Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Phải sửa luật vì người làm hạn chế về tầm nhìn?


(Tin tức thời sự) - Đây là một trong số những câu hỏi của sinh viên dành khiến các nhà hoạt động của Quốc hội không khỏi giật mình, suy nghĩ.

Ngày 29/3, lần đầu tiên sinh viên các trường đại học được mời đến Văn phòng Quốc hội để tìm hiểu về cơ quan này và bày tỏ mong muốn của mình với các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với các bạn sinh viên bên lề Hội nghị
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với các bạn sinh viên bên lề Hội nghị
Mở đầu hội nghị, Văn phòng Quốc hội đã dành khá nhiều thời gian
để giới thiệu cho sinh viên về các hoạt động của Quốc hội.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi: “Có ai trong số gần 200 bạn sinh viên ở đây nhớ vị ĐB mà mình đã bầu?”. Và TS Dũng cho rằng các cử tri là những sinh viên phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, bởi ĐB là người được mình ủy quyền, đại diện quyền lợi cho mình.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phổ biến cho sinh viên biết cách làm thế nào để tác động được vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, trong đó ông nhấn mạnh vai trò của cử tri: “Muốn có những nghị sĩ thông thái thì đòi hỏi phải có những cử tri thông thái, nếu chúng ta đi bầu đại biểu Quốc hội mà không nhớ là bầu ai thì làm sao mà tác động được vào đại biểu Quốc hội?”.
Tuy nhiên, ý kiến này đã bị sinh viên hỏi ngược lại: “Liệu rằng đại biểu Quốc hội có đến gần với dân hay không mà yêu cầu dân phải biết mình là ai? Có đại biểu khi đi ứng cử thì hứa hẹn đủ thứ nhưng khi trúng cử rồi thì một lời cảm ơn cũng không có”, sinh viên Ngô Thùy Linh, Trường ĐH Luật Hà Nội nói.
Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Sĩ Dũng và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phải bày tỏ những khó khăn của mình. Hai ông đều cho rằng do cơ chế và điều kiện để đại biểu được tiếp xúc với cử tri còn hạn chế, ví dụ đại biểu không có văn phòng để tiếp cử tri...
Bày tỏ ý kiến của mình trước hội nghị, sinh viên Lê Thị Yến Ly, Trường ĐH Luật Hà Nội, chia sẻ: “Chắc chắn khi đứng trước một vấn đề của đất nước, mỗi bạn trẻ đều có những suy nghĩ, quan điểm; thậm chí các bạn còn có những nguyện vọng mong muốn gửi gắm tới Quốc hội nhưng hiện nay không có diễn đàn nào dành riêng cho các bạn để được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, được nói lên suy nghĩ của mình”.
Hàng loạt những điều quan tâm khác cũng được các bạn trẻ bày tỏ. Sinh viên Lê Thị Yến Ly đặt thêm câu hỏi về việc làm.
Cũng có câu hỏi khiến các đại biểu Quốc hội phải giật mình như: “Tại sao luật rất hay phải sửa đổi. Có phải do những người làm luật đã hạn chế về tầm nhìn?
Thực tế ngay tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, có tới 5 bộ luật được Quốc hội sửa đổi và thông qua như: Đất đai (sửa đổi); Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Về các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm 10 dự án luật để làm cơ sở cho việc xem xét, thông qua tại kỳ họp sau: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chứng.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Chương trình giao lưu lần này là hoạt động khởi đầu cho chương trình xây dựng Nghị viện trẻ do Văn phòng Quốc hội và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức. Chương trình muốn thu hút giới trẻ quan tâm tới các hoạt động chính trị và khích lệ họ có thể trở thành những nghị sĩ tài giỏi trong tương lai.
Phương Nguyên (Tổng hợp)

                                                                       Theo baodatviet.vn

Không có nhận xét nào: