Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Gặp người đàn ông 30 năm mang thân hình "quỷ dữ" ở Thanh Hóa

Phạm Văn Chu vốn là chàng trai cường tráng, khỏe mạnh nhưng đến tuổi trưởng thành trên cơ thể ông bỗng xuất hiện những khối u, nhọt lạ thường. Sau đó những khối u bắt đầu lan rộng ra và khiến toàn thân bị biến dạng hoàn toàn khiến nhiều người gọi ông là “người cây”.

XEM THÊM >>>

Một gia đình 3 cha con mang 'khuôn mặt quỷ'


Bệnh lạ chưa thấy ở Việt Nam




Hơn 30 năm mang thân hình “quỷ dữ”, bị nhiều người kỳ thị, xa lánh nhưng ông Chu vẫn luôn lạc quan, cố gắng vươn lên bằng chính đôi chân gầy yếu của mình trở thành người có ích cho Xã hội.
30 năm mang hình hài “lạ”
Trong chuyến công tác tại các huyện miền núi Thanh Hóa, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện về người đàn ông có biệt danh “người cây”, có thân hình kỳ dị với bốn đời vợ tại thôn Lương Hoà, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Đó là người đàn ông đặc biệt tên Phạm Văn Chu (SN 1956).
Vừa tới nhà, hiện ra trước mắt chúng tôi là một người đàn ông đứng tuổi, mang hình thù kỳ quái, ốm yếu, mặt nhợt nhạt đang ngồi đan những chiếc rổ tre. Thấy chúng tôi, ông vội lau những giọt mồ hôi còn ướt đẫm trên khuôn mặt méo mó, biến dạng bởi những khối u. Thấy khách lạ, ông nở nụ cười trông rất đáng thương.

Những khối u khiến ông Chu đau đớn, ngứa ngáy rất khó chịu.

Trong căn nhà xập xệ, cũ kỹ ở xã miền núi Cẩm Lương, rót ly nước chè mời khách, ông Chu ngồi trầm ngâm, thi thoảng giơ cánh tay lên nhìn những khối u mọc chi chít, làm ông đau nhức không yên. Thấy có khách lạ đến nhà, ban đầu ông Chu có vẻ e ngại. Khi được hỏi bằng sự chân thành, đồng cảm sẻ chia, người đàn ông ấy mới chịu trải lòng với chúng tôi.
Ngày lọt lòng mẹ, ông Phạm Văn Chu cũng bình thường như bao người khác. Thế nhưng, bước sang tuổi 18, cơ thể của ông bắt đầu xuất hiện cả nghìn khối u, từ đầu đến chân khiến ông đau nhức, ngứa ngáy rất khó chịu.
Ngồi gần ông Chu, chúng tôi mới thấy những khối u lớn nhỏ đua chen nhau mọc, thậm chí trong khoang miệng cũng có. Khuôn mặt ông gần như biến dạng hoàn toàn vì hàng chục khối u kí sinh. “Những khối u cứ lớn dần, mọc càng ngày càng nhiều, chứ không to lên một lúc như bây giờ. Năm 20 tuổi, khi những khối u mới chỉ lưa thưa, gia đình cũng không để tâm. Đến lúc thấy u xuất hiện ngày một nhiều thì tôi tìm tòi sách vở, hỏi han nhiều thầy thuốc, đi khắp nơi khám mà không ra bệnh”.

Được biết, ông Chu là anh cả của 8 người em trong một gia đình nghèo khó nên mọi công việc đều một tay ông gánh vác. Bố mẹ già yếu, ông phải bỏ học sớm đi làm nương lấy gạo nuôi các em. Gia đình vốn túng thiếu quanh năm, miếng ăn cũng mới chỉ đủ qua ngày. Chính vì thế, gia đình ông không có tiền đến bệnh viện lớn để khám và chữa trị, đành để những u nhọt hành hạ suốt hơn 30 năm qua. “Khắp trên người tôi đều mọc những u lớn bé. Có những u đau nhức, có những u không đau nhưng ngứa ngáy. Có u trong khoang miệng làm tôi khó nhai thức ăn, khó phát âm chuẩn thành ra nói ngọng. Thế nên, cuộc sống của tôi cũng gặp nhiều phiền phức”, ông Chu chia sẻ.
Bản thân là trụ cột trong gia đình, ông Chu bỏ qua mọi mặc cảm bệnh tật, nén nước mắt vào trong, đi làm ăn kiếm tiền nuôi vợ con. Dần dà, hàng xóm cũng trở nên thân quen, thương xót, đồng cảm với ông. Họ tín nhiệm ông làm bảo vệ thôn. Có được việc làm, kiếm mỗi vụ vài ba tạ thóc nuôi vợ con, ông Chu lấy công việc làm niềm an ủi. Ông đi khắp ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, bảo vệ từng cây ngô, cọng lúa khỏi bị bò ăn cho dân làng.
Tình duyên lận đận
Ông Chu cho biết, hồi bắt đầu phát hiện bệnh “lạ”, mỗi ngày khối u càng dày đặc lên, khiến người xung quanh sợ hãi, không dám tới gần. Thời gian sau mọi người quen dần và gọi ông với cái tên ngộ nghĩnh “người cây”, người quả sung... “Nhiều người còn nói gặp phải người mặt quỷ như tôi là xui xẻo. Lúc đó, tôi chỉ lủi thủi quay mặt đi nhanh ra chỗ khác. Có lúc đau đớn phát khóc”.

Cơ thể không được bình thường như bao người khác, sống chung với bệnh tật và sự kỳ thị đã là cực, về chuyện vợ con đối với ông lại còn xót xa hơn. Lấy người vợ đầu tiên năm 20 tuổi thì bị bệnh mất. Được gia đình khuyên đi bước nữa nhưng đến người vợ thứ hai cũng lâm bệnh rồi qua đời. Khi lấy người vợ thứ ba, bà sinh cho ông được bốn người con nhưng khi sinh đứa con út, bà bị băng huyết rồi qua đời. Đến người vợ thứ tư thì không có con. Một trong bốn người con của người vợ thứ ba của ông cũng bị mắc bệnh “quỷ quái” giống cha.
Mắt hướng về phía người vợ đang ngồi nép ở góc nhà, ông Chu nén tiếng thở dài: “Những người phụ nữ đến với tôi vì cùng một hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn. Người vợ thứ tư cũng vậy, bà ấy bị chồng đầu hành hạ, bỏ rơi, họ hàng thấy vậy mai mối chúng tôi nên vợ chồng”.
Bà Cao Thị Sú (SN 1956), người vợ hiện tại của ông Chu vốn là người phụ nữ khỏe mạnh, cam chịu. Theo chân người đàn ông vốn mang tiếng mặt quỷ của làng đã mấy chục năm nay, bà Sú không một lời ca thán, buồn phiền, chê bai chồng. “Tôi ở cùng làng với ông ấy, cũng đã chứng kiến ông ấy bị bệnh. Nhưng tôi biết ông ấy là người tốt, chịu khó làm ăn, lại được hai gia đình đồng thuận nên tôi đến với ông ấy. Cuộc sống khó khăn, bản thân tôi lại không sinh con được, nhưng tôi vẫn luôn bên ông ấy”, bà Sú chia sẻ.
Cô con gái út của ông giờ năm nay đã 36 tuổi cũng nổi đầy cục u khắp người. Vì xấu hổ nên mỗi lần có khách tới chơi, cô đều nép mình vào trong ngôi nhà. Nhiều người dân nơi đây nói rằng, chỉ vì những cục u đó mà con gái ông Chu chưa lấy được chồng. Nhìn cô con gái càng ngày càng nhiều cục u nổi khắp người, ông Chu gạt nước mắt cho hay: “Căn bệnh lạ này chỉ tôi có chứ đời cha ông tôi không ai mắc phải. Đến bây giờ thấy con gái út cũng bị bệnh hành tôi đau xót vô cùng. Chỉ mong sau này chịu khó làm ăn kiếm chút tiền đi khám cho cháu”.

Chị Phạm Thị Thu (SN 1979) con gái út ông Chu cũng bắt đầu nổi khối u khắp người.

Người dân xã Cẩm Lương cho biết, ông Chu là người hiền lành, rất năng nổ trong mọi hoạt động của thôn, xóm. Biết mình mang “bệnh lạ” ông không nản lòng mà luôn hăng say làm việc, lao động hết mình. Tuy bệnh tật nhưng ông Chu vẫn đảm nhận nhiều công việc trong thôn, xã. Năm 1975 – 1979, ông tham gia vào lực lượng dân quân hỏa tuyến. Đến năm 1980, ông về địa phương công tác giữ chức bí thư chi đoàn thanh niên trong nhiều năm liền. Năm 1988, ông làm y tá trưởng cho UBND xã Cẩm Lương và nhiều chức vụ khác. Hiện nay ông đang làm bảo vệ thôn và tham gia nhiều hoạt động khác của xã nhà.
Bệnh “lạ” ông mắc phải không có thuốc cứu chữa nhưng ông luôn tin yêu vào cuộc sống, cuộc đời. “Trời bắt tôi phải mang căn bệnh oái oăm này, nhưng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng số phận. Sống được ngày nào thì ngày đó tôi còn cố gắng làm việc cho nhân dân, làm người có ích cho xã hội”, ông Chu khẳng định.
Số phận đáng thương
Bà Bùi Thị Hiệu, Trưởng thôn Lương Hòa cho biết: “Ông Phạm Văn Chu là người nhiệt tình với mọi công việc chung của thôn. Mọi người ở đây sống lâu năm rồi nên họ nhìn ông ấy nhiều thành quen. Người xa mới đến thì ghê sợ, xa lánh. Thôn cũng đã đề nghị với xã có chế độ quan tâm tới ông ấy, vì hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn. Chính quyền thôn xóm cũng rất quan tâm đến bà Sú, hàng năm, bà vẫn được nhận những phần quà, phần gạo từ xã gửi xuống, thôn xóm chúng tôi luôn ưu tiên để bà đỡ khổ”.
THIỆN QUYỀN - TRẦN THỦY



Theo doisongphapluat.com



Không có nhận xét nào: