: “Cả tuần đi theo người của Trung tâm. Đầu tiên, đi lên nhà bà Hoàng Thị Thiêm rồi xuống cô Nguyễn Thu Hoài ở Phú Xuyên; thầy Phục, thầy Bảy, ông Hồng ở Thái Bình,... có nhà ngoại cảm như bà Thiêm, cô Hoài, gia đình phải tìm đến ba bốn lần, có những hôm 11- 12h đêm mới về đến Hà Nội”. Mỗi lần đi đều có bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch Bắc Giang đi cùng. Khi ông Nguyễn Phúc Giác Hải chuyển về bộ môn cận tâm lý thì công việc được bàn giao sang cho Thiếu tướng Chu Phác.
Ngồi thống kê những nhà ngoại cảm mà anh Khánh đã gặp thì ở Thái Bình có 2-3 thầy, Hải Dương có 1 thầy, Hưng Yên có 1 thầy, Sóc Sơn có 1,... mỗi nơi một ít nhưng tổng số thầy chính xác là bao nhiêu thì bản thân anh Khánh cũng không nhớ hết nổi. “Các nhà ngoại cảm ai cũng tập trung, cũng thể hiện rõ tâm nguyện muốn tìm mộ cụ nhưng thông tin thì mù mờ. Riêng có một “thầy” tên Tuấn và một “cô” ở Hải Dương nói là ở trên Hiệp Hòa, có sơ đồ hẳn hoi, khá trùng với sơ đồ “thầy” Liên vẽ từ năm 1998. Biết là thông tin mù mờ nhưng với mong mỏi tìm được mộ cụ Đề, các nhà ngoại cảm nói gì là gia đình nghe theo ấy”, anh Khánh hình dung lại.
Còn khi được hỏi về việc tìm mộ cụ Hoàng Hoa Thám, nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng phát biểu, ngay cả cái chết và hoàn cảnh chết của cụ Đề Thám trong chính sử cũng còn nhiều giả thiết nên việc tìm kiếm phần mộ của cụ sẽ còn phải nghiên cứu kỹ càng. Tìm mộ cụ Đề Thám là việc không đơn giản, bởi trong quan niệm của các cụ ngày xưa, giấu kín phần xác là rất quan trọng. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lịch sử rối ren như vậy, việc chôn cất, giấu kín phần xác mà rất ít người biết được là chuyện đương nhiên. Thậm chí, để đánh lạc hướng, người ta có thể đã dựng lên nhiều câu chuyện khác nhau để không ai biết đích xác về mộ phần của cụ.
Chẳng lẽ lời sấm truyền của cụ Đề Thám trước khi chết rằng: “Nếu ta chết chỉ có trời biết, đất biết, chim quạ biết” khiến phần mộ của cụ ở đâu vẫn là bí ẩn khó khám phá, nằm lại mãi với thời gian? 
Đối xử thế nào cho phải với “Chân tướng Quân” của dân tộc?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Nông, Giám đốc khu bảo tồn di tích Hoàng Hoa Thám (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Bây giờ, việc tìm ra mộ cụ như mò kim đáy bể. Hãy để cái chết của cụ như một bí ẩn còn mãi với thời gian”. Trong khi đó, anh Nguyễn Quốc Khánh, hậu duệ của cụ cho biết, chỉ mong các cơ quan hữu quan, cơ quan liên ngành văn hóa có chủ trương đồng nhất để mở cửa hy vọng cho gia đình tìm được mộ cụ Đề Thám. Với ngôi mộ ở xóm Tân Lập (Hiệp Hòa, Bắc Giang), gia đình sẵn sàng lấy mẫu ADN có thể dựa trên cơ sở khoa học để xác minh có phải là cụ Hoàng Hoa Thám không. Hiện, cốt nhục trực tiếp của cụ Hoàng Hoa Thám là cụ Hoàng Thị Thế và cụ Hoàng Văn Vi vẫn còn phần mộ. Ngoài ra, với công nghệ xét nghiệm ADN theo phả hệ ngược của IGNA (Pháp) sẽ cho ra được một kết luận chính xác.
TRẦN PHƯƠNG – ĐỖ HUỆ


Theo doisongphapluat.com

Không có nhận xét nào: