Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Bí ẩn lời đồn “yểm bùa chôn trinh nữ cùng kho báu trong hang ma” tại Thái Nguyên

Đường đến "hang ma" ở xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, Thái Nguyên hiểm trở bởi những dốc đá dựng đứng. Trong hang tối như bưng vì thiếu ánh sáng, chỉ duy nhất có chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng được tìm thấy trong một ngách hang.

Đó là chiếc quan tài được đẽo từ một thân cây gỗ lớn, có dấu vết đục khắc các họa tiết thời cổ xưa ở xung quanh. Sở dĩ, người dân nơi đây ai cũng e dè, sợ sệt khi nhắc về hang bởi họ truyền tai nhau đó là "hang ma". Theo như lời đồn đại của người dân, chiếc quan tài còn sót lại chính là nơi chôn sống một cô gái trẻ bị yểm bùa giữ của trong hang?!

Quan tài “ướp xác” của ai?
Với những lời đồn đại đầy ma mị của người dân bản địa, chúng tôi quyết tâm về bản Hợp Thành, xã Phượng Tiến nơi có cỗ quan tài cổ độc đáo ở bên trong "hang ma". Ngỏ ý muốn nhờ người dân đưa đi nhưng ai cũng ái ngại, sợ sệt. Bà Ma Thị Việt, người sống ngay dưới chân núi "hang ma" cho biết: "Người dân trong làng phát hiện quan tài cổ ở trong "hang ma" từ lâu, nhưng sợ ma lắm không dám lên đâu, lên hang nó lại kéo xuống không về được. Từ đó, dân làng chẳng ai dám đi vào đâu, đến nỗi người đi rừng cũng chẳng dám chạm vào cây, người săn thú cũng không dám bén mảng đến. Nhỡ có điềm gì thì khổ".
Chiếc quan tài nằm ở trong một hang đá lớn với độ cao gần 600m so với chân núi.
Theo lời đồn thổi của người dân, vào những đêm trăng rằm, họ vẫn nghe thấy tiếng hú vang vọng ở bên trong. Có lần, người dân đi săn trong rừng về vẫn còn nhìn thấy bóng người lảng vảng ở trên đó vội hét to chạy về làng. "Ngày trước, lúc đó tôi còn bé xíu, rừng ở đây rậm rạp cây cối um tùm, có những cây cổ thụ thân to bằng hai người ôm mới hết. Đường mòn lên "hang ma" rậm rạp lắm, đi đến đâu người ta cầm dao quắm phát cỏ mới đi được. Hồi đó, người dân vẫn trồng ngô, trồng bí ở trên đó nhưng sau này không ai dám làm nữa rồi", bà Việt nói thêm.

Đang làm cỏ ngô cùng với bà Việt, chị Ma Thị Huyền cho biết: "Theo lời các cụ kể lại, ngày trước còn nhìn thấy từng tốp người gánh vàng lên trên núi, nhưng không thấy ai xuống cả, chắc là họ bị giết rồi. Bên trong hang có kho báu nên người ta đã cho cô gái trẻ ngậm sâm rồi chết dần chết mòn để yểm bùa giữ của. Không ai có thể lấy được, trừ khi đem người con gái đó ra ngoài mới có thể lấy được kho báu. Nhưng cũng chẳng ai dám đến gần chỗ "hang ma"".

Còn anh Hoàng Văn Nam, một thợ săn trong làng lại cho rằng, khi người dân lên đấy săn, bắn trúng con khỉ nhưng nó chạy mất, thế nên mọi người đã lần theo vết máu tìm đến cái hang đó. Nhưng khi mọi người lùng sục trong hang để bắt thì bỗng dưng phát hiện thấy quan tài ở bên trong nên tá hỏa bỏ chạy thoát thân. Từ đó người dân mới biết ở trong hang có chiếc quan tài cổ. Và ở trong hang có nhiều đá màu vàng óng ánh giống vàng.
Chữ Hán cổ khắc trên vách đá.
Hiểm trở đường đến “hang ma”

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện của người dân về "hang ma" và chiếc quan tài cổ, chúng tôi nhờ anh Hoàng Văn Nam - người đi rừng lâu năm, thông thạo địa hình đưa đến. Anh Nam cho biết: "Hang ma" nằm ở độ cao gần 600m so với thung lũng dưới chân núi. Để lên đến được đấy người hay đi rừng mất chừng khoảng một giờ đồng hồ. Đường lên hang vô cùng hiểm trở, nhiều chỗ dốc gần như dựng đứng.
Chúng tôi men theo con đường mòn, trời mới mưa xong nên đi khá trơn trượt không cẩn thận có thể ngã xuống vực thẳm. Đường lên "hang ma" rậm rạp, có rất nhiều muỗi và có những tảng đá nhô ngay trên đầu. Chúng tôi bắt đầu đi vào con đường mòn hiểm trở, một bên là núi đá, một bên là vực thẳm. Đến đây, anh Nam vừa đi vừa vung dao quắm phát đường cho dễ đi. Sau hơn một tiếng đồng hồ leo núi trên người ai cũng ướt sũng mồ hôi, chúng tôi đành phải ngồi trên phiến đá ở ngoài cửa hang để lấy sức tiếp tục đi vào bên trong.
Lý giải tên gọi “hang ma”

Trao đổi với PV, ông Trần Tiến Lâm, chủ tịch UBND xã Phượng Tiến cho biết: Khoảng năm 1986 người dân đã phát hiện ra quan tài cổ ở trong hang khiến nhiều người sợ hãi không dám đến gần hang đó. Nên người dân gọi là "hang ma". Ở bên trong hang có quan tài cổ làm bằng thân cây gỗ, nhưng cũng không biết quan tài cổ đó có từ thời nào? Ngày xưa người ta đưa xuống hang bằng cách nào cũng chưa ai biết được?

"Những việc đồn thổi từ ngày trước rất khó kiểm chứng vì các cụ cao niên trong làng giờ cũng đã mất hết rồi. Như lời đồn đại của người dân ở trong "hang ma" người ta đã nhốt cô gái trẻ đẹp ở trong quan tài cho ngậm sâm đến chết để giữ bùa thì cũng chỉ là lời kể lại", ông Lâm cho biết thêm.
Theo quan sát, cửa hang hình vòm nhỏ quay về hướng Đông Nam. Từ cửa hang đi sâu vào bên trong khoảng chừng 10m, ở bên trong hang bỗng dưng tụt sâu xuống như chiếc giếng đào với độ sâu khoảng 20m. Đá ở trong hang nhuộm màu bạc trắng.
Lau mồ hôi nhễ nhại, anh Hoàng Văn Nam cho biết: "Để xuống được dưới "hang ma" có chiếc quan tài cổ, phải trèo xuống dưới khoảng tám mét dốc đá gần như thẳng đứng. Tay bám chắc vào hốc đá nhỏ mới xuống được. Ở bên dưới hang tối đen như mực, ai yếu bóng vía thì không dám xuống bởi xuống dưới đấy có cảm giác lành lạnh".

May mắn, anh Nam đã chuẩn bị trước hai chiếc đèn pin để đưa chúng tôi xuống dưới hang. Với kinh nghiệm của người đi rừng lâu năm, anh trèo xuống trước soi đèn pin và hướng dẫn tỉ mỉ chỗ bám vào từng hốc đá. Chỉ cần sơ sểnh có thể mất mạng như chơi.
Vừa xuống dưới hang, cảm giác trong người tôi cảm thấy lành lạnh, hơi run run. Bóng tối vây quanh làm cho hang càng trở nên u ám. Để đi đến chỗ chiếc quan tài cổ, chúng tôi dùng tới hai chiếc đèn pin để đi vào trong.
Chiếc bát chân cao, họa tiết cánh sen - đồ vật tùy táng trong quan tài cổ xưa.
Bí ẩn quan tài cổ

Trước mặt tôi là chiếc quan tài cổ được đặt trên một hốc đá, cao ngang mặt người. Phần nắp trên của chiếc quan tài đã bị bật mở, tấm đáy của quan tài nơi đặt thi thể của người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc của tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ vật tùy táng rơi xuống nền hang. Ở bên dưới nền hang là những mảnh sọ nhỏ và những mảnh xương ống bị gãy.

Theo quan sát, chiếc quan tài được làm bằng một thân cây gỗ lớn, cây gỗ được tách ra làm hai mảnh, bên trong người ta đục lõm xuống. Toàn bộ bên trong lõm xuống chỉ thấy dấu hiệu đục và đẽo mà không có dấu hiệu bất kỳ của cưa, bào... Ở đầu quan tài có chỗ lồi ra để cầm, ở giữa có một lỗ nhỏ để chốt lại với nhau. Cỗ quan tài có dấu hiệu bị xuống cấp, phần ở dưới đã bị mối mọt đục thủng theo chiều dọc. Chiếc quan tài có đường kính khoảng 50cm, dài khoảng 2 - 2,5m. Ở cuối hang có một hang nhỏ ăn thông lên chỗ đầu hang chính.

Gần ngay đấy là hai chiếc bát, trong đó có một chiếc bát chân cao, phần đáy bôi màu nâu đỏ, thân bát được trang trí hoa lam với họa tiết cánh sen. Bát được khoét lòng ở dưới đáy, giữa lòng có chữ Phúc viết bằng chữ Hán. Chiếc bát còn lại chân thấp men màu trắng không có hoa văn. Cả hai bát đều có vết vỡ ở phần miệng. Có dấu hiệu di tích mộ đã bị xâm hại trước đó với mục đích lấy những đồ vật bên trong quan tài cổ.
Ở trên trong lòng hang, chúng tôi còn phát hiện ra ba chữ Hán cổ viết trên đá. Anh Nam còn dẫn chúng tôi đến cuối hang, chỉ cho chúng tôi xem ba chữ viết ở ba hướng khác nhau, nhưng giờ chỉ còn một chữ đó là chữ Thập. Ở bên dưới nền hang có nhiều phân dơi, một số chỗ ở "hang ma" đất mùn tươi xốp. Nền đất ở cuối cùng hang đã bị đào xới lên, và ngay bên dưới ba chữ Hán cổ cũng bị xới tung lên.

Nói về thực hư việc người dân đồn thổi có kho báu trong hang, ông Ngô Nguyên Lạc (Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa) cho biết: Khi chưa phát hiện ra động “hang ma”, đã từng có người làm nghề dò kim loại vào hang tìm kho báu nhưng chỉ thấy bát vỡ nên bỏ đi. Chúng tôi đã khoanh vùng bảo vệ hang một cách cẩn thận để chờ những kết luận chính thức. 
(Theo NĐT)

Nguồn danviet.vn

Không có nhận xét nào: