Trao đổi với VnExpress lúc 9h54, ông Phạm Hiển - Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn 3 - cho biết vừa dò được tín hiệu máy bay Malaysia, cho thấy máy bay này đang cách mũi Cà Mau về phía tây nam 120 hải lý.
"Hiện vẫn tiếp tục dò tìm và phát đi thông báo đến tất cả các trung tâm ứng cứu" - ông Hiển nói.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia dự kiến tới Bắc Kinh, nhưng đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào khoảng 2h40 sáng nay, sau khi rời thủ đô Kuala Lumpur. Thông cáo của Malaysia Airlines phát đi cho thấy, chiếc máy bay Boeing 777-200 vừa cất cánh rời Kuala Lumpur vào 0h41 và dự kiến tới Bắc Kinh vào 6h30 cùng ngày. Theo CNN, chiếc phi cơ chở theo 227 hành khách, trong đó có có hai trẻ sơ sinh cùng với 12 thành viên phi hành đoàn.
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đã mất toàn bộ liên lạc với chuyến bay MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur lúc 0h41 sáng nay để tới Bắc Kinh" - AFP dẫn lời ông Ahmad Jauhari Yahy, Giám đốc điều hành MAS - cho biết trong một thông báo. "Chúng tôi đang liên lạc với thân nhân của hành khách và phi hành đoàn. Chúng tôi dành toàn bộ suy nghĩ và lời cầu nguyện tới những người có mặt trên chuyến bay và gia đình họ".
"Chúng tôi không biết chiếc máy bay đang ở đâu" - CNN dẫn lời ông Fuad Sharuji - Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động MAS, trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với phi cơ bằng nhiều hình thức khác nhau". Ông cho biết tại thời điểm mất tích, chiếc phi cơ mang theo nhiên liệu cho 7,5 giờ bay.

Thông tin về chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hiện thông báo đỏ, với thông báo "hoãn chuyến". Ảnh: Weibo/Sina
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cho rằng chiếc Boeing 777-200 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ở Việt Nam. Máy bay chưa bay vào không phận của Trung Quốc và chưa liên lạc với trạm kiểm soát của nước này.
Trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, máy bay đã mất tích trước khi vào vùng thông tin bay (FIR) của TPHCM.
"Dự kiến, việc kiểm soát tín hiệu chuyển giao cho FIR TPHCM lúc 0h22 sáng nay, nhưng tàu bay chưa liên lạc với FIR của TPHCM. Trước khi vào vùng kiểm soát của ACC TPHCM khoảng 1 phút bay, máy bay đã mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu radar. Việt Nam đã cùng Malaysia, Trung Quốc đưa ra phương án khẩn nguy phối hợp với Malaysia khi bạn yêu cầu" - Bộ trưởng nói thêm.
Ông cho biết, Malaysia đã cử máy bay đi tìm kiếm tại khu vực giáp ranh FIR TPHCM. Việt Nam cũng đã thống nhất phương án với Malaysia và sẵn sàng khi nhận yêu cầu. Chương trình tìm kiếm, cứu nạn đã thông báo đến các tỉnh trong khu vực.
160 hành khách trên chuyến bay mang quốc tịch Trung Quốc - Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải trên Weibo. Đài này còn cho biết hiện vẫn chưa có báo cáo nào về máy bay gặp nạn trên vùng biển Trung Quốc.
"Trước thông tin trên, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng. Chúng tôi đang liên hệ với các bên liên quan để xác nhận tình hình liên quan. Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia và tại Việt nam đã khởi động cơ chế ứng phó khẩn cấp, dốc toàn lực làm tốt các công việc liên quan" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay do MAS quản lý gặp nạn. Tháng 10.2013, một phi cơ nhỏ Twin Otter - do MASwings quản lý - gặp sự cố khi đang hạ cánh xuống đảo Borneo, bang Sabah, làm phi công và một hành khách thiệt mạng. Năm 1977, một máy bay chở khách gặp nạn ở miền nam Malaysia, làm 93 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Malaysia Airlines là hãng hàng không quốc gia của Malaysia và là một trong những hãng hàng không lớn nhất Châu Á, phục vụ gần 37.000 hành khách với khoảng 80 điểm đến trên thế giới mỗi ngày.

 Nguồn laodong.com.vn