Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng




Việt Nam trong tuần:


(VOV) -Tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư nói: ‘Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ở cả trong Đảng, từ Tổng Bí thư trở xuống'
Trong tuần, sự kiện nổi bật được nhiều người quan tâm là hai cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tại Hà Nội) và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hà Tĩnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri (ảnh NLD)
Trong các cuộc tiếp xúc này, cử tri phấn khởi và tin tưởng việc Quốc hội lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm; nhiều nội dung, quyết sách được Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua; Cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là trong các phiên chất vấn công khai, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề mà người dân đang quan tâm…
Tại Hà Nội, trao đổi với cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp vừa rồi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng kết quả bỏ phiếu phản ánh chân thực tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước. Đây là việc triển khai nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11). Chúng ta sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Theo Nghị quyết Trung ương 4 thì sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm để xem người được lấy phiếu đã làm việc và hoàn thành nhiệm vụ chưa? Đã được lòng dân chưa, được lòng cử tri chưa? Nếu phiếu chưa được cao hoặc thấp sẽ  là lời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn. Nếu 2 năm liền lấy phiếu tín nhiệm đều không được quá bán, thì mới làm quy trình đưa ra để bỏ phiếu tín nhiệm. Lúc đó là bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không bất tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ở cả trong Đảng, từ Tổng Bí thư trở xuống.
Còn tại Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, việc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua là để đánh giá cán bộ trong thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm với cử tri, đồng thời đề nghị nhân dân, cử tri tích cực tham gia giám sát, ủng hộ để các hoạt động của Quốc hội hiệu quả, chất lượng và thành công, nhất là sắp tới tham gia giám sát việc bỏ phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh, huyện, xã. Việc lấy phiếu tín nhiệm này phải làm đúng, khách quan, công tâm, trung thực, thận trọng và chính xác như vậy mới tạo được sự đoàn kết trong toàn Đảng, tạo lòng tin trong nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ việc bỏ phiếu lần này vô cùng có ý nghĩa bởi nếu bỏ phiếu không đúng, không công tâm, không khách quan sẽ dẫn đến mất đoàn kết.

Nâng tầm đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia
Chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đặt dấu mốc lịch sử mới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong nội khối ASEAN vì hoà bình phát triển của khu vực.
Đã gần 6 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xây đắp nên tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử mối quan hệ Việt Nam- Indonesia đang ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ. Chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là kể từ khi triển khai “Tuyên bố về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và Toàn diện bước vào Thế kỷ 21” năm 2003. Chính vì thế, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đánh giá rất cao ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Việt Nam tới Indonesia kể từ năm 2001 và dành cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sự đón tiếp trọng thị.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Trong chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước và trong các cuộc tiếp xúc hội đàm và trao đổi với các nhà lãnh đạo Indonesia, có thể thấy rằng hai nước thống nhất rất cao trên các vấn đề song phương cũng như việc hợp tác phối hợp với nhau trên diễn đàn đa phương. Hai nước nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia. Và chính việc thiết lập đối tác chiến lược là cơ hội, bước phát triển mới thắt chặt hơn nữa quan hệ gần gũi, tin cậy vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ổn định của khu vực”.
Cũng trong chuyến đi này, Chủ tịch nước đã tham dự và chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng về hợp tác kinh tế-thương mại giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Indonesia.
Đặc biệt, cũng trong chuyến đi này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có nhiều hoạt động quan trọng thúc đẩy, phát triển sức mạnh nội khối ASEAN.
6 tháng, kinh tế có chuyển biến tích cực; lạm phát không còn là mối lo
Đây là một trong những kết quả đạt được trong 6 đầu năm với sự nỗ lực tích cực của tập thể Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Những tháng còn lại của năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Căn cứ thực tiễn tình hình 6 tháng đầu năm, từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.  
Tập trung điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các giải pháp tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với tình hình lạm phát; tăng dư nợ tín dụng theo kế hoạch, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối; quản lý hiệu quả thị trường vàng. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ thu và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; thực hiên nghiêm việc tiết kiệm, bảo đảm cân đối ngân sách. Thực hiện tốt giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công đồng thời với việc tăng cường các giải pháp huy động vốn xã hội cho đầu tư phát triển; bố trí vốn đối ứng để giải ngân nhanh vốn ODA; triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn; trình Quốc hội cho phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, các dự án cấp bách về thủy lợi, y tế, giáo dục.
Người dân lại lao vào cuộc chen lấn mua-bán vàng
Tính chung trong tuần vừa qua, mặc dù giá vàng có xu hướng tăng ở phiên cuối tuần, nhưng thị trường vàng trong nước và thế giới đã trải qua 1 tuần biến động giá mạnh. Với hướng giảm giá ngay từ đầu tuần, thị trường vàng trong nước tính đến thời điểm hiện tại vẫn rơi hai mốc giá, tương đương giảm 2 triệu đồng/lượng trong tuần.
Thời điểm đáng chú ý trong tuần qua diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/6 khi giá vàng trong nước bất ngờ sụt giảm mạnh. Ngay từ cuối giờ sáng 27/6, giá vàng giảm ngay 500.000 đồng/lượng khi đang từ mức 37 triệu đồng/lượng xuống còn 36,50 triệu đồng/lượng.
Đầu giờ sáng ngày 28/6, giá vàng “rơi thẳng đứng” 1 triệu đồng/lượng xuống mức 35,50 triệu đồng/lượng rồi 35 triệu đồng/lượng. Đây được xem như mức giá thấp nhất trong tuần qua và thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Đặc biệt, ở thời điểm này, biên độ mua – bán được nới rộng tới 1 triệu đồng/lượng, chênh lệch vàng trong nước và thế giới là 4,56 triệu đồng.
Với mức giá giảm thấp, trong 2 ngày 27 và 28/6, lượng giao dịch tại các công ty, cửa hàng vàng tăng đột biến. Người dân đổ xô đi mua vàng với tâm lý bắt giá đáy nên tranh thủ mua bán kiếm lời. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng 2 ngày, các công ty, cửa hàng vàng đã bán ra hàng nghìn lượng vàng trước lượng mua ồ ạt của người dân. Tính đến thời điểm cuối ngày 28/6, khi giá vàng đã quay đầu tăng giá, lượng khách mua vàng vẫn còn đông với tâm lý thu gom trước khi vàng tăng giá trở lại.
Hạ lãi suất, tăng tỷ giá VND-USD
Trong lúc nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều DN khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có một động thái quan trọng “Hạ lãi suất, nâng tỷ giá’.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 2% xuống 1,2%; lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm;
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung cầu - thị trường.
NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao) từ 10%/năm xuống còn 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm 11%/năm xuống 10%/năm.
Với USD, điều chỉnh giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức từ 0,5% xuống 0,25%/năm; với cá nhân từ 2%/năm xuống 1,25%/năm.
Sau một thời gian dài ổn định, lần này, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá 1% lên 21.036 VND/USD.
Vụ đâm 2 bé ở TP HCM
Sau vụ cô giáo mầm non bị truy sát, vụ hai bé bị đâm xảy ra khiến nhiều người lo sợ. Bởi lẽ, sau các hành vi gây tội ác lại có một phán đoán đưa ra “kẻ giết người có biểu hiện tâm thần”. Với tên An, đã có lần hàng xóm nói với gia đình là anh này không bình thường về tâm lý nhưng gia đình từ chối đi chữa bệnh vì cho rằng anh ta không mắc bệnh gì cả.


Liệu rằng, có bao nhiêu ‘quả bom nổ chậm’ giống như tên An đang được các gia đình giấu giếm, sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào và hậu quả thì không ai nói trước được.

Cũng qua câu chuyện đau lòng này, các gia đình cần lưu tâm hơn khi để con trẻ vui chơi ở những nơi cộng./.

    Không có nhận xét nào: