Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Không nộp phạt vi phạm trừ thẳng vào lương



(ĐVO) - Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính và đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, người bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng cách trừ lương, thu nhập...

Không nộp phạt trừ thẳng lương

Cụ thể, người bị cưỡng chế có thể bị khấu trừ một phần lương, thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá… và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Vi phạm giao thông không nộp phạt sẽ bị trừ thẳng vào lương
Vi phạm giao thông không nộp phạt sẽ bị trừ thẳng vào lương
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ lương là cán bộ, công chức, cá nhân đang làm việc và được hưởng lương tại một tổ chức hoặc cá nhân đang được hưởng bảo hiểm xã hội.

Người bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng cách trừ lương, thu nhập...

Theo quy định tại dự thảo Nghị định, tỷ lệ khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cá nhân không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.

Đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

Nếu không áp dụng được biện pháp cưỡng chế bằng cách trừ lương, bảo hiểm, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng.

Trường hợp cá nhân là người lao động tự do; cá nhân, tổ chức không có tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản không đủ hoặc cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương đương số tiền bị phạt.


Một lần nữa quy định lại khiến dư luận băn khoăn về tính khả thi.

Sớm chết yểu

Dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính của Bộ Công an được đưa ra lấy ý kiến cùng lúc với Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ công an.

Nghị định quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong những hành vi: Không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; Không có vé mà vào những nơi quy định phải có vé; Có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng.

Hình ảnh phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều ở nơi công cộng
Hình ảnh phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều ở nơi công cộng


Khung hình phạt từ 100.000 - 200.000 đồng còn áp dụng với trường hợp không mang theo chứng minh nhân dân, giấy tờ tuỳ thân; Không xuất trình chứng minh nhân dân, giấy tờ tuỳ thân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân.

Nghị định cũng quy định sẽ phạt tiền từ 1 triệu - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác không đúng theo quy định; Tẩy xoá, sửa chữa chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân; Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân, giấy tờ tuỳ thân.

Ngoài ra, trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm; Dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu - 30 triệu đồng.

Quy định này không khác quy định của UBND TP Hà Nội và Sở VHTT Hà Nội ban hành quy định từ năm 2003, quy định "những người cởi trần, mặc quần áo lót ra đường phố hoặc các điểm sinh hoạt công cộng (trừ khu vực bể bơi, tập luyện thể thao, nghệ thuật), sẽ bị phạt 20.000 đến 100.000 đồng/lần.

Nếu vứt rác, đồ phế thải bừa bãi ra lòng đường, hè phố, hút thuốc nơi công cộng, nói tục chửi bậy, gây mất trật tự, đeo bám khách du lịch để xin tiền, đại tiểu tiện không đúng chỗ; tự ý dán các biển quảng cáo, rao bán hàng... cũng bị xử phạt từ 10.000 đến 50.000 đồng. Quy định này nhằm chấn chỉnh lại nếp sống văn minh của thủ đô, đón chào SEA Games 22.

Tuy nhiên, tuổi thọ của quy định này may mắn cũng chỉ kéo dài được hết thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003, sau đại hội kết thúc thì quy định này cũng đi vào im lặng.

Hay mới đây là dự thảo quy định tăng mức hình phạt với tội ngoại tình của Bộ Tư pháp đã gây nhiều tranh cãi.

Theo đó, hành vi ngoại tình bị tăng nặng mức phạt từ 2-5 triệu đồng (mức phạt trong dự thảo nghị định cũ từ 200.000 - 1 triệu đồng).

Nhưng theo các chuyên gia, luật sư quy định là thế còn phạt thì trên thực tế chưa phạt được ai.

Đó chỉ là số ít trong hàng loạt các quy định trên trời đã gây tranh cãi thời gian qua. Bên cạnh những quy định ra rồi lặng lẽ chết yểu, ra rồi chỉnh, sửa, thu hồi thì những quy định không khả thi này là không hiếm.

Thái An (tổng hợp)

 Theo Báo đất việt

Không có nhận xét nào: