Xử 9 năm không xong một vụ án
Theo hồ sơ do UBND xã Long Định cung cấp, ông Nguyễn Văn A tham gia cách mạng, thoát ly gia đình. Đến năm 1960, ông lấy vợ là bà Huỳnh Thị Khiết, được chính quyền cách mạng cấp 1.375m2 đất để cất nhà. Sau khi có nhà cửa đàng hoàng, ông A rước cha mẹ ruột là cụ Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Thị Liễu về ở chung để tiện phụng dưỡng. Năm 1965, bà Khiết sinh Nguyễn Văn Phương. Tuy nhiên, Phương được 3 tháng thì ông A hy sinh.
Thời điểm này, do chiến tranh ác liệt, lại là “vợ Việt cộng” nên bà Khiết phải bồng con về nhà cha mẹ ruột. Đến năm 1976, bà bị bệnh qua đời, Phương mới 11 tuổi. Nội ngoại hai bên đều khó khăn nên Phương thiếu sự chăm sóc, cứ hết ở nhà ngoại lại sang nhà nội nhờ bữa cơm, việc học hành cũng dở dang. Lớn lên, không nghề nghiệp, cũng không có trình độ, anh Phương phải đi làm thuê, làm mướn kiếm cơm qua ngày.
Đến năm 1995, cụ Chính và cụ Liễu qua đời. Ngoài tài sản là nhà và đất thổ vườn của ông A (diện tích 1.375m2), vợ chồng cụ Chính còn để lại tài sản khoảng 7.000m2 đất. Lúc này, căn nhà do cha anh Phương xây dựng được cô ruột của anh là bà Nguyễn Thị Đúp (sinh năm 1947) vừa ly hôn với chồng về ở. Do làm ăn xa nghèo vẫn hoàn nghèo, anh Phương quay về quê nhà sinh sống. Trước đó, cô ruột Nguyễn Thị Đúp và chú ruột gồm các ông Nguyễn Văn Khen, Nguyễn Văn Deo đã tự phân chia, kê khai, đứng tên toàn bộ diện tích đất kể trên. Căn nhà do cha anh Phương xây cất, bà Đúp cũng đã dỡ bỏ.
Không chốn dung thân, ngày 21.11.2005, anh Phương kiện người thân ra tòa, đòi đất của cha để lại, đồng thời đòi chia phần thừa kế kế vị di sản của ông bà nội để lại. Thế nhưng, suốt từ ấy đến nay, các thẩm phán từ cấp huyện đến cấp tỉnh ở Long An vẫn chưa thể quyết được phần đất thuộc về anh Phương. Ở phiên tòa sơ và phúc thẩm “vòng 1”, các cấp tòa ở Long An bác đơn của anh Phương. Các bản án này bị tòa tối cao tuyên hủy, xử lại từ đầu. Thế nhưng, cấp sơ thẩm và phúc thẩm “vòng 2” lại bác đơn anh Phương, rồi lại bị tòa tối cao kháng nghị đề nghị... xử lại từ đầu.
Như vậy, sau 9 năm mòn mỏi hầu tòa, nhiều lần xét xử, vụ án trở về vạch xuất phát. Cũng trong ngần ấy năm, anh Phương phải sống cuộc sống “đầu đường xó chợ”, chờ công lý.
Anh Phương bên chồng hồ sơ khiếu nại đòi đất.
Đi bộ hàng ngàn kilomet đòi công lý
Tiếp phóng viên Báo Lao Động tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An, anh Phương cho biết, đây là chốn dung thân “ấm cúng” nhất mà anh có được trong suốt 10 năm đi đòi đất. Nghèo đói, thất học, ra đời thua sút mọi người nên anh không có vợ, cũng chưa từng có người yêu. Hồi ông bà nội còn sống, anh còn có chỗ để về, vì cái nhà ông bà đang ở dù gì cũng là cái nhà do chính tay cha mẹ anh dựng lên. Khi ông bà mất, cái nhà bị dỡ đi, anh không còn nơi nào để về.
“Không có chỗ ở nên tôi được Sở LĐTBXH tỉnh Long An giới thiệu vào trung tâm bảo trợ xã hội, ở chung với người già và người điên. Nhưng mình còn sức khỏe, ở như vậy nhục lắm, được một thời gian thì tôi ra ngoài lượm ve chai, phụ hồ, bới rác kiếm sống. Đến năm 2005, người quen hướng dẫn tôi nên khởi kiện để đòi tài sản, vì tôi là con liệt sĩ, lại là đứa con duy nhất của người đã đổ xương máu bảo vệ đất nước mà phải lang thang đầu đường xó chợ, không giữ được miếng đất mà cha tạo lập thì không xứng đáng với cha. Do đó, tôi quyết định nộp đơn kiện ra tòa, đòi công lý” - anh Phương kể.
Từ năm 2009, khi đã thua cả sơ thẩm và phúc thẩm, anh Phương bắt đầu cuộc hành trình ra Hà Nội kêu cứu ở cấp trung ương. “Cứ dành dụm được vài trăm ngàn đồng là tôi mua mì tôm rồi lên đường. Tôi cứ đi bộ, khi nào xin quá giang được thì đi nhờ một đoạn. Cứ thế, trung bình tôi đi từ Long An ra Hà Nội mất khoảng 20 ngày. Ra tới Hà Nội, tôi ngủ ở vỉa hè, công viên. Tôi cứ vừa đi vừa hỏi đường, vậy mà cũng gõ cửa được rất nhiều cơ quan trung ương để nhờ hướng dẫn. Có bận, tôi ngủ ở vỉa hè gần trụ sở tiếp công dân Trung ương Đảng, thấy có công trình xây dựng, tôi xin làm cu li, kiếm cơm qua ngày. Hết công trình thì tôi đi lượm ve chai. Sống lay lắt như thế, nhưng may mắn là tôi hiếm khi bị bệnh. Nhưng đến mùa lạnh quá, quấn mấy lớp áo mưa nằm ngủ ngoài vườn hoa Lý Tự Trọng mà vẫn thấy lạnh thấu xương, nên tôi lại cuốc bộ về miền Nam” - anh Phương ứa nước mắt kể.
Theo lời anh Phương, kháng nghị giám đốc thẩm, rồi quyết định hủy án của TAND Tối cao vào năm 2011 đã tiếp thêm niềm tin vào công lý cho anh. Nhưng rồi, những gáo nước lạnh lại tiếp tục dội vào con người khốn khổ, khốn nạn như anh, khi tòa huyện và tòa tỉnh lại “xử như cũ”. Lại là hành trình lội bộ ra Hà Nội kêu cứu. “Đi bộ thì không tốn tiền, nhưng photo tài liệu, rồi chuyển phát đơn khiếu nại thì tốn kinh khủng. Suốt 9 năm qua, tôi không dám ăn uống gì, chỉ để dành cho mấy khoản này. Tôi nhẩm tính, trong vụ án này, tôi đã đi bộ khoảng hơn 3.000km, nhưng công lý thì chưa thấy tới” - anh Phương nói.
Nói chuyện một chốc, anh Phương lại lôi ống điếu ra rít một hơi thuốc lào rồi tự phân trần: “Hồi trước tôi không hút thuốc. Nhưng ra Hà Nội nằm công viên miết, lạnh đến thấu xương, chịu không nổi nên phải dùng thuốc lào làm ấm lá phổi, riết thành nghiện, bỏ không được. Còn cái đầu tóc tai trụi lũi của tui, nguồn gốc cũng do ít có điều kiện tắm gội. Thôi cứ cạo trọc cầu trời phật, cầu mấy ông "quan tòa" thương xót mà xử cho nhanh. Có nhà rồi, nhất định tôi sẽ sống ra hình người đàng hoàng”.
Những người làm công việc nhổ cỏ, quét rác ở nghĩa trang cùng anh Phương cho biết, tài sản lớn nhất của anh hiện nay là tấm bằng liệt sĩ của cha anh. “Cứ mỗi lần thấy ổng lấy bọc nylon quấn lại, buộc dây cẩn thận là tui biết ổng chuẩn bị đem gửi để... đi kiện. Sống khổ sở, bị chèn ép riết, ổng lập dị lắm. Người hiểu thì thương, còn người không hiểu thì mới nhìn thấy ghét lắm”.
Sống bám nghĩa trang
Anh Phương nói, anh sống bám ở nghĩa trang, theo nghĩa đen. Do anh có sổ hộ nghèo nên huyện nhiều lần tính chuyện cất nhà tình nghĩa cho anh. Tuy nhiên, việc cất nhà lần nào cũng vướng vì anh không có đất. Ngoài cái chuyện “không có đất” do đất bị chiếm, anh Phương còn gặp đủ chuyện cười ra nước mắt khác xung quanh cái hộ khẩu. Dù anh không chuyển đi đâu nhưng UBND xã Long Định lại xác nhận anh đã bỏ địa phương đi hơn 10 năm và không còn hộ khẩu tại địa phương nữa.
Cầm sổ hộ khẩu đi khiếu nại từ năm 2005, đến tháng 4.2007, Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện Cần Đước đã xác minh và khẳng định những xác nhận trước đó của UBND xã Long Định là hoàn toàn sai sự thật. Liên quan đến việc xin xác nhận ngày mất của ông nội để xin thừa kế kế vị, địa phương xác nhận với anh là vào tháng 12.1995, nhưng xác nhận với tòa là mất vào tháng 9.1994 để anh không còn thời hiệu khởi kiện, dù trong hồ sơ, ông nội anh vẫn nhận trợ cấp liệt sĩ (của cha anh) đến tháng 12.1995.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Cần Đước - cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm chăm sóc trường hợp của anh Phương. Huyện đã xét xây nhà tình nghĩa, nhưng đất chưa có nên chúng tôi chờ phán quyết của tòa. Thực ra, huyện có bàn việc giao luôn một nền, nhưng anh Phương vẫn muốn được ở lại nền cũ. Chúng tôi biết anh Phương một thân một mình rất khổ, thường xuyên có hỗ trợ. Nhưng cứ có tiền, anh lại lặn lội ra Hà Nội đi kiện”.
Còn ông Nguyễn Văn Bon - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Long An - nói: “Anh Phương không nhà, không cửa, có lúc chúng tôi bố trí anh vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng anh không ở được lâu. Mới đây, chúng tôi bố trí anh vào ở tạm tại nghĩa trang, làm công nhật, quét dọn, nhổ cỏ tại đây, mỗi ngày 60.000 đồng, tuần làm 5 ngày. Dù muốn bố trí công việc tốt, nhưng anh Phương không có nghề nghiệp chuyên môn, cũng không có trình độ nên chỉ có thể bố trí công việc đơn giản nhất. Sắp tới, chỉ cần tòa xử anh Phương có đất là anh sẽ có nhà tình nghĩa liền”.
Vậy đấy, anh Phương giờ có được nhà tình nghĩa hay không chỉ còn phụ thuộc vào mỗi việc tòa xử. Nhưng tòa đã xử đi, xử lại đến 9 năm nay mà vụ việc liên quan tới anh vẫn giậm chân tại chỗ...


                                                                                                                              HỮU DANH
                           Theo laodong.com.vn